Phóng sự - Ký sự

Bài 3: Bằng cấp nước ngoài được công nhận ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành quy định về việc công nhận văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam và quy định rất rõ về việc công nhận các loại văn bằng do nước ngoài cấp, trong đó có hình thức học trực tuyến. 
Những văn bằng học trực tuyến do nước ngoài cấp chỉ được Bộ GD-ĐT công nhận khi chương trình đó được Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Văn bằng của các trường đại học nước ngoài chưa được kiểm định chất lượng tại nước sở tại cấp cho người Việt Nam sẽ không được công nhận tại Việt Nam. Dù quy định đã có, song thực tế việc công nhận hay không công nhận cũng chưa thật sự thuyết phục hoặc việc xử lý vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý…
 
Một lớp học trực tuyến của Trường Đại học Mở TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG
 Xác nhận trên đề nghị của cá nhân, cơ quan quản lý
Theo Bộ GD-ĐT, vấn đề công nhận văn bằng ở nước ngoài được quy định tại các quyết định: Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 20-12-2007, Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ban hành ngày 15-7-2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 77; Quyết định 01/2018 ban hành ngày 8-1-2018 quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở nước ngoài cấp. 
Theo quy định mới nhất hiện nay, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp sau đây:
(1) văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng;
(2) văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên;
(3) văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD-ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Văn bằng thuộc trường hợp (2) được công nhận theo những quy định của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên. Người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng theo quy định của văn bản này.
Như vậy, Bộ GD-ĐT không bắt buộc tất cả công dân Việt Nam có văn bằng do nước ngoài cấp phải làm thủ tục công nhận văn bằng. Việc làm thủ tục đề nghị công nhận văn bằng là do từng cá nhân có nhu cầu thực hiện, trên cơ sở yêu cầu của cơ quan sử dụng lao động. Nhiều trường hợp, chính cơ quan sử dụng lao động hoặc các cơ quan chức năng sẽ đứng ra đề nghị với những trường hợp cần xác minh.
Vẫn còn lỗ hổng
Về việc công nhận văn bằng giáo dục đại học, đại diện Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: Thực tế dưới sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm gia tăng nhanh chóng các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới, đặc biệt là hình thức đào tạo trực tuyến. Chính sự đa dạng về phương thức học tập và sự khác biệt giữa các hệ thống giáo dục đại học, khung trình độ quốc gia và khung đảm bảo chất lượng giáo dục ở mỗi quốc gia khác nhau đã dẫn đến thách thức khó khăn trong việc công nhận tương đương văn bằng học thuật giáo dục đại học quốc gia.
Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Trên thế giới hiện có những chương trình trực tuyến tốt nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng đang là câu hỏi khó. Trong khi hình thức đào tạo trực tuyến tại Việt Nam cũng chỉ mới chính thức có quy định”.
Trong khi đó, Điều lệ trường đại học và Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) cũng cho phép các trường đại học Việt Nam mở rộng hợp tác với các trường đại học thế giới để công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng và công nhận văn bằng lẫn nhau để tạo thuận lợi cho người học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, hiện Đại học Quốc gia TPHCM có 3 trường (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách khoa và Đại học Công nghệ Thông tin) phát triển đào tạo từ xa và dạy kết hợp (blended) giữa học trực tiếp (truyền thống) với trực tuyến (e-learning).
Ngay trong quy chế đào tạo của Đại học Quốc gia TPHCM cũng quy định rất rõ là một chương trình đào tạo được áp dụng tối đa 20% tín chỉ học online. Hình thức đào tạo trực tuyến trên thế giới đã phát triển mạnh và bằng cấp được thừa nhận. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay bằng cấp của chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến chưa được đánh giá cao. Chỉ những người nào có nhu cầu thật sự thì mới học bằng hình thức đào tạo từ xa. Do đó, với bối cảnh thực tế của Việt Nam, hình thức đào tạo blended sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới vì những ưu điểm mà nó mang lại cho cơ sở đào tạo cũng như người học.
Trao đổi thêm về vấn đề của đào tạo từ xa và đào tạo trực tuyến, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Đúng là có lo ngại về chất lượng đào tạo trực tuyến vì chịu ảnh hưởng của phong trào chạy đua bằng cấp và sự tuyển dụng không minh bạch nên làm méo mó hình thức đào tạo này. Do vậy, để đào tạo có chất lượng, ngoài việc cung cấp dịch vụ giáo dục online chất lượng thì nhu cầu tự thân người học rất quan trọng vì muốn cải thiện năng lực của bản thân… Ngoài ra, cơ quan quản lý, ở đây là Bộ GD-ĐT, phải hình thành cơ chế kiểm soát chất lượng để đảm bảo học kiểu gì cũng phải đảm bảo chuẩn đầu ra dựa theo khung trình độ quốc gia Việt Nam để công nhận văn bằng chứng chỉ cho người học. Đó là điều kiện đầu tiên cho tuyển dụng và phải căn cứ theo năng lực thực để tuyển dụng và sử dụng”.
Song song đó, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, việc dạy từ xa hay dạy trực tuyến phải có phương pháp và chiến lược để dạy hiệu quả. Cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật (máy móc, thiết bị, phòng học ảo…) thì giảng viên phải được đào tạo chứ không thể ai dạy cũng được.
- Đến nay, Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 21 về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng với các nội dung như điều kiện, nội dung đào tạo qua mạng, tổ chức thực hiện; trách nhiệm quản lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng… chứ chưa nói đến bằng cấp loại hình đào tạo trực tuyến. Thông tư 10 quy định về đào tạo từ xa trình độ đại học, quy định hình thức đào tạo từ xa được ghi trong văn bằng tốt nghiệp. Việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT. 
- Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ GD-ĐT có công văn 3755/2016 quy định như sau: Đối với chứng chỉ ngoại ngữ: (1) Trình độ A và trình độ A1 tương đương bậc 1 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (khung 6 bậc); (2) Trình độ B và trình độ A2 tương đương bậc 2 của khung 6 bậc; (3) Trình độ C và trình độ B1 tương đương bậc 3 của khung 6 bậc; (4) Trình độ B2 tương đương bậc 4 của khung 6 bậc; (5) Trình độ C1 tương đương bậc 5 của khung 6 bậc; (6) Trình độ C2 tương đương bậc 6 của khung 6 bậc. 

- Đối với chứng chỉ tin học, Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông có thông tư liên tịch quy định như sau: Đối với các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C (theo Quyết định số 21/2000/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Chương trình tin học ứng dụng A, B, C) đang triển khai trước ngày thông tư liên tịch này có hiệu lực vẫn được tiếp tục thực hiện, cấp chứng chỉ ứng dụng cho đến khi kết thúc. Các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đã cấp có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Nhóm PV (SGGP)

Có thể bạn quan tâm