Bài 2: Đêm ở nhà già làng…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Già làng hẳn sẽ là linh hồn của làng. Chuyện vui, chuyện buồn của làng già chắc chắn sẽ không bỏ sót dù nó chỉ nhỏ như hạt bo bo. Chính cái suy nghĩ đó nên tôi quyết định phải xin ngủ lại một đêm tại nhà già làng… làng nào cũng được!

Già làng Mơ H’Ra…

Sau khi đã nhớ rõ tên từng làng của xã Kông Lơng Khơng, không hiểu sao tôi lại bị cái tên làng Mơ H’Ra cuốn hút. Khi biết đoạn đường tại nơi tôi đang đứng là làng Ôr, cách làng Mơ H’Ra chỉ vài cây số, tôi quyết định đi. Những đám mây đen vần vũ báo hiệu về một cơn mưa dông làm tôi vội vã.

Tôi hỏi nhà già làng ngay khi gặp lũ trẻ đang nghịch nước đọng ở đầu làng. Chúng giành nhau chỉ đường tận tình nhưng cùng chung một kết luận: “Giờ này, cứ chạy thẳng tới nhà rông là gặp già làng thôi, chiều nào già cũng ngồi ở đó mà”. Tôi tin tưởng chúng nên hỏi đường thẳng tới nhà rông.

 

Dân làng đã quen lắm với hình ảnh này của già làng H’Mưnh vào mỗi buổi chiều. Ảnh: N.G
Dân làng đã quen lắm với hình ảnh này của già làng H’Mưnh vào mỗi buổi chiều. Ảnh: N.G

Ở đó, tôi đã bắt gặp một hình ảnh vô cùng ấn tượng. Một ông già nhỏ thó, già hơn rất nhiều cái tuổi 64 mà sau này ông nói với tôi đang ngồi chênh vênh trên bậc thang ngôi nhà rông cũ kỹ nhưng đúng với truyền thống của tộc người Bahnar với mái lợp tranh, bậc thang và vách làm bằng gỗ, nền chắc hẳn là những liếp nứa mát lành.

Ông đang chơi đàn goong, một bài dân ca Bahnar buồn và đôi mắt ông thì nhìn đâu xa xăm lắm. Tôi đoán đó chính là già làng Đinh H’Mưnh. Tôi đã cố tình bước đến bên ông rất khẽ nhưng có lẽ với sự nhạy cảm về sự an nguy của làng nên mọi sự xuất hiện của người lạ đều không thể qua mặt được ông. Ông dừng chơi đàn và ánh mắt dừng xa xăm…

Ông nhìn tôi, hỏi ngay với vẻ mặt nghiêm nghị: “Cô đến làng có việc gì không?”. Tôi cười tươi và dõng dạc trình bày một chút về mình và nói luôn nguyện vọng xin được ở lại làng một đêm. Đến đoạn nói về mong muốn được ngủ lại nhà già làng, tôi hơi ngập ngừng nhưng có khi do sự hơi ngập ngừng ấy cùng ánh mắt cầu khẩn nên già làng thấy thương mà đồng ý hết tâm nguyện của tôi. Tôi mừng hết lớn, cảm ơn già rối rít nhưng già nhắc tôi ngay: “Nhưng giờ già chưa dẫn cháu về nhà được đâu vì già còn phải ngồi đây để quan sát làng”. Thế là tôi lại xin già ngồi lại nhà rông, một lần nữa, ông không từ chối!

Từ ngôi nhà rông chính giữa làng, quả là ông có thể quan sát được nhiều chuyện trong từng nếp nhà và đặc biệt, ông phát hiện được ngay nếu có người lạ vào làng. Chiều muộn, cuộc sống của làng có vẻ trầm nhưng không buồn. Trong từng nếp nhà, vợ chồng mỗi người một việc, chung tay chuẩn bị cho bữa cơm.

Lũ trẻ một vài nhà tụ tập chơi với nhau nhưng cũng hiền lành chứ không ồn ào, náo nhiệt. Những cụ già ngồi trên bậc cửa nhà sàn nhìn sang nhà rông cất tiếng chào già làng. Ông đáp lại bằng cái khoát tay nhè nhẹ. Lũ làng ở đây, đã mười mấy năm quen với hình ảnh của già làng H’Mưnh mỗi chiều ngồi ở nhà rông với cây đàn goong cho đến khi trời tối hẳn, không còn thấy mặt người, ông mới chịu về nhà.

...và những nỗi niềm…

Tôi cố tình dắt xe máy, lẽo đẽo theo ông về nhà. Một ngôi nhà nhỏ và vắng tiếng người. Tôi buột miệng hỏi con cháu già làng đâu hết? Ông vừa treo chiếc đàn goong lên tường vừa nói: “Có năm đứa con nhưng lũ nó lấy vợ, lấy chồng ở riêng hết rồi. Còn mỗi già với Yreh thôi”. Yreh là vợ ông, bà nhìn tôi rồi nhìn sang ông như chờ đợi một sự giới thiệu. Hai ông bà trao đổi với nhau vài câu bằng tiếng của dân tộc mình nên tôi không thể hiểu nhưng tôi biết bà không thấy phiền về sự có mặt của mình khi bà nhìn tôi và nở một nụ cười hiền lành.

Bữa cơm rất đạm bạc với một dĩa thịt kho mặn mà số miếng thịt được đếm hết rất nhanh, một dĩa rau dền trắng cằn cỗi luộc và một tô nước luộc rau. Chẳng cần tới nước mắm vì rau luộc được chấm chấm, quệt quệt luôn vào dĩa thịt. Tôi chỉ ăn khép nép vì là một vị khách bất ngờ nên rõ là không có phần của mình. Hai ông bà cứ giục tôi ăn nhưng tôi dừng đũa, cười tươi tỉnh: “Thưa già, cháu đã no lắm rồi ạ!”.

Đêm về khuya, cả làng chìm trong tĩnh lặng. Không một âm thanh nào, dù là nhỏ nhất để lấn át cả những tiếng thở dài, tiếng trở mình nhè nhẹ. Ba người chúng tôi cùng nằm trên một gian nhà sàn nhỏ bé, dù tôi nằm một góc khá xa chỗ hai ông bà nằm nhưng có lẽ ông biết tôi không ngủ được. Ông mở lời: “Chắc tại lạ nhà” rồi không cần tôi trả lời, ông nói tiếp: “Làng buồn lắm, đòi ngủ lại làm gì?”. Câu nói này tôi có cảm giác như ông nói cho chính ông.

Rồi ông nhớ lại cái thời trai trẻ dù trí nhớ đã bị đứt quãng nhiều. Năm 1967, ông đi làm du kích. Năm 1970 thì ông bị địch bắt, bị tù đày, đầu gối chân phải còn bị trúng đạn đau điếng và sau này nó còn để lại dáng đi dị tật cho ông. Năm 1973, ông được trao trả, làm thêm vài việc do cán bộ trên giao xong rồi ông trở về làng, lấy bà Yreh kém ông 10 tuổi, rồi sinh con đẻ cái đều lớn lên ở cái làng này. Năm 1999, ông được dân làng bầu làm già làng.

Chứng kiến những đổi thay, tiến bộ dù rất nhỏ của làng ông vui lắm nhưng giờ thì cũng nhiều cái buồn lắm chớ. Lũ trẻ con bây giờ, kể cả con cháu ông không còn đứa nào biết hát dân ca, biết chơi T’rưng hay goong. Giờ chúng chỉ thích nghe nhạc nhảy, xem phim nước ngoài… mình biết làm sao đây? Giờ văn hóa của ông bà mất mát nhiều rồi, mình đâu sống mãi mà giữ được, người già rồi cũng mất mát hết mà.

Bà Yerh như chung nỗi niềm với chồng, bà thở dài, trở mình rồi ngồi hẳn dậy nói gì đó với ông. Ông không đáp lại, ngồi dậy thổi bùng ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong bếp, rồi ông đứng lên đi lấy chiếc đàn goong. Ông chơi đàn, bà Yerh ngồi sát lại gần ông bên bếp lửa, bà hát một bài dân ca Bahnar nghe buồn lắm, tiếng đàn của ông cũng rất buồn… Ngoài kia, mưa nặng hạt ngay từ khi bắt đầu rơi xuống những mái nhà!

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm