Bài 2: Giữ vững khí tiết trước nanh vuốt kẻ thù

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ấy là chúng tôi muốn nói đến khí tiết của những người cộng sản kiên trung, những người cả cuộc đời họ hiến dâng cho cách mạng. Dù nơi đâu, lúc gian khổ, khó khăn, trong chiến đấu, hay sống giữa nanh vuốt kẻ thù-nhà tù của Mỹ-Ngụy thì tấm lòng và khí tiết của họ vẫn luôn được giữ vững:”Lãnh riêng chết để dành chung kiếp sống” vì dân vì Đảng.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cũng như bao người từ địa ngục trần gian trở về, họ lại tiếp tục cống hiến, giữ vững khí tiết của người cộng sản, tiếp tục góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Ông Đỗ Hằng là một trong muôn vàn những người cộng sản từng bị cầm tù, là một trong những người thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong (1-5-1963) ngay trong nhà lao Côn Đảo-Chi bộ mà mục đích thành lập trong nhà lao để lãnh đạo tù chính trị luôn vươn lên giữ vững khí tiết trước quân thù.
 

Chuyện trò cùng ông Đỗ Hằng. Ảnh: Q.N
Chuyện trò cùng ông Đỗ Hằng. Ảnh: Q.N

I. Trong chuyến đi Đà Nẵng công tác mới đây, tôi đã tìm đến thăm ông. Mấy năm gần đây, ông chuyển từ Pleiku về sống cùng gia đình người con gái duy nhất là bác sĩ tại thành phố biển xanh đẹp này. Đến đầu đường Nguyễn Hoàng tôi hỏi mấy người bán hàng trên phố về con hẻm nơi ông ở, vậy mà ai cũng biết “ông Hằng Gia Lai”, lại được mấy cháu thiếu niên tự nguyện dẫn đường nên đến nhà ông không mấy khó khăn. Ông bà đã đợi chúng tôi ở phòng khách.

Thốt nhiên tôi ngỡ ngàng và bối rối, rồi như có gì đó đang nhói lên trong lồng ngực, bởi từ khi ông còn sống ở Gia Lai, dù tuổi ngoại bát tuần nhưng vẫn nhanh nhẹn tháo vát. Vậy mà chỉ vài năm không gặp, trước mắt tôi là một cụ già đầu bạc trắng ngồi trên chiếc xe lăn, còn bà đứng phía sau ông. Qua câu chuyện mới biết, đã hơn năm nay đôi chân đã không nghe ông nữa. “Tuổi 86 rồi mà cháu, may mà có bà ấy chăm tốt”, ông nói trong nụ cười lạc quan.

Trong giây lát tôi ngắm bóng hai ông bà nương dựa vào nhau trên vách trong ánh sáng điện phòng khách mà mường tượng về tình nghĩa vợ chồng và tình đồng chí trong suốt chiều dài cuộc đời ông bà. Trong câu chuyện của ông, đôi khi bà vừa góp chuyện vừa như phàn nàn, vừa như khoe: “ngồi xe lăn mà cứ viết viết, cứ đọc đều đều, lại còn tham gia họp hành gặp mặt nữa chứ”. Nghe bà nói ông chỉ cười.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của bạn tôi kể về ông: Nói là nghỉ hưu nhưng cứ  7 giờ sáng ông đã lặng lẽ ra khỏi nhà. Trưa về ăn cơm nghỉ ngơi một chút rồi lại đi, cần mẫn như một công chức. Làm bí thư chi bộ tổ dân phố, làm trưởng ban liên lạc tù yêu nước, khi thì xuống tận các buôn làng xác minh thành tích cho một người mà ông biết. Ngày đi, tối rảnh được chút nào thì lại cặm cụi ngồi viết sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, sử thành phố, huyện thị, sử Côn Đảo, tập chân dung về những chiến sĩ hoạt động Cách mạng tiêu biểu ở Gia Lai bị địch bắt tù đày; nơi ông từng sẻ chia ngọt bùi... Hàng ngàn trang viết đã ra đời bằng nhiệt huyết của ông.

Tuy nhiên, lại có một điều mà ông không nói và dĩ nhiên cũng ít người được biết: Đó là được đồng nhuận bút nào kha khá, ông lại mang đi giúp anh em đau ốm hoặc bỏ vào quỹ chi bộ. Những người hoạt động Cách mạng lâu năm, những người bị địch bắt tù đày đều coi ông như người nhà. Cái hồi huyện Mang Yang nhờ ông viết sử, ông đi xe ôm bị té gãy cánh tay, phải vào viện... Người đến thăm ông đông đến nỗi nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải ngạc nhiên. Không biết ông này làm gì, tên tuổi trong cấp lãnh đạo thì không nghe thấy, thế mà người ta lại đến thăm đông đến vậy...

Cuộc đời hoạt động của ông Đỗ Hằng là cả những tháng năm đầy gian khó mà kiêu hãnh. Ông tham gia cách mạng sớm từ tháng 8-1945, từng kinh qua nhiều chức vụ ở Bình Định, Gia Lai như: Huyện ủy viên Huyện ủy Phù Mỹ, Bình Định; Bí thư Ban cán sự An Khê, Tỉnh ủy viên, Bí thư khu 9, huyện 3 (Gia Lai). Từ khi bị địch bắt ngày 4-9-1957 cho đến năm 1975, ông Đỗ Hằng bị tra tấn giam cầm qua 11 nhà tù Mỹ-ngụy. Riêng Côn Đảo là 15 năm. Quãng thời gian đầy máu và nước mắt ấy ông đã ghi lại chi tiết trong cuốn hồi ký dày trên 120 trang đánh máy.

 

Ông Đỗ Hằng sinh năm 1926 tại xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Tham gia cách mạng tháng 8-1945, vào Đảng ngày 1-7-1946. Từ 1946-1948; Bí thư chi bộ-Huyện ủy viên huyện ủy Phù Mỹ, Bình Định. Từ 1949-1954Phụ trách Đảng vụ tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng huyện An Khê, Gia Lai. Từ năm 1954-1957: Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện 3, khu 9, Gia Lai. Bị đày đi Côn Đảo ngày 20-12-1959. Ra tù ngày 1-5-1975.
Huy hiệu 40, 50, 60, 65 tuổi Đảng. Huân chương Độc lập Hạng nhì và các phần thưởng cao quý khác.

Ông không viết văn, lời kể bình dị như chỉ để lưu lai tư liệu cuộc đời của mình nhưng đầy xúc động... Chuyện đánh tù trong bữa ăn, trong lúc lao động khổ sai không cần một lý do gì; đánh tù bằng đòn hiểm, bằng dùi cui, roi điện, bằng lựu đạn cay; lột trần tù rồi dội nước, cột tay lại để bầm máu rồi treo lên xà nhà cho tuốt thịt da, đóng đinh vào đầu ngón tay, gí điện vào chỗ kín; giết dần giết mòn tù bằng “chuồng bò”, “chuồng cọp”, bằng cá mục, gạo sạn, tương ôi, siết từng miếng nước uống, từng cọng rau xanh, từng hớp không khí... là sự phổ biến trong các nhà tù Mỹ-ngụy, lặp đi lặp lại trong mỗi con người bị đày ải ở cái địa ngục trần gian này…

II. Là một cán bộ tiền khởi nghĩa của tỉnh Gia Lai, người bám trụ ở lại miền Nam sau năm 1954, tham gia giữ vững và gầy dựng lại tổ chức Đảng và chính quyền trong những năm đen tối nhất khi Mỹ-Nguỵ điên cuồng chống Cộng, bị địch bắt bị tù đầy tổng cộng 16 năm, với hơn năm ngàn ngày đối diện với nanh vuốt kẻ thù vẫn một lòng son sắt, thủy chung…, tên tuổi ông, những thành tích, những cống hiến của ông cho cách mạng đã được lịch sử đảng bộ tỉnh và đảng bộ các huyện, thành phố ghi nhận.

Trong tác phẩm “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận, trang 251, có đoạn tác giả nói đến việc trao đổi diễn biến tư tưởng trong anh em, đề ra phương thức đấu tranh trước đợt khủng bố khốc liệt do Mai Hữu Xuân chỉ đạo “với anh ĐB và HĐ”. ĐB tức là ông Ba Kháng hay Ba Định, Tỉnh ủy viên tỉnh Trà Vinh. Còn HĐ là ông Đỗ Hằng, Tỉnh ủy viên, Bí thư cán sự Khu 9 (nay là TP. Pleiku). Ông Đỗ Hằng là người cùng Chi bộ với Nguyễn Đức Thuận trong nhà lao Gia Định, cùng chung còng với ông trên chuyến tàu ra Côn Đảo. Nguyễn Đức Thuận phải đảo tên và viết tắt vì ở thời điểm “Bất khuất” ra đời, hai ông vẫn còn bị cầm tù ở nhà lao Côn Đảo.

Còn trong cuốn “Chi bộ Lê Hồng Phong Lao I-Nhà tù Côn Đảo” do Nhà xuất bản Thuận Hoá phát hành năm 2007, có một đoạn nói về đấu tranh tuyệt thực trong Nhà lao, nơi ông bị giam cầm: “… Từ 1-4-1964, hàng ngày bọn cai ngục mở cửa “chuồng cọp” kêu lấy cơm, nhưng cơm để mặc trước cửa, anh em nằm im không nói năng cử động. Trên hành lang bọn trật tự, mật vụ đi lại kiểm soát. Qua ngày thứ ba, thứ tư, nhiều anh khát nước quá phải uống nước đái của mình. Nhưng nước đái càng ngày càng khô cạn, vị đắng gắt chẳng khác nào độc tố. Cổ họng nóng rát như cháy bỏng. Môi khô nẻ bong lên từng mảng da trắng. Người tù bị còng muốn co chân cũng không co được, nên chỉ nằm thẳng đờ. Trên hành lang giữa hai dãy chuồng cọp, bọn mật vụ đi lại rình mò, có tên bò nhẹ nhàng để quan sát thái độ của người tù đang nằm chịu đói khát, vài tên mật vụ cúi đầu xuống giàn song sắt nghe tiếng thở của anh em...

Chiều ngày 7, anh em nghe tiếng ồn ào ngoài cửa từ lao I sang chuồng cọp 1, rồi tiếng dày đi trên giữa hai dãy chuồng cọp. Tên trưởng lao nói: “Anh em ăn uống đi. Đòi hỏi của anh em, Ban Quản đốc sẽ giải quyết...”. Đây là một trong những chiến thắng mà chính những người tù chính trị như ông Đỗ Hằng kiên trì chiến đấu. Là thể hiện lòng sắt son, thuỷ chung giữ vững khí tiết của người cộng  sản.

Mới đây, cuốn “Tôn vinh các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ ở lại miền Nam (sau 20-7-1954) tỉnh Gia Lai” vừa được Tỉnh uỷ Gia Lai phát hành đã có đoạn nói về ông:” Trong các nhà tù, đồng chí Đỗ Hằng đã gắn bó với quần chúng, liên tục giữ vững ý chí chiến đấu chống các âm mưu khuất phục của kẻ thù. Đồng chí đã cùng tập thể, tham gia đấu tranh dân sinh, dân chủ, chính trị, chống chế độ giam cầm hà khắc của địch, đấu tranh chống ly khai, chống cưỡng bức học tố cộng, cưỡng bức chào cờ Ngụy, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản.

Đồng chí luôn giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật, tuỳ hoàn cảnh từng nơi, tham gia Liên chi nhà lao Gia Định, tham gia lãnh đạo các ban lãnh đạo phòng giam, trại giam ở nhà tù Côn Đảo; tham gia thành lập chi bộ Lê Hồng Phong (1963-1969) tại Lao I Côn đảo, tham gia chi bộ 7, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu tại trại 6B- nhà tù Côn Đảo. Đêm 30-4 rạng sáng 1-5-1975 đồng chí Đỗ Hằng tham gia cùng tù nhân chính trị nổi dậy tự giải phóng Côn Đảo, làm công tác tuyên huấn của Đảng uỷ Côn Đảo sau ngày Côn đảo được giải phóng”.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm