Bài 2: Làm khổ người sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không thể thống kê có bao nhiêu đứa trẻ bỗng chốc thành mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa trước cái chết đột ngột của cha (hoặc mẹ) chúng; bao nhiêu gia đình nghèo khổ phải bán đi miếng đất cuối cùng để cứu chữa đứa con trong giây phút nông nổi tìm đến cái chết… Hơn nữa, đa số những người tự tử đều đang ở độ tuổi lao động và ngày càng “trẻ hóa” khiến nhiều gia đình mất đi lao động chính. Tự độc còn khiến ngành Y tế gặp không ít khó khăn trong cứu chữa, điều trị và để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe.

Bại sản vì con tự tử

Ông Rơ Châm Ich, làng Nú, xã Ia Kênh (TP. Pleiku, Gia Lai) thừ người ra khi chúng tôi hỏi về chi phí điều trị cho Kpă Ak sau hai ngày một đêm nằm điều trị. Ông thở dài: “Mẹ nó chạy vạy khắp nơi vay được 5 triệu đồng trả viện phí nhưng nó không sống nổi. Năm ngoái, thằng anh nó cũng uống thuốc sâu tự tử khiến mình phải bán hết đất, vay thêm tiền mới cứu sống nó, tốn hơn 25 triệu đồng, giờ vẫn chưa trả hết nợ”.

Tự tử tăng nhanh trở thành gánh nặng cho ngành Y tế. Ảnh: Nguyễn Giác
Tự tử tăng nhanh trở thành gánh nặng cho ngành Y tế. Ảnh: Nguyễn Giác
Không tốn kém tiền điều trị cho con nhưng gánh nặng đặt lên vai ông bà Ksor Ken, làng Út 1, xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) còn nặng hơn cả tiền bạc, đó là nuôi nấng ba đứa cháu trong hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Căn nhà ông bà đang ở cũng là nhà tình nghĩa chính quyền xây tặng cho người có công với cách mạng. Sự mệt mỏi, già nua hằn lên hai con người gần đất xa trời này nhưng ông bà cho biết, vẫn cố gắng hết sức để cả ba đứa cháu đều được đến trường. “Nhà nước hỗ trợ cho mấy đứa nhỏ 20-30 kg gạo/năm, mình làm thêm 2 sào lúa nước cũng không đủ nuôi ba đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn. Hai ông bà phải đi mót mủ cao su để có thêm tiền nộp học cho lũ trẻ”- ông nói. Điều làm ông lo buồn nhất không phải chuyện cái ăn, mà lo cho ba đứa cháu như chim non mất mẹ, nay mai ông bà về với Yàng, chúng sẽ càng bơ vơ.


Trường hợp của gia đình Siu Kra, làng C, xã Gào (TP. Pleiku) cũng đau lòng không kém. Được hỗ trợ xây nhà thuộc Chương trình 167 vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng nhà Kra cũng chẳng có tí đất nào để dựng nhà. Đã thế, có đứa con trai duy nhất- cũng là lao động chính trong nhà-thì cũng tự tử chết để lại cho Kra bao khó khăn chồng chất. Trước hoàn cảnh bi đát của Kra, xã đã cấp cho gia đình ông một miếng đất, hàng xóm chung tay giúp ông dựng nhà. “Thằng Binh làm giỏi lắm, nó làm cỏ, hái cà cho người ta bao giờ cũng được khen. Mỗi ngày nó kiếm được 60-70 ngàn đồng. Giờ nó chết không có ai đi làm nữa”- Kra thở dài.

Không chỉ gây khó khăn về kinh tế, số vụ tự tử đang không ngừng gia tăng đã và đang gây tác động xấu khi có dấu hiệu “bắt chước”, “lây lan” trong cộng đồng. Chỉ trong một làng của xã Ia Kênh (TP. Pleiku) trong ba năm đã có 20 trường hợp uống thuốc sâu, thắt cổ được cứu sống; số vụ tự tử chết có thể còn gấp đôi số người được cứu. Nhiều gia đình trong nhà có tới hai, ba người tự tử.

Là một người cha từng có hai đứa con uống thuốc sâu tự tử, ông Rơ Châm Ich lo lắng: “Nhiều người làng đang bắt chước nhau tự tử để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, nhất là thanh niên. Thằng Ak uống thuốc tự tử là vì bắt chước thằng anh nó. Cần phải ngăn chặn tình trạng này, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến bọn trẻ”. Không chỉ có thanh niên được cho là cạn nghĩ, ông Siu Tăr, làng Nú, xã Ia Kênh sau khi cãi nhau với con, thấy con uống thuốc sâu tự tử cũng uống để chết theo con, rất may là cả hai được cứu sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như cha con Siu Tăr.

Gánh nặng cho ngành Y tế

Với mỗi ca tự độc, trung bình số tiền bỏ ra chạy chữa tốn khoảng 5-25 triệu đồng, tùy vào mức độ hủy hoại nội tạng của người uống. Đây là số tiền không nhỏ đối với những gia đình ở các buôn làng nghèo của tỉnh.
Công tác nhiều năm tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Kiều Văn Bước- Phó Trưởng khoa e ngại: “Tự độc đang có chiều hướng gia tăng. Nếu uống các loại thuốc sâu có gốc Phốt-pho hữu cơ thì có khả năng cứu sống, tỷ lệ tử vong của những ca bệnh này chỉ khoảng 5%. Tuy nhiên, những ca được cứu sống để lại nhiều di chứng nặng nề về sức khỏe vì loại thuốc độc với con người này sẽ hủy hoại nội tạng, gây ra các bệnh về dạ dày, đường ruột, đường hô hấp. Đặc biệt nghiêm trọng là gần đây, đa số ca tự tử đều uống loại thuốc cỏ cháy (gốc Parawat), tỷ lệ tử vong rất cao (99%). Thuốc này khi vào cơ thể sẽ gây bỏng miệng, suy gan, suy thận, xơ phổi, suy hô hấp và dẫn đến tử vong”. Bác sĩ Bước cũng cho biết, tiền điều trị cho các ca tự độc không nhỏ.


Một bác sĩ ở huyện Kông Chro- địa phương đứng tốp đầu về số vụ tự tử trong tỉnh, than thở: “Mặc dù điều trị tốn kém nhưng nhiều người khi đưa người thân đến cấp cứu không có một đồng bạc trong người, gánh nặng đổ hết lên đầu ngành Y tế. Nhiều trường hợp thuốc ngấm quá sâu, hủy hoại toàn bộ nội tạng, cơ hội sống chỉ 1%  nhưng chúng tôi vẫn phải dùng mọi biện pháp để cứu chữa”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm