Bài 2: Đấu tranh trong vùng địch hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm 1955-1960, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân phát triển rất mạnh. Cùng với đấu tranh chống áp bức, đòi dân sinh, dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử là phong trào đấu tranh chống lấn chiếm đất lập dinh điền.

Huy động sức mạnh lòng dân

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, phong trào cách mạng hoạt động “hợp pháp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp” và tập trung giao nhiệm vụ bằng hình thức sinh hoạt tân tiến, đồng thời tổ chức các đội du kích mật, các tổ chức cách mạng và đoàn thể. Với hình thức hoạt động này, quân và dân ta đã đoàn kết với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp và đưa ra nhiều giải pháp đấu tranh hiệu quả.

 

Ông Võ Tịch. Ảnh: H.S
Ông Võ Tịch. Ảnh: H.S

Đặc biệt, “trước sự đàn áp gắt gao của địch cùng với chính sách mị dân, lực lượng cách mạng của ta đã khéo léo sử dụng các biện pháp đối phó. Cụ thể, để giữ được liên lạc với lực lượng thanh niên, phụ nữ trong làng, ta dùng biện pháp hợp pháp như đi lấy củi, lấy nước rồi tìm cách liên lạc với tổ chức cách mạng; khi địch xây dựng bộ máy tề (bộ máy hành chính địch), mình dùng biện pháp sàng lọc, vận động và cài cắm người vào... Nhờ đó mà trong làng hay trong bộ máy hành chính của địch đều có cơ sở của ta”- ông Vũ Xuân Mân kể.

Cũng trong thời gian này, cán bộ của ta tập trung tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được bản chất cướp nước của kẻ thù và kiên quyết đấu tranh lật đổ chúng; hiểu được đường lối, chính sách đấu tranh giành độc lập của Đảng, Bác Hồ; hiểu tinh thần đoàn kết là sức mạnh để chiến thắng. “Khi đó mỗi tổ chức trung kiên chúng ta đều bố trí một người của mình, nhiệm vụ là làm trung gian để phổ biến các nội dung tuyên truyền đến người dân bằng hình thức hợp pháp như: tuyên truyền trong những buổi sinh hoạt hoặc lên từng nương rẫy, gõ cửa từng gia đình; tuyên truyền bằng hình thức nêu gương những người trí thức địa phương đã giác ngộ cách mạng, qua đó giúp người dân nhận thức rằng ngay cả những người có ăn học trong buôn làng cũng đã biết đi theo con đường cách mạng thì những người như mình sao không đi làm cách mạng”-ông Hoàng Lâm (Võ Tịch) nhớ lại.

Cùng với đó, công tác tề vận, binh vận cũng được cán bộ của ta tiến hành nhằm gây dựng cơ sở trong mọi lực lượng. Lúc này, cán bộ của ta vào làng sống cùng dân và cải trang thành người địa phương vừa có thể che mắt địch đồng thời có thể gần dân, cùng ăn, cùng ở, cùng chịu gian khổ với dân. Cũng chính nhờ sống trong lòng dân và biết huy động sức mạnh từ dân mà trong thời gian từ năm 1957 đến 1960, lực lượng của ta đã xây dựng được một số tổ chức cơ sở Đảng và phát triển thêm nhiều đảng viên mới.

Ông Nay Pum-(Ama Hlam), trú tại 05 Phạm Hồng Thái, thị xã Ayun Pa, kể: “Có lần tôi đã tổ chức cho cơ sở binh vận hợp pháp lấy rượu pha sẵn bột củ nông đem vào ấp mời “bạn” bảo an trong ấp uống đến say mèm. Ngay sau đó, đội du kích của ta vào giết gọn và thu được 5 khẩu Grăng, 1 khẩu trung liên”.

Vẻ vang những chiến công

 

Ông Đinh Er. Ảnh: H.T
Ông Đinh Er. Ảnh: H.T

Những năm 1955-1956, địch mở chiến dịch tố Cộng, diệt Cộng. Chúng bắt bớ, bắn giết cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Song, những người chiến sĩ cách mạng kiên trung lúc ấy đã không sợ súng đạn của kẻ thù mà vẫn kiên trì bám nắm địa bàn, nghiên cứu kỹ địa bàn cũng như đặt giả thuyết cho các tình huống có thể xảy ra để tìm hướng khắc phục kịp thời, tránh rơi vào tình thế bị động. Với nhiệm vụ làm trinh sát dẫn đường đưa bộ đội di chuyển từ vùng hoạt động cách mạng này đến vùng hoạt động cách mạng khác, ông Đinh Er đã vượt qua đêm tối, rừng sâu, thú dữ, đạn bom, đưa các đơn vị bộ đội đến nơi an toàn.

Trong một số tình huống hiểm nghèo, bằng mưu trí của mình, ông đã nhiều lần đánh lạc hướng quân địch, đưa anh em thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Vào một ngày mùa thu năm 1958, địch tổ chức càn quét, bắt bớ dân làng Sitơr (xã Tơ Tung, huyện 2). Tuy nhiên, trước đó lực lượng của ta nắm được tình hình nên đã tổ chức đưa dân đi lánh nạn và thực hiện phương châm “Vườn không nhà trống”.

Không chỉ giành được những chiến thắng trên mặt trận quân sự, những cán bộ, chiến sĩ ở lại hoạt động cách mạng tại Gia Lai sau năm 1954 còn giành được những chiến thắng vẻ vang trên mặt trận tư tưởng. Ông Nay Pum (Ama Hlam) dù 3 lần bị tên Nay Mun-Quận trưởng Cheo Reo bắt vì bị tình nghi là Cộng sản nằm vùng nhưng bằng lý lẽ sắc bén, ông đều giành chiến thắng sau mỗi lần tranh luận với Mun.

Cuối năm 1958 đầu năm 1959, phong trào cách mạng của ta chuyển sang một hướng mới: đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ sau nâng lên đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, tạo bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Ông Ngô Thành (Chinh)-cán bộ lão thành cách mạng, cho hay: “Ngay sau khi phong trào cách mạng chuyển sang hướng mới, việc đầu tiên là phát triển lực lượng du kích thôn, xã và thành lập lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh, huyện; tiến hành diệt ác ôn đi đôi với đẩy mạnh công tác binh tề vận; đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị đi đôi với vận động và sản xuất lương thực”.

Tỉnh ủy Gia Lai đã phát động đồng khởi, mở màn là trận tiêu diệt đồn Ka Nak đêm 23-10-1960 và phát động giành quyền làm chủ từng phần… Cũng theo ông Ngô Thành, cuộc đồng khởi năm 1960 thắng lợi đã tạo một bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, đã hình thành vùng căn cứ, vùng giải phóng và làm chủ ngay trong lòng địch, tạo nên thế và lực để tiếp tục tấn công địch trong các giai đoạn tiếp theo. Và những người ở lại sau năm 1954 đã đóng góp công sức rất lớn làm nên cuộc đồng khởi 1960.

Nhóm P.V Nội chính

Có thể bạn quan tâm