Bài 2: Nhiều vướng mắc nảy sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không thể phủ nhận những kết quả qua 3 năm triển khai đề án “đào tạo nghề cho lao động nông dân”, tuy nhiên qua quá trình triển khai cho thấy đã có nhiều vướng mắc nảy sinh khiến cho công tác đào tạo nghề chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn.

Những vướng mắc

Theo Quyết định 1956, việc hỗ trợ tiền ăn cho nông dân là 15.000 đồng/ngày thực học/người; người học ở xa nơi học từ 15 km trở lên thì được hỗ trợ tiền xăng xe đi lại không quá 200.000 đồng/người/khóa học. Đối với giáo viên dạy nghề, công giảng dạy được trả với mức tối thiểu là 25.000 đồng/giờ. Thời buổi giá cả leo thang như hiện nay thì việc hỗ trợ này là quá thấp.

 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Mặt khác, công tác tuyên truyền về học nghề phần lớn chưa được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng. Tư tưởng và nhận thức của người dân về học nghề còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn người học nghề là dân tộc thiểu số, có người biết đọc nhưng không biết viết nên chậm tiếp thu được bài giảng gây khó khăn trong công tác đào tạo nghề về phần lý thuyết. Do vậy, việc dạy nghề đa số chỉ bằng hình thức cầm tay chỉ việc.

Hơn nữa, dạy nghề lao động nông thôn còn phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ của người dân. Ví dụ ở Tây Nguyên mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa nông nhàn. Thời gian này họ được học nghề là khá phù hợp. Nhưng ở thời điểm này tỉnh lại chưa phân bổ kinh phí khiến cho các cơ sở đào tạo nghề chỉ mở lớp cầm chừng.

Hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh từ khi thực hiện Quyết định 1956 đã phát triển mở rộng từ 11 cơ sở nâng lên 16 cơ sở so với trước đây, nhưng năng lực không đồng đều; quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2012 mới đạt 24%, chưa theo kịp nhu cầu. Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu, chương trình giảng dạy còn nặng về lý thuyết mà thiếu tính thực tế; các nghề đào tạo chưa đa dạng.

Kinh phí dạy nghề chủ yếu do Nhà nước cấp mà chưa huy động được các doanh nghiệp tham gia. Sự gắn kết giữa người dạy, người học và chính quyền tại một số địa phương chưa chặt chẽ. Một số cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực hiện quy định về chuyên môn nghiệp vụ. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề tại một số huyện còn mang tính hình thức, chưa sát thực tiễn…

Giải pháp nào?

 

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, cho biết: Huyện có 17 xã, thị trấn nhưng mới chỉ có 10 xã mở được các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn. Khi xác định nhu cầu đào tạo của người dân, huyện luôn quan tâm là sau khi học nghề xong người dân áp dụng được vào thực tiễn như thế nào.

Chính vì vậy, một số nghề như xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp trên địa bàn huyện là hiệu quả, song nghề dệt thổ cẩm thì chưa. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân sau khi học nghề phát huy được nghề đã học.

Huyện Kbang là một huyện nghèo, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là rất cần thiết. Song thời gian qua, nhận thức về việc học nghề của người dân còn rất hạn chế. Người học chưa mấy mặn mà trong việc học nghề. Có những xã cách trung tâm huyện gần 100 km, muốn dạy nghề cho họ, giáo viên của Trường Trung cấp Nghề An Khê phải vận chuyển máy móc về tận xã, thôn, ăn ở cùng người dân mới mở được lớp, trong khi đó tiền giảng dạy cho giáo viên và tiền hỗ trợ học tập với thời buổi hiện nay là quá thấp.

Cần nâng mức hỗ trợ cho người học lên 30.000 đồng/ngày thực học/người thay vì 15.000 đồng như hiện nay; mức hỗ trợ cho giáo viên cũng được thay đổi để phù hợp với thực tế. Hơn nữa, hàng năm tỉnh nên giao chỉ tiêu kế hoạch về đào tạo nghề sớm để cơ sở chủ động lên kế hoạch, đồng thời nên mở rộng nghề đào tạo để phù hợp với nhu cầu của người dân.

Còn ở TP. Pleiku, việc dạy nghề lao động nông thôn lại khác. Hiện nay, đối tượng học nghề được miễn phí là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hộ gia đình có công với cách mạng. Do vậy, TP. Pleiku kiến nghị nên mở rộng đối tượng đào tạo nghề đến các đối tượng hộ cận nghèo và học những nghề mà các doanh nghiệp cần để sau khi học xong họ có thể tìm được việc làm ngay.

Riêng về thay đổi chính sách hỗ trợ người học và giáo viên dạy nghề lao động nông thôn, tại Hội nghị rà soát các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên vừa được tổ chức tại Gia Lai mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, cho biết: Sẽ có kiến nghị với Chính phủ để điều chỉnh mức hỗ trợ cho ngư ời học và giáo viên dạy nghề lao động nông thôn theo đề án cho sát với thực tiễn hơn. Bộ sẽ có những kiến nghị điều chỉnh mức hỗ trợ riêng cho từng vùng. Tây Nguyên sẽ có những kiến nghị điều chỉnh khác so với Tây Bắc hay vùng đồng bằng để đề án “Dạy nghề lao động nông thôn đến 2020” thực sự hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của người học.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm