Bài 2: Nặng lòng với Măng Đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi từng đến Măng đen cách đây bốn năm và khi về đã đem cảnh đẹp nơi đây cùng chính sách thu hút của chính quyền sở tại kể lại với một người bạn tên Nguyễn Hữu Hưng, trú tại 54 đường Ngô Quyền, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Anh là giáo viên dạy môn văn trường THCS Lê Hồng Phong, Quy Nhơn.

Cứ tưởng chỉ là câu chuyện vui bên ly cà phê buổi sáng nào ngờ năm học sau đó chẳng hiểu nghĩ sao anh đã có một quyết định ngược đời: rời phố biển lên cao nguyên-xin chuyển công tác từ Quy Nhơn lên huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Hiện nay, anh là giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Măng Cành, cách trung tâm Măng đen 6 km.
 

Tượng đài Chiến thắng ở Măng Đen. Ảnh: T.P
Tượng đài Chiến thắng ở Măng Đen. Ảnh: T.P

Lên Măng đen lần này, tôi đã tranh thủ thời gian đến tận trường thăm anh. Có lẽ gió lạnh và mù sương nơi đây đã khiến anh rắn rỏi, phong trần hơn nhưng cũng lãng mạn hơn. Không còn cái cảnh ngày ngày tan trường về nhà nằm vắt vẻo đợi vợ dọn cơm như trước, những bữa cơm tập thể ở đây đã giúp anh hòa nhập, trẻ trung hơn. Ngành giáo dục bây giờ không như cách đây ba chục năm về trước, tranh tre nứa lá thiếu thốn đủ bề.

Trường Măng Cành có 247 học sinh dân tộc Xơ đăng, trong đó có 91 học sinh bán trú, 33 giáo viên dạy ở 4 khối lớp. Cơ sở nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang, từ cổng trường, tường rào bao quanh đến phòng học, hội trường, nhà hiệu bộ, sân bóng chuyền… Ấn tượng nhất là khu nhà công vụ giáo viên đầy đủ tiện nghi: giường, ti vi, máy tính, bàn làm việc, toa lét khép kín. Một bên sân có hồ nhỏ nuôi cá, các anh thả vào đó ít cá trê lai và cá rô phi.

Tôi tạt sang nhà ăn giáo viên và bất ngờ với bữa trưa: thịt heo kho, canh cá biển và rau lang luộc, lại còn thêm món mực xào. Quá thịnh soạn! Cô giáo trực hôm đó tên Ngô Thị Bông, quê xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Anh Hưng cho biết các giáo viên nộp tiền ăn mỗi người một ngày 30.000 đồng và phân công thay nhau nấu ăn. Thực phẩm thì đi xe máy ra Măng đen mua. Hưng tiết lộ: “lên đây hưởng chế độ thu hút nên mỗi tháng anh nhận đến gần 20 triệu đồng, lương cao hơn lương hiệu trưởng”.

 

Ảnh: Thanh Phong
Ảnh: Thanh Phong

Chia tay anh, chúng tôi tiếp tục đi thêm 4 km nữa đến tham quan một cơ sở nuôi cá tầm. Đây là cơ sở thứ hai của huyện Kon Plông, cơ sở thứ nhất ở xã Hiếu, trên quốc lộ 24 xuống Quảng Ngãi. Trại nuôi cá nằm bên một con suối dưới chân đồi, cách đường chừng 500 mét.

Đây là cơ sở của một người tên Vinh là cán bộ UBND xã Măng Cành. Con suối đã được xây đập bê tông chắn ngang để dẫn nước qua một đường ống đổ vào bốn bể chứa xây bằng xi măng, kích thước mỗi bể khoảng 30 mét vuông, nước sâu 50 cm. Nước chảy suốt đêm ngày, vào rồi lại chảy ra theo một đường ống khác gắn vào thành bể, tạo oxy cho cá thở. Người đàn ông phụ trách ở đây cho biết mỗi bể nuôi 250 con cá tầm, thường 4 tháng là xuất bán, trọng lượng đạt khoảng 1,5 kg/con.

Do cá tầm Trung quốc nhập lậu nên giá cá trên thị trường hiện nay xuống đến mức chỉ còn 250.000 đồng/kg, trước kia là 500.000-600.000 đồng/kg. Đã vậy giá thức ăn nuôi cá tầm lại quá cao (35.000 đồng/kg), chưa kể chi phí mua trùn quế, trùn hương nên những ngày gần đây cơ sở chỉ cho cá ăn… cơm cầm chừng chứ không thì lỗ nặng.

Có lẽ nhờ đến tận nơi và cũng nhờ giá cá hạ nên thực đơn bữa trưa của chúng tôi có món đặc sản cá tầm. Anh Lê Thành Diễn, tổ trưởng Tổ xúc tiến đầu tư Măng đen của huyện Kon Plông mời chúng tôi nếm thử món cá cùng với món gà đồi địa phương. Cá tầm thì mấy khi được dùng nên chúng tôi ăn thấy ngon và gà Măng đen quả rất ngon. Diễn cũng là người nặng tình với Măng đen. Nhà ở Đak Lak nhưng anh sang công tác ở đây và “đất mến người” đã níu chân anh.

Tuýp cán bộ của thế kỷ XXI là những người như Diễn: có kiến thức chuyên môn, nắm vững công việc, nhanh nhẹn, tháo vát và mến khách. Trong bữa ăn, chúng tôi đề cập đến vấn đề phát triển của Măng đen. Khách lẫn chủ đều thống nhất là Măng đen có vị trí cực kỳ thuận lợi nhờ nằm trên hành trình du lịch đường bộ xuyên Á, du khách có thể đi từ Singapore sang Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào rồi qua Việt Nam theo cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, lên Măng đen xuôi xuống thánh địa Mỹ Sơn, về Hội An, Quảng Nam… Tiềm năng đã có, làm gì cho Măng đen phát triển trở thành một địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch Asean là vấn đề mà chính quyền và nhân dân huyện Kon Plông cũng như tỉnh Kon Tum đang xúc tiến.

Hy vọng rằng trong tương lai gần, thảm thông xanh nơi đây cùng hàng loạt thắng cảnh hữu tình của Măng đen sẽ trở thành điểm đến của hàng triệu du khách trong cộng đồng Asean và nhiều nước khác trên thế giới, khẳng định một thương hiệu của du lịch Tây Nguyên.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm