Phóng sự - Ký sự

Bài 3: Chấp nhận gian khổ, hy sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi đã đến với đảo nổi, đảo chìm nhưng ấn tượng, cảm phục và thấm thía nhất là lên thăm lính nhà giàn-Cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam. Gió biển mới cấp 4 cấp 5 mà sóng đã cao hơn 4 mét. Nhà giàn cao khoảng 40 mét, sàn đầu tiên cách mặt biển chừng 11 mét. Lên được giàn đã khó, xuống còn khó hơn khi phải đu dây, sơ sảy là va đập và rơi xuống biển.
Gian nan là vậy, nhưng có những cán bộ chiến sĩ như Đậu Đình Phú, 50 tuổi, có đến 20 năm công tác ở các nhà giàn, cả ngàn ngày tắm... chậu (nước ngọt là thứ quý nhất của người lính đảo), mà vẫn chăm chút từng cọng rau xanh giữa đại dương. Đại úy Nguyễn Đăng Hùng-quyền Trạm trưởng nhà giàn DK1/18, có 8 năm ăn Tết nơi biển đảo. Câu chuyện của anh được đồng đội chuyền tai nhau: Có một lần vào năm 2009 khi tàu chở ra nhà giàn nhận nhiệm vụ, đúng khi sóng to gió lớn tàu không thể neo đậu đành phải lùi xa. Không chần chừ, anh xin phép cấp trên nhảy xuống biển và bơi vào nhà giàn dù lúc ấy cột sóng dâng cao trên 5 mét...
Xuống nhà giàn bằng đu dây. Ảnh: Quốc Ninh
Xuống nhà giàn bằng đu dây. Ảnh: Quốc Ninh
Kiên cường là vậy nhưng khi ca sĩ Bích Mận (Nhà hát Đam San-Gia Lai) cất lời hát “Không xa đâu Trường Sa ơi/vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em” thì anh và tất cả anh em đều bật khóc. Khóc vì niềm vui gặp mặt, khóc vì đến được với nhau thật nặng tình. Rồi lại cùng cười vang trong bài “Nối vòng tay lớn”, trong “Vòng xoang Tây Nguyên”… Khó diễn tả hết được những giọt nước mắt của chiến sĩ, nước mắt của chúng tôi, của tình người nơi biển cả, cái mặn nồng của biển, cái rưng rưng của ngày gặp mặt vượt qua mọi hiểm nguy vì sự bình yên thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong những ngày đến thăm và giao lưu với anh em trên các đảo, nhất là những đảo chìm như Đá Đông A, Đá Nam, Đá Tây mới thấm thía nỗi khao khát đời thường, những câu thơ lính: “Cô gái đẹp trong tranh/có điều làng toàn lính/khi đón đoàn văn công/tiếng hát của em yêu/cả làng vui như hội…”. Mỗi khi chúng tôi đặt chân lên đảo là lời ca tiếng hát cất lên, vui đến nổ tung biển cả. Tính lạc quan của lính đảo làm ta tin yêu các anh hơn, kính phục hơn. Ở đảo Sơn Ca tôi gặp Trung úy trẻ Vũ Văn Thương-một sĩ quan kỹ thuật. Anh ra đảo 2 năm, chưa một lần về đất liền. Thương tâm sự: Khi học ở Học viện Hải quân biết lính đảo là gian khổ, nhưng hầu hết sĩ quan trẻ đều mong đợi được đi công tác ở Trường Sa. Thương dẫn tôi thăm quanh đảo, giới thiệu về cây bàng vuông, cây phong ba và ví von bằng câu thơ trên báo tường của lính: “Ai ơi đến với Sơn Ca/Ghé thăm đảo nhỏ Sơn Ca anh hùng/Phong ba bão táp hiên ngang/Như bao người lính giang tay đón chào…”.
Làm việc tại Nhà giàn DK/18. Ảnh: Quốc Ninh
Làm việc tại Nhà giàn DK/18. Ảnh: Quốc Ninh
Hôm chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn, thật ngẫu nhiên, khi ca sĩ Công Hưng thốt lên: Tuấn. Thì ra, hai người đã có duyên gặp nhau từ gần 10 năm trước. Chuyện là, khi Đoàn Đam San đi lưu diễn từ Nha Trang về, dọc đường gặp một chiến sĩ mặc áo hải quân trông dáng vẻ rất mệt mỏi, ngập ngừng hỏi xe đi nhờ… Sau khi lên xe mới biết Tuấn bị kẻ gian móc ví tiền, đành đi bộ từ Diêu Trì (Bình Định) về Gia Lai và trên đường thì được xe của Đoàn Đam San giúp đỡ. Chuyện qua đã lâu nhưng hôm nay nghe có người Gia Lai đi thăm đảo, Tuấn tìm đến tri ân. Mới đó mà Tuấn đã ở đảo gần 10 năm. 10 năm tuổi xuân gắn với Trường Sa…
Gặp. Rồi thân thiết. Rồi chia tay… Những chiến sĩ Trường Sa thân thương, giản dị và kiên cường, kiêu hãnh. Kiêu hãnh như quần đảo Trường Sa, mỗi đảo như thành lũy bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm