Bài 2: Đô thị hạt nhân của vùng Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có thể nói, TP. Pleiku đang nỗ lực vô cùng để tiến đến cái đích là đô thị loại I vào năm 2020. Tất nhiên, để đạt được đích đó, song song với việc chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quy hoạch đô thị cũng phải có bước chuyển mình đáng kể, nếu không muốn nói phải là yếu tố đi đầu. Đề cương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-UBND đang được kỳ vọng sẽ là một quy hoạch được đầu tư sâu, lâu dài và bền vững.

Ông Trịnh Văn Sang-Phó Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá sơ bộ: “Gia Lai là một tỉnh nhỏ, khả năng thu hút đầu tư chưa cao nên tốc độ phát triển đô thị chưa bằng các địa phương khác. Thêm nữa, lâu nay, việc đầu tư cho quy hoạch khá dàn trải. Hệ lụy dẫn đến như đã thấy. Bởi vậy, quyết tâm lần này là tập trung đầu tư sâu, lâu dài và bền vững bằng cách thuê tư vấn từ Pháp để điều nghiên cho quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tuy vậy, với tổng vốn 20 tỷ đồng để lập quy hoạch thì đây là con số còn khiêm tốn, chỉ mới bằng phân nửa so với các đô thị láng giềng như Quy Nhơn, Bình Dương, Tuy Hòa…
 

 Đô thị phát triển được đánh giá qua bộ mặt: 1. Giao thông ngày càng hoàn thiện, 2. Thành phố cây xanh
Đô thị phát triển được đánh giá qua bộ mặt: 1. Giao thông ngày càng hoàn thiện, 2. Thành phố cây xanh. Ảnh: Hà Duy

Đầu tư sâu

Địa bàn tỉnh hiện có 17 đô thị với 1 đô thị loại II là TP. Pleiku; 2 đô thị loại IV là thị xã Ayun Pa và An Khê và 14 thị trấn. Dự kiến, trong khoảng từ năm 2015-2020 sẽ phát triển thêm 1 đô thị loại IV là Chư Sê, đồng thời sẽ tách một số huyện có diện tích rộng và dân cư đông. Riêng với TP. Pleiku, trong quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, không gian đô thị sẽ được nới rộng (bao gồm cả khu vực nội thành và ngoại thành) với diện tích khoảng 26.100 ha. Đây sẽ là quy hoạch kế thừa kết quả của quy hoạch năm 2006 đã được phê duyệt, đồng thời bổ sung các yếu tố mới và điều chỉnh các vấn đề còn vướng mắc. Mục tiêu lâu dài của quy hoạch là phát triển đô thị bền vững, hiện đại, mang bản sắc địa phương, lấy chất lượng sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, hướng đến là xây dựng TP. Pleiku trở thành thành phố vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hiện đại, là trung tâm kinh tế, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và giao lưu của tỉnh Gia Lai với vùng Bắc Tây Nguyên.

Theo quyết định phê duyệt đề cương điều chỉnh quy hoạch chung do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng ký, trước mắt xác định, từ nay đến năm 2020, thành phố phải chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để đủ điều kiện nâng cấp Pleiku thành đô thị loại I thuộc tỉnh. Từ 2030 trở đi, thành phố tiếp tục đẩy mạnh, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, đảm bảo vững chắc các tiêu chí đô thị loại I và hướng tới đô thị đặc biệt, có quy mô dân số gần 500 ngàn dân. Kinh tế phát triển theo hướng dịch vụ-công nghiệp, trọng tâm là dịch vụ du lịch và công-lâm nghiệp. Lúc này, đô thị sẽ được xây dựng một cách khoa học, áp dụng phương pháp tiên tiến phù hợp với điều kiện tự nhiên đồi núi, rừng và tập quán của địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến năm 2050, thành phố Pleiku là sẽ thành phố lớn với quy mô dân số khoảng 1 triệu người, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và có ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á. Lúc đó, Pleiku đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển chính của khu vực Bắc Tây Nguyên, có đầy đủ điều kiện để tạo sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trên một số lĩnh vực như du lịch, giáo dục, y tế, môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đầu tư bền vững

Tuy nhiên, tại các cuộc Hội thảo nhằm thống nhất đề cương điều chỉnh quy hoạch chung cho TP. Pleiku, các đại biểu đều thống nhất quan điểm: để đô thị phát triển một cách ổn định, bền vững, có tính chiến lược đến năm 2050 thì một số vấn đề cần phải nghiên cứu và hoàn thiện là giao thông, nhà ở. Môi trường và cảnh quan thiên nhiên cần được bảo vệ, bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, cần khai thác tốt tiềm năng giao thông, tính liên kết khu vực, vùng và địa phương là trung tâm động lực phục vụ nhiệm vụ phát triển. Riêng với bộ mặt đô thị, trong buổi làm việc với UBND TP. Pleiku, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã nhấn mạnh, thành phố phải tập trung chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại nhưng cũng phải đảm bảo được tính thẩm mỹ, giữ được nét đặc trưng riêng biệt của thành phố cao nguyên với địa hình uốn lượn, đồi dốc…
 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Với sự tác động của các yếu tố bên ngoài và tầm nhìn dài hạn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhanh và ổn định kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, vấn đề xây dựng TP. Pleiku thành một trong những đô thị lớn của Tây Nguyên, và là một trong những cực phát triển thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Gia Lai và vùng Bắc Tây Nguyên, thành phố cần phải có các yếu tố đủ: Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; là trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo của tỉnh Gia Lai; có vai trò tác động thúc đẩy phát triển vùng Bắc Tây Nguyên. Đồng thời, Pleiku phải là đô thị đề cao chất lượng sống cộng đồng và xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, đây là đầu mối giao thông liên vùng quan trọng của vùng Bắc tây Nguyên, là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên với vùng Tam giác phát triển; là một trong những trung tâm công nghiệp của tỉnh và của vùng.

Để trở thành một đô thị có sức phát triển mạnh, một đô thị hạt nhân đặc biệt quan trọng trong hệ thống đô thị phát triển của vùng Tây Nguyên, ngay từ bây giờ, Pleiku phải xây dựng và hoàn thiện tất cả những yếu tố cần và đủ như đã nêu. Và rõ ràng, đây là khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức của cả cộng đồng, không chỉ riêng TP. Pleiku.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm