Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Dân vận là then chốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước những chiêu bài chống phá của thế lực phản động, lực lượng chức năng đã tổ chức đấu tranh, bóc gỡ, xử lý các đối tượng chống phá; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân Tây Nguyên không nghe theo sự xúi giục, kích động của kẻ xấu; chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế; phát huy vai trò quần chúng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực.
Bóc gỡ những chiêu bài phản động
Từ TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), chúng tôi vượt hơn 140km để tìm về nhà vị tướng lừng danh Rơ Ô Cheo (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 đoạn 2007-2013) tại buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Tháng 10, khí hậu Tây Nguyên thật trong lành, mát mẻ, không chỉ có nắng, có gió mà còn có những ngọn núi hùng vĩ, cao nguyên rộng lớn, những cánh rừng nguyên sinh cùng những dòng sông, con suối, thung lũng tuyệt đẹp. Đến đầu xã Chư Rcăm, khi chúng tôi hỏi về tướng Rơ Ô Cheo, nhiều người dân nơi đây bày tỏ sự nể phục và yêu quý vị tướng người dân tộc Jarai nổi tiếng này.
Nhà tướng Rơ Ô Cheo nằm ở ngã tư trong buôn, xung quanh là hàng cây xanh mướt và những ngôi nhà dài của đồng bào địa phương. Trong nhà ông treo nhiều huân chương, bằng khen như: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Huân chương Quân công”...
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo cho biết, các thế lực thù địch phản động không ngừng tìm cách chống phá chính quyền. Bọn chúng gây ra nhiều vụ việc phức tạp tại Tây Nguyên, tập trung ở 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Chúng lừa mị, kích động nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tụ tập biểu tình, gây rối trật tự vào những năm 2001, 2004.
Ông nhấn mạnh: Trong đấu tranh ngăn chặn lực lượng FULRO lôi kéo, dụ dỗ dân gây rối, chủ trương chung là vận động tuyên truyền, và kêu gọi đối tượng phản động đầu thú, đầu hàng, trường hợp ngoan cố như bắt, giết dân mới áp dụng phương án vũ trang. Quân khu 5 đã chỉ đạo cho lực lượng quân đội ở các tỉnh Tây Nguyên thuộc đơn vị quản lý, quyết tâm giữ vững trật tự an ninh nội địa, vùng biên giới; kêu gọi dân không theo bọn phản động lôi kéo vượt biên. Ngoài ra, Quân khu 5 còn chỉ đạo các đơn vị quân đội trên địa bàn tham gia giúp dân phát triển kinh tế ở vùng biên giới để nâng cao đời sống của dân.
 
Giáo dân cầu nguyện bên tượng Đức Mẹ Fatima tại Măng Đen (còn được gọi là Tượng Đức Mẹ Măng Đen), thị trấn Măng Đen huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum. Ảnh: KHẮC HÀO
Hồi tưởng về vụ biểu tình năm 2004, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, khi hàng ngàn người dân kéo về biểu tình, đòi thành lập “Nhà nước Đê Gar”, chính quyền các địa phương cùng lực lượng vũ trang đã tổ chức ngăn chặn, bóc tách, bắt giữ những đối tượng FULRO trà trộn trong đoàn biểu tình, những đối tượng cộm cán trong đoàn có hành động quá khích, kích động bà con, để xử lý. Ngay sau khi những đối tượng cầm đầu bị bắt giữ, cán bộ chính quyền các cấp cùng nhiều vị chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong buôn làng đã đến vận động, giải thích cho ngươi dân biết rõ âm mưu của thế lực thù địch. Người dân nhận ra bản chất vụ việc, qua đó thấy việc làm là sai nên tự nguyện quay về làng bản.
Thế nhưng, trên thực tế, sau sự kiện năm 2004, lực lượng FULRO lưu vong vẫn không ngừng chống phá bằng nhiều hình thức, trong đó có sử dụng không gian mạng. Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2004-2014, lực lượng công an đã xử lý theo quy định pháp luật hàng trăm đối tượng FULRO; đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa hơn 2.000 đối tượng, cơ sở ngầm của FULRO lưu vong; thu giữ nhiều tài liệu, vật dụng khác liên quan đến hoạt động của FULRO. Riêng năm 2019, Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và bóc gỡ 14 đối tượng hoạt động cơ sở ngầm cho lực lượng FULRO lưu vong. 

“Những đối tượng này được FULRO lưu vong ở Mỹ trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động bằng các phương tiện thông qua Internet như Facebook, Chat, E-mail… Lực lượng công an đã phối hợp với các ban ngành đưa 14 đối tượng ra trước cộng đồng thôn buôn để kiểm điểm, phê bình. Qua đó, họ đã nhận ra sai trái, cam kết trước chính quyền địa phương, già làng, cộng đồng thôn buôn sẽ không tái phạm”, Trung tá Y Thu ÊBan, Phó Trưởng Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết.

Trung tướng Ksor Nham, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, nguyên Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, nói: Ngay từ khi ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng. Xây dựng thế trận lòng dân ở các tỉnh Tây Nguyên thực sự vững chắc là quá trình khơi dậy, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức tự giác của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
 

Trung tướng Ksor Nham

Tuyên truyền, vận động
Đến Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, chúng tôi được gặp và trò chuyện với Đại tá Nay Hứ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, nguyên Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Ông Nay Hứ kể, sau sự kiện năm 2001, trên địa bàn đã thành lập Đội công tác 123 (lực lượng vận động quần chúng) với lực lượng chính là quân đội. Đội công tác này xuống các làng trọng điểm về chính trị, cùng ăn ở với dân để nắm tình hình, tâm tư của dân, giải thích, vận động dân không nghe lời kẻ xấu; giúp dân làm kinh tế, xây dựng đường, chăm sóc sức khỏe…
Một trong những “quả ngọt” của quá trình kiên trì tuyên truyền, vận động người lầm lỡ đó là trường hợp ông Y Ngáy Niê (54 tuổi, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Năm 2001, ông Y Ngáy Niê bị kẻ xấu lừa mị nên cùng 100 người khác tìm đường vượt biên sang Thái Lan. Khi đến biên giới Campuchia, ông bị bộ đội biên phòng bắt giữ, giao về địa phương. Mặc dù đã được chính quyền các cấp động viên, vận động nhưng đến tháng 4-2004 ông tiếp tục tham gia biểu tình.
“Sau đợt biểu tình năm 2004, được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, phân tích âm mưu của kẻ xấu, tôi mới nhận ra được hành động của mình là sai trái. Âm mưu của kẻ xấu là kích động chúng tôi chống phá lại Nhà nước chứ chẳng đưa ai sang Mỹ cả”, ông Y Ngáy Niê kể lại.
Ông Y Nghi Ê Ban, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Suê, cho biết, Y Ngáy Niê là một trong những nạn nhân bị thế lực thù địch dụ dỗ, tham gia các hoạt động chống phá đường lối của Đảng và Nhà nước. Sau cuộc biểu tình năm 2004, được chính quyền địa phương vận động, cảm hóa, tư tưởng của ông Y Ngáy Niê đã thay đổi rõ rệt. Những năm qua, Y Ngáy Niê là một trong những người tích cực tham gia trong công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương và được bầu làm Trưởng buôn Sút M’Drang.
Trong khi đó, công tác đấu tranh, xóa bỏ tà đạo Hà Mòn đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, sau khi tà đạo Hà Mòn xâm nhập vào một số làng, Ban Thường trực Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân; cử cán bộ xuống làng có tà đạo xâm nhập để vận động người dân, tín đồ tôn giáo chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên tuyền, xuyên tạc của thế lực thù địch. Các vị già làng, người có uy tín, các chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo tuyên tuyền, vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo đoàn kết giúp nhau xây dựng đời sống, sống tốt đời đẹp đạo; tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa văn nghệ nhân các dịp lễ, tết, tạo không khí đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo. đến nay, tình hình an ninh, chính trị tại các địa bàn có tà đạo cơ bản ổn định, không phát hiện việc lén lút nhóm họp tà đạo…
Trở lại làng Kret Krot, xã Hra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), nơi mà tà đạo Hà Mòn từng xâm nhập khá sâu, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự đổi thay ấn tượng nơi đây. Đường chính dẫn vào làng nay được mở rộng, nhà cửa xây dựng khang trang. Người dân tấp nập chạy xe chở nhau từ rẫy, từ chợ về. Một góc làng, trẻ con tung tăng chơi đùa, tiếng cười nói văng vẳng khắp núi đồi.
Lãnh đạo Đảng ủy xã Hra vui mừng cho biết, làng Kret Krot có 150 hộ với 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cây trồng chính vẫn là lúa nước, khoai mì, bời lời và cà phê. Những năm qua, chính quyền đã rất quan tâm, đầu tư cho làng Kret Krot: hỗ trợ cây, con giống (cà phê, bời lời, bò); tu sửa đường sá; mở nhiều đợt tập huấn kỹ thuật canh tác; nhiều đoàn từ thiện xuống tận làng để khám, cấp thuốc miễn phí cho dân; xây dựng trường lớp tại làng, xây cầu dân sinh xuyên làng, tặng xe đạp cho học sinh đi lại. Đời sống vật chất và tinh thần người dân làng Kret Krot không ngừng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 50% nay giảm xuống còn khoảng 31%.
Chúng tôi rảo bước đến nhà chị Men (28 tuổi) gần UBND xã Hra, lúc chị đang chăm sóc vườn cây bời lời. Thấy khách, chị bỏ dở công việc bước nhanh vào nhà rót nước mời. Trong câu chuyện chị kể về việc từ bỏ tà đạo Hà Mòn, chúng tôi thấy chị hay nhắc đến nhiều cán bộ của huyện, của xã, đặc biệt cái tên “Bok Hải” - một trong những người giúp chị nhận ra sai lầm. Hỏi ra mới biết, “Bok Hải” là ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hra.
“Năm 2012, mình trót dại tham gia tà đạo. Thời gian này, mình ít đi làm mà hay đọc kinh nhiều, kinh tế suy giảm. “Bok Hải” vào nhà mình rất nhiều lần và anh rất tốt bụng. Anh phân tích cho mình hiểu cuộc sống chỉ đọc kinh, không làm thì sao có ăn. Anh dẫn chứng kinh tế gia đình mình bao năm theo tà đạo thì sụt giảm, còn những người không theo thì làm ăn khá giả, con cái học hành đến nơi đến chốn. Cứ động viên mãi, cuối cùng mình ngộ ra, nên từ bỏ tà đạo vào năm 2017”, chị Men kể.
Đem chuyện chị Men kể với Bí thư Đảng ủy xã Hra Nguyễn Đình Hải, anh từ tốn nói: “Không chỉ riêng tôi, nhiều cơ quan của huyện, cán bộ của huyện, của xã khác cũng nhận những người tham gia tà đạo để vận động, cảm hóa và đều thành công. Những người tham gia tà đạo thường sống khép kín, việc tuyên truyền vận động gặp rất nhiều khó khăn, không phải ngày một, ngày hai mà phải kiên trì thủ thỉ theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Muốn cảm hóa được thì phải gần gũi, quan tâm. Anh em đêm hôm đến thăm, động viên, giúp đỡ, hướng dẫn bà con làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Khi đã tin thì nói họ mới nghe”.
Khắc Văn-Nam Viên-Hữu Phúc-Đông Nguyên (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm