Bài 2: Nâng tầm hành chính công cấp huyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với chính quyền cấp xã, chính quyền cấp huyện và tương đương đã và đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ phần lớn các vấn đề gắn liền giữa nhân thân, tài sản và các quan hệ xã hội khác do chính quyền cấp huyện và tương đương trực tiếp giải quyết.

Tỉnh ta hiện có 17/17 đơn vị cấp huyện và 16/18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”; 2 đơn vị hành chính UBND TP. Pleiku và UBND huyện Chư Sê thực hiện “một cửa điện tử”.

Nhằm nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp và công dân về dịch vụ hành chính công, hàng năm UBND tỉnh rà soát, tổ chức kiểm tra công tác về cải cách hành chính, trong đó đặt mục tiêu rà soát các quy định thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực mà dư luận bức xúc như đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai…

 

Bộ phận “một cửa hiện đại” ở TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T
Bộ phận “một cửa hiện đại” ở TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T

Riêng trong năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành 12 quyết định, công bố 667 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó công bố mới 510 thủ tục, công bố sửa đổi 54 thủ tục, công bố bãi bỏ 401 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành và UBND cấp huyện; tiếp nhận xử lý 19 phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy định hành chính...

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, công tác cán bộ vẫn luôn là nhiệm vụ then chốt, góp phần tạo nền hành chính công gần dân, đáp ứng từng bước tạo mức độ hài lòng và thân thiện với yêu cầu phục vụ nhân dân. Chính vì vậy hàng năm tỉnh ta đã tốn nhiều công sức, tiền của để tổ chức nhiều lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và tương đương; thể chế hóa các quy định lề lối, giờ giấc, phương pháp làm việc.

Theo số liệu thống kê, đội ngũ cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể tỉnh ta hiện có 1.569 người, trong đó thạc sĩ 15 người (0,94%); đại học 730 người (46,52%); cao đẳng 84 người (5,35%); trung cấp 420 người (26,77%), còn lại 320 người (20,05%). Cán bộ, công chức khối nhà nước có 3.575 người, trong đó tiến sĩ 8 người (0,22%); thạc sĩ 94 người (2,63%); đại học 2.535 người (70,99%); cao đẳng 127 người (3,55%); trung cấp 700 người (19,58%), còn lại 109 người (3,05%).

So với yêu cầu đến năm 2015, cán bộ công chức từ cấp huyện đến cấp tỉnh phải có trên 90% đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên được đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm, 70% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm, 10% cán bộ, công chức cấp tỉnh và 5% cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được đào tạo sau đại học... thì công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ còn rất nặng nề. Đây là một đòi hỏi cực kỳ quan trọng nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả dịch vụ hành chính công.

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra chính quyền cấp huyện rà soát đơn giản các thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thủ tục nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tạo mức độ hài lòng của công dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn bất cập lớn là việc tuyển dụng, bố trí nhân sự theo vị trí làm việc chưa sát với trình độ, năng lực, sở trường, chưa thực hiện thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, thi tuyển cạnh tranh vào vị trí, chưa có cơ chế chi trả giá trị chất xám trên đơn vị sản phẩm của từng người nỗ lực đóng góp. Hơn nữa, theo báo cáo của hầu hết các địa phương thì diện tích phòng làm việc không theo đúng quy định, còn chật hẹp; trang-thiết bị còn thiếu không đáp ứng nhu cầu làm việc…

Song song đó vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức cấp huyện ở một vài cơ quan “hành là chính” khi tiếp xúc với dân. Ông Trần Nam Danh-Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Mang Yang bộc bạch: “Là một huyện không lớn nhưng trung bình mỗi ngày Văn phòng chúng tôi tiếp không dưới 200 lượt công dân đến giao dịch. Điều đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm sinh lý cán bộ, công chức khi giải quyết, trả hồ sơ cho công dân. Song, một điều đặt ra là khi tiếp xúc với công dân, chúng tôi luôn nhắc nhở anh em hạn chế những cáu gắt, giải thích phải từ tốn… đó là yêu cầu công tác dịch vụ công”.

Do vậy, nâng tầm hành chính công không riêng gì cấp huyện mà tất cả các bộ phận khi tiếp xúc nhiều với người dân phải có thái độ văn hóa trong giao tiếp. Dù có cải cách cơ chế, thủ tục, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ hay gì đi nữa thì cải cách chính con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu!

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm