Bài 2: Thực trạng của các doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có nhiều nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh ít tuyển dụng lao động địa phương. Sau những ngày theo chân đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh) tổ chức giám sát công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2011 vừa qua, chúng tôi ghi nhận được nhiều điều đáng bàn.

Theo phản ánh của Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) thì đơn vị có mặt ở vùng đất xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) để trồng cà phê và cao su được hơn 10 năm. Trong thời gian đó, Công ty thực hiện khá tốt chính sách tuyển dụng lao động địa phương. Theo đó, cùng với việc trả đủ lương thì hàng tháng Công ty còn cấp 50 kg gạo và 500.000 đồng/công nhân để người lao động yên tâm gắn bó với vườn cây. Tuy nhiên, lại xuất hiện một số người “bám” vào chính sách ưu đãi này mà lười lao động.
 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Thực trạng đó, từ đầu năm 2010, Công ty Bình Dương cắt chế độ phát gạo, phát tiền, chỉ thực hiện mức khoán, người làm nhiều hưởng nhiều, người làm ít hưởng ít, người không làm thì không trả lương. Sự việc này khiến cho rất nhiều lao động địa phương, nhất là công nhân thuộc địa bàn xã Ia Tôr phản đối và phản ánh lên chính quyền xã. Đại tá Đỗ Vinh Quốc-Phó Giám đốc Công ty, ngao ngán: “Sáng 7 giờ là bắt đầu làm việc thì nhiều người đủng đỉnh đến 10 giờ mới ra tới vườn. Vào vụ thu hoạch, cà phê chín rụng cả gốc, “thúc” người lao động hái nhanh cho kịp mùa vụ nhưng họ chỉ làm việc 4-5 tiếng/ngày”.

Hiệu quả lao động đã thấp, việc tiếp thu học tập nâng cao tay nghề của lao động địa phương cũng rất khó khăn. Hàng năm, Công ty Bình Dương cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động địa phương tích cực tham gia lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su. Có năm Công ty tổ chức 4 đến 5 lớp đào tạo nghề cạo mủ, mỗi lớp học 50 lao động địa phương, nhưng kết thúc khóa học chỉ có 20 lao động biết cạo. Cá biệt có những lao động học đến 4-5 lần mà vẫn chưa biết cạo mủ cao su.

Hiện nay, Công ty Bình Dương có tổng số cán bộ, công nhân viên là 954 người, trong đó lao động địa phương là 752 người, với mức lương bình quân là 3,3 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện dự án trồng cao su tại xã Ia Púch, Công ty thực hiện chủ trương triển khai dự án đến đâu tuyển dụng lao động địa phương vào làm tới đó. Song, sau khi Công ty đưa công nhân xã Ia Tôr sang xã Ia Púch làm, nhiều người kêu xa nhà nên chỉ được 1 tuần họ lại bỏ về.

 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Không chỉ ở Công ty Bình Dương mà tại Công ty 72 (Binh đoàn 15) cũng có nhiều vấn đề khó khăn trong việc giao khoán vườn cây cho lao động địa phương. Theo định mức giao khoán vườn cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản đối với cây cao su, mức chung là 4 ha/người, đồng bào dân tộc thiểu số là 3,5 ha/người. Còn định mức diện tích giao khoán vườn cây kinh doanh ở mức chung là 2,5 ha/người, lao động dân tộc thiểu số là 2 ha/người. Quy định như vậy nhưng trước đây khi Công ty mới thành lập, tuyển dụng lao động địa phương vào làm họ thấy lương thấp và bỏ vườn cây, buộc Công ty phải tuyển dụng lao động ở nơi khác đến để triển khai dự án. Vài năm sau khi cao su đi vào giai đoạn kinh doanh, họ lại xin vào. Vì diện tích vườn cây cao su chưa giao khoán còn lại rất ít không đủ điều kiện để ký hợp đồng với số lao động có nhu cầu vào làm việc nên Công ty đành phải chia đều cho công nhân, giải quyết công ăn việc làm cho họ.

Theo ông Võ Phước Nguyên-Phó Giám đốc Công ty 72, việc làm này là bất cập trong giao khoán diện tích vườn cây nhưng Công ty không còn cách nào khác. Bên cạnh đó, cũng có những công nhân địa phương gắn bó từ đầu thì được Công ty giao khoán đủ định mức, được ký hợp đồng lao động dài hạn nhưng khi nhận khoán diện tích vườn cây họ lại coi đó là tài sản riêng của  mình nên tự chia cho con cháu mỗi người một ít để giải quyết việc làm. Do vậy, người nhận khoán lại không đủ diện tích nên Công ty không thể tiếp tục ký được hợp đồng giao khoán hàng năm.

Công bằng mà nói, những doanh nghiệp thực hiện chủ trương này hiện đang rất “đau đầu” trong việc giữ chân người lao động và giao khoán. Nhưng không thể không tuyển dụng lao động địa phương. Vì tuyển dụng lao động địa phương vào làm trong dự án cao su là việc làm an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh nông thôn. Nếu vì những khó khăn mà các doanh nghiệp tuyển dụng ít hoặc không tuyển dụng lao động địa phương thì về lâu dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm