Bài 2: Nghị lực phi thường của “Thiệp da cam”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khuôn mặt dị dạng, đôi tay co quắp kẹp chặt chiếc khung gỗ, hai bàn chân gầy gò bấu víu xuống sàn nhà như đang cố giữ cho dáng người mình bớt xiêu vẹo hơn trong chốc lát - Đó là hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp khi đến thăm Nguyễn Công Thiệp. Không đầu hàng trước số phận, chàng trai này dù bị bệnh tật hành hạ nhưng vẫn từng ngày cố gắng vượt lên khỏi “nỗi đau da cam” bằng một nghị lực phi thường.

Định mệnh khắc nghiệt

Trong căn nhà nằm tại số 29 Lê Chân, tổ 10, phường Yên Thế, TP. Pleiku, vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Thìn ngậm ngùi kể lại những tháng ngày lịch sử đầy tự hào mà cũng lắm đắng cay của đời mình.

 

Bằng chiếc khung gỗ, anh Thiệp có thể tự mình đi lại mà không cần ai nâng đỡ. Ảnh: Hồng Thi.
Bằng chiếc khung gỗ, anh Thiệp có thể tự mình đi lại mà không cần ai nâng đỡ. Ảnh: Hồng Thi.

Cũng như bao thanh niên Việt Nam yêu nước, tháng 6-1974, theo tiếng gọi của Đảng, ông Thìn lên đường nhập ngũ. Tham gia chiến đấu từ địa bàn khu 5 (bao gồm các tỉnh từ Quảng Nam- Đà Nẵng đến Bình Định) đến chiến trường Campuchia, rồi tiếp tục đi xây dựng kinh tế mới tại Ka Nák- Kon Hà Nừng (Kbang, Gia Lai), ông Thìn không ít lần bị thương. Nhưng có lẽ, đến tận bây giờ, những vết thương thể xác ấy vẫn không khiến ông cảm thấy đau đớn bằng cái điều được gọi là định mệnh mà chiến tranh đã gây ra cho ông và đứa con trai của mình.

Năm 1979, ông Thìn lập gia đình. Hai năm sau đó, vợ ông hạ sinh người con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Công Thiệp. “Khi mới sinh, mặt mũi Thiệp cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, chỉ có hai tay là hay nắm chặt. Vợ chồng tôi cứ nghĩ đó là biểu hiện của một đứa trẻ khỏe mạnh, cứng cáp. Nào ngờ, khi cháu được 1 tuổi thì bàn tay dường như không xòe ra được nữa, đồng thời hai chân cũng teo tóp dần. Đưa đi khám thì được bác sĩ cho hay là Thiệp bị bại não, không thể chữa khỏi và phải mang thương tật suốt đời, tôi nghe mà chết lặng cả người”- ông Thìn tâm sự.

Lúc ấy, ai trong gia đình ông cũng nghĩ rằng, anh Thiệp bị như vậy là do di chứng từ bệnh sốt rét rừng mà ông mắc phải khi tham gia chiến trận. Mãi đến sau này, vợ chồng ông mới biết là Thiệp bị phơi nhiễm chất độc màu da cam-dioxin từ cha. Ông Thìn chia sẻ: Thiệp còn có 3 người em nữa (2 trai, 1 gái) nhưng rất may mà tất cả đều bình thường và hiện tại đều đã trở thành những người có ích cho xã hội. Riêng Thiệp, dù không làm được gì, sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ bố mẹ, nhưng lúc nào cũng có ý chí vượt lên số phận. Điều này khiến tôi cảm thấy vừa vui lại vừa thương con vô cùng.

Hành trình vươn đến một ước mơ

 

Anh Thiệp say sưa bên chiếc máy vi tính. Ảnh: Hồng Thi.
Anh Thiệp say sưa bên chiếc máy vi tính. Ảnh: Hồng Thi.

Dường như ý thức được sự thiệt thòi và bất hạnh, suốt 32 năm qua, Thiệp luôn cố gắng chứng tỏ cho mọi người trong gia đình thấy được ý chí không khuất phục của mình. Bắt đầu tập đứng nhờ vào khung gỗ từ năm 6 tuổi, đến nay, anh đã sử dụng nó một cánh linh hoạt và thành thạo.
 

Với “phương tiện” cồng kềnh này, Thiệp có thể di chuyển khắp nơi từ trong nhà ra ngoài vườn mà không cần ai phải theo trông nom, dìu dắt. Nhìn những vết chai sần in hằn trên hai cánh tay anh do phải liên tục dùng lực để di chuyển khung gỗ trong thời gian dài, mới cảm thấy được sự quyết tâm cao độ của “chàng trai da cam”. Chính điều ấy đã giúp anh biến đau thương thành sức mạnh để tiếp tục đương đầu với nghịch cảnh.

Một điều bất ngờ nữa là anh Thiệp lại có thể thành thạo từng con chữ và máy vi tính mặc dù chưa hề được bất kỳ ai chỉ dạy. Ông Thìn cho biết: “Khoảng năm 1993, bỗng dưng Thiệp đòi bố mẹ mua cho dụng cụ ghép chữ cái về chơi. Vài năm sau đó, gia đình sắm một chiếc máy vi tính để phục vụ việc học tập của các em, Thiệp cũng tò mò tới nghịch rồi suốt ngày không rời chiếc máy. Đến một hôm thấy Thiệp dùng chân gõ tên mình vào văn bản máy tính, gia đình vô cùng bất ngờ vì chưa bao giờ nghĩ con mình lại có khả năng ấy”. Chỉ nhờ vào cuốn sách tin học cơ bản, Thiệp đã tự tìm tòi, học hỏi và thành thạo máy vi tính. Anh còn chỉ dạy lại những thủ thuật tin học cho các em của mình. Chiếc máy tính giờ đây với Thiệp vừa là một người bạn tri kỉ, vừa là chiếc cầu nối đưa anh đến gần hơn với thế giới bên ngoài- nơi mà đối với nhiều nạn nhân như anh, vẫn còn khá xa lạ.  

Ngần ấy năm sống trong câm lặng, có chăng chỉ là những tiếng bập bẹ “có”, “không”, “chưa”, “rồi”... Ngần ấy năm quằn quại với nỗi đau tinh thần và cái thể xác ngày một tóp teo theo năm tháng... Ấy vậy mà sâu thẳm trong tâm hồn của anh lại dạt dào những cảm xúc thật bình dị mà cao đẹp. Bằng những dòng chữ trên máy tính mà phải rất vất vả mới gõ được, anh Thiệp chia sẻ: “Nhiều lúc lên cơn co giật, đau đớn vô cùng, cũng có lúc mình nghĩ đến cái chết vì tuyệt vọng nhưng rồi lại cố gắng vượt qua. Mình tự học chữ, học vi tính, ước mơ sau này có được một nghề nghiệp để tự nuôi mình, bớt gánh nặng cho bố mẹ và mọi người trong gia đình. Mình cũng có mong muốn tập hợp những người có hoàn cảnh như mình để dạy họ học vi tính, để họ cũng sẽ có được cái nghề ổn định trong tương lai. Mình sẽ kêu gọi trên yahoo và facebook, bắt đầu từ một số người bạn của mình. Lúc nào mình cũng cố gắng để không phải là một kẻ dư thừa trong xã hội”.

Nhìn anh, tôi bỗng nhớ đến một câu nói khá hay về triết lý sống: “Khi cuộc đời đẩy ta vào bức tường, nghĩa là nó đang dạy ta cách vượt qua bức tường đó, nhưng có vượt qua hay không là do chính ta mà thôi”. Và với Nguyễn Công Thiệp, vượt qua cái định mệnh khắc nghiệt của đời mình chẳng còn là một điều xa vời hay không tưởng nữa...

Hồng Thi
 

Có thể bạn quan tâm