Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Thầy Toàn "còi" của học trò Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bật khóc gọi điện về cho mẹ đòi nghỉ dạy, bỡ ngỡ đứng trên bục giảng, lúng túng khi thầy trò không hiểu ngôn ngữ của nhau hay cảm giác trống trải nơi làng vắng mỗi lúc đêm về… Ấy là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Toàn trong những ngày đầu về nhận công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne, huyện Kbang).
 

Những tưởng sẽ bỏ cuộc trước bao thử thách phải đối mặt, song chính mảnh đất và tình người Kon Pne đã giúp cho cậu thanh niên trẻ nhút nhát với dáng người thấp bé, nhỏ nhắn trở thành một thầy Toàn “còi” đầy tình cảm, trách nhiệm.

Trở thành thầy giáo vì mẹ

Nguyễn Văn Toàn sinh năm 1993 trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc ở tổ dân phố 13, thị trấn Kbang, huyện Kbang. Vì thế, ngay từ nhỏ, Toàn đã thích nghe những âm thanh đục đẽo hay mê mẩn ngồi xem các chú, các anh tỉ mẫn tạo ra những họa tiết tinh xảo trên gỗ. Và Toàn mong lớn lên mình sẽ nối nghiệp gia đình, trở thành một nghệ nhân điêu khắc giỏi.


 

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne là mái trường có nhiều kỷ niệm với thầy Toàn. Ảnh: Hồng Thi
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne là mái trường có nhiều kỷ niệm với thầy Toàn. Ảnh: Hồng Thi

Thế nhưng ước mơ nung nấu từ tấm bé của Toàn lại bị lung lay khi bước vào những năm cuối cấp 3. Lúc ấy, chỉ vì muốn hoàn thành ý nguyện “nhìn thấy con trai trở thành một thầy giáo” của mẹ mình mà Toàn đã không ngần ngại rẽ sang một lối đi khác. Giấc mơ điêu khắc khép lại thay cho sự nghiệp “trồng người” cao cả đang đợi chờ nơi tương lai khi Toàn thi đỗ vào ngành sư phạm Toán-Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Toàn bày tỏ: “3 năm ngồi trên ghế nhà trường, kể cả quãng thời gian đi kiến tập, thực tập tại cơ sở đã giúp tôi dần dần yêu cái nghề “gõ đầu trẻ” và cảm thấy quyết định của mình trước đây là không hề sai lầm, dù có là theo ý mẹ đi chăng nữa”.

Năm 2014, Toàn tốt nghiệp Cao đẳng và trở về Kbang cống hiến sức trẻ cho quê hương. Tuy nhiên không bao lâu sau đó, Toàn lại phải trở lại TP. Pleiku để làm phẫu thuật tai gấp vì bệnh viêm tai giữa khiến màng nhĩ bị thủng, không thể nghe được. “May mắn cho tôi là ca phẫu thuật đã thành công và còn vui hơn khi đang dưỡng bệnh ở Bệnh viện thì tôi nhận được tin báo từ Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện rằng mình đã được nhận dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne. Thế là ngày hôm sau, tôi liền thu xếp xuất viện để về nhận công tác”-Toàn nhớ lại.

Hạnh phúc là cho đi


 

Thầy Toàn hướng dẫn học trò của mình trồng rau sau sân trường. Ảnh: Hồng Thi
Thầy Toàn hướng dẫn học trò của mình trồng rau sau sân trường. Ảnh: Hồng Thi

Ngày đầu đến trường nhận nhiệm vụ, với Toàn, là một ngày không thể nào quên. Dù đầu phải băng bó sau phẫu thuật và không hề biết rõ đường đi, song Toàn vẫn liều lĩnh một mình chạy xe máy từ thị trấn Kbang vào xã Kon Pne. 7 giờ sáng khởi hành, vừa đi vừa hỏi đường, Toàn đi mãi, đi mãi mà chẳng thấy đích đến. “Có những đoạn đường vừa vắng vừa xấu, heo hút bóng người, tôi nản định quay về, nhưng rồi vì muốn đến Kon Pne một lần cho biết nên lại đi. Mò mẫm hơn 5 giờ đồng hồ, tôi mới tới nơi. Cảm giác lúc đó vừa mệt vừa ngao ngán khi tưởng tưởng lại đoạn đường vừa trải qua. Thế là tôi lấy điện thoại gọi về cho mẹ, khóc òa như một đứa trẻ và bảo với mẹ rằng con sẽ không vào đây dạy học. Mẹ đã động viên tôi rất nhiều để tôi có thể bình tâm lại. Đúng lúc ấy có một giáo viên đến hỏi han và dẫn tôi vào trường; các thầy cô lại thay nhau làm công tác tư tưởng. Thế là tôi chấp nhận ở lại và hôm sau lên lớp”-Toàn cười ngại ngùng khi nhắc nhớ kỷ niệm.

Phải một khoản thời gian lâu sau đó, Toàn mới cơ bản thích nghi được với môi trường sống, sinh hoạt và giảng dạy tại mảnh đất Kon Pne xa xôi. Ấy cũng là lúc thầy giáo trẻ cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự của mình khi lựa chọn gắn bó với nghề giáo nơi vùng khó. Những tiết Toán học mà Toàn đảm trách đã không còn lạ lẫm, khô khan khi thầy trò dần đồng điệu về ngôn ngữ, về tính cách. Những giờ sinh hoạt chủ nhiệm không biết tự lúc nào luôn tràn ngập tiếng cười với lời ca, tiếng hát, điệu múa của cả thầy lẫn trò. Những buổi chiều đã trở nên ý nghĩa hơn với vài tiếng đồng hồ thầy trò cùng vả mồ hôi, rèn luyện đôi chân trên sân bóng. Những đêm trống trải ngồi tựa cửa nhìn ra bầu trời đêm vắng ngắt của Toàn mấy ngày đầu cũng dần qua đi, thay vào đó là niềm vui bên đồng nghiệp, bản làng. Rồi mấy bó rau, mớ thịt chứa đầy tình cảm của bà con, dân làng gửi tặng; cả tiếng gọi “thầy Toàn còi” thân thương của lũ học trò cưng… ngày qua ngày cứ khắc sâu, trở thành những thứ đặc biệt trong lòng thầy giáo trẻ.

Có một điều không thể phủ nhận, để đem đến con chữ cho học sinh Bahnar nơi đây, những giáo viên như Toàn phải đối mặt với nhiều gian nan, thử thách. “Vì xã cách xa trung tâm huyện nên hầu như muốn mua gì cũng khó. Lương thực, thực phẩm thường được mọi người thay nhau mua trong những ngày cuối tuần về nhà, gom lại chở vô trường một lần để dành cho cả tuần. Những khi bận việc không thể vô trường chiều chủ nhật, 4 giờ sáng thứ hai, tôi đã phải khởi hành để kịp giờ lên lớp. Nhiều lúc cũng thấy sợ vì trời tối, toàn rừng vắng; chưa kể những hôm mưa gió, đường trơn trượt, bị ngã xe không biết bao lần. Thế nhưng vì thương các em, vì lòng yêu nghề nên mình cố gắng vượt qua thôi”-Toàn chia sẻ.


 

Thầy Toàn đang chuẩn bị giáo án để giảng dạy trong năm học mới sắp đến. Ảnh: Hồng Thi
Thầy Toàn đang chuẩn bị giáo án để giảng dạy trong năm học mới sắp đến. Ảnh: Hồng Thi

Tháng 12-2016, Toàn thi viên chức và trúng tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lơ Ku (xã Lơ Ku)-ngôi trường mà trước đây Toàn đã từng theo học. Tháng 4-2017, Toàn bịn rịn chia tay ngôi trường cũ với hơn 2 năm gắn bó để chính thức về giảng dạy ở Lơ Ku. Dù từ đó đến nay chưa có dịp quay lại Kon Pne, song Toàn luôn giữ liên lạc với trường. Học sinh cũng thường xuyên nhắn tin, gọi điện mong thầy Toàn “còi” sớm trở về thăm các em.

“Ra ngoài này điều kiện đi lại thuận lợi hơn nhưng đời sống bà con và học sinh cũng còn nhiều vất vả. Do đó, tôi luôn luôn cố gắng giúp các em có thể học hành tốt hơn, sao cho cuộc sống của chúng sau này đỡ vất vả. Và tôi cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng, đừng bao giờ ngại khó ngại khổ, hãy cống hiến hết sức mình vì đam mê mà mình lựa chọn. Đổi lại, thứ chúng ta nhận về sẽ còn nhiều hơn những gì ta đã cho đi”-Toàn khẳng định.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm