(GLO)- Trong cuộc Hội thảo mới đây về vấn đề “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku giai đoạn tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, nhiều ý kiến tâm huyết đã được các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư đưa ra với mục đích hướng đến xây dựng một Pleiku trong tương lai, bên cạnh sự phát triển còn là một “thành phố vì sức khỏe” với cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp, thân thiện với con người. Cây xanh đô thị Pleiku vì thế cũng hứa hẹn những tín hiệu khả quan về một cuộc “lột xác”.
Cây xanh-điểm nhấn của Pleiku tương lai
Theo nội dung đề án “Quy hoạch cây xanh đường phố TP. Pleiku” do UBND TP. Pleiku xây dựng, thì hướng đến năm 2020, diện tích đất cây xanh đường phố dự kiến sẽ đạt 1,97 m2/người. Điểm nhấn nổi bật của đề án này là đã đề xuất đến phương án bảo tồn, duy trì và trồng mới một số loại cây trên đường phố Pleiku.
Đường Trần Bình Trọng trồng đồng nhất 1 loại cây bằng lăng. Ảnh: Minh Triều |
Một số chủng loại cây được trồng trước năm 1975, đang sinh trưởng và phát triển tốt trên các tuyến đường gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển thành phố như: Nguyễn Du, Quang Trung, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Văn Thụ… sẽ được duy trì, giữ lại và phát triển thêm trong quá trình chỉnh trang, mở rộng. Điều này sẽ góp phần quan trọng để gìn giữ được hệ thống cây xanh cổ thụ hiện còn trên địa bàn TP. Pleiku và chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Hệ thống cây xanh trồng mới sẽ áp dụng một số loài cây phân bố tự nhiên trên vùng cao nguyên Gia Lai (dầu rái, sao đen…), cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, gắn bó với truyền thống tập quán cộng đồng dân cư đô thị TP. Pleiku (long não, thông Caribe…), cây du nhập được trồng từ Pleiku từ lâu và đã thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt (lim xẹt, nhạc ngựa…).
Song song với đó, một số tuyến đường trồng thuần chủng thông ba lá, sao đen, dầu rái, long não, bằng lăng… vẫn còn tình trạng xen lẫn một số loài cây khác cần được cải tạo thay thế. Đặc biệt, cây viết sẽ dần được thay thế bằng cây chủng loại đặc trưng của địa phương. Công tác quản lý cây xanh đô thị sẽ được nghiên cứu, tìm ra những giải pháp tốt nhất để áp dụng trên địa bàn.
Những hàng cây xanh tốt như thế này góp phần không nhỏ tạo nên những ấn tượng đẹp về một Pleiku "Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn". Ảnh: Lê Hòa |
Đề án này cũng chỉ rõ, để chủ động nguồn cây giống cung cấp cho nhu cầu phát triển hệ thống cây xanh đô thị trong tương lai, lực lượng chuyên môn sẽ tập trung công tác gieo ươm, chuẩn bị cây giống đảm bảo quy cách, cây đủ tiêu chuẩn, chất lượng khi xuất vườn. Trước mắt, nếu được triển khai, UBND TP. Pleiku sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh công tác quy hoạch quỹ đất phát triển vườn ươm. Tuy vào điều kiện, thành phố có thể sẽ thành lập 2-3 vườn ươm tập trung hoặc xây dựng nhiều vườn ươm phân tán để đảm bảo tiêu chuẩn 12,5 ha vườn ươm (đạt 0,5 m2/người so với quy mô dân số dự kiến khoảng 250.000 người vào năm 2015). Công tác xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị phải được gắn liền với phát triển cây xanh, chừa diện tích đất hợp lý để trồng cây xanh ở một số tuyến đường mới. Ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Đề án cũng đặc biệt nhấn mạnh tới quy định về sự thống nhất của cơ quan chủ quản về tiêu chuẩn và chủng loại cây xanh đô thị sao cho phù hợp với quy hoạch chung của địa phương.
Những ý tưởng xanh
Theo ông Quang, trước mắt mục tiêu của thành phố là sẽ điều chỉnh lại hệ thống cây xanh, “sau khi dự án quy hoạch cây xanh được các ngành thống nhất, được tỉnh thông qua trên cơ sở đó chúng tôi sẽ đưa nội dung này vào hệ thống quy hoạch chung của đô thị nhằm từng bước đồng bộ hóa cây xanh trên các tuyến đường”-ông Quang cho biết.
Hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Du. Ảnh: Minh Triều |
Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành loại bỏ dần những loại cây không phù hợp, ưu tiên trồng hai loại cây chủ đạo là long não và thông đối với những vỉa hè rộng, trước các cơ quan, khu công cộng và nhất là các cửa ngõ ra vào thành phố. “Mục tiêu hướng đến của thành phố là sẽ có những tuyến đường đồng nhất một loại cây nhằm tạo được nét đặc trưng riêng, nói đến tuyến đường đó thì người ta có thể biết được đặc trưng là cây gì”. Ngoài ra, để thành phố xanh hơn thì cần bố trí trồng thêm cây tiểu mộc, trung mộc, giàn cây, dây leo, đồng thời tại các điểm công viên, hoa viên, tiểu đảo giao thông, dải phân cách cũng được bố trí trồng thảm cỏ, bồn hoa, cây màu, cây cảnh để tạo không gian tươi mát.
Bàn về cây trồng chủ đạo cho phố núi, cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Khoa-chung cư Lê Lợi-cho rằng ở những tuyến đường lớn, có vỉa hè lớn thì nên chọn trồng cây long não vì cây này phát triển nhanh, cành lá sum suê tạo bóng mát, có tuổi thọ cao. Theo ông, điểm đặc biệt để chọn cây long não tượng trưng cho TP. Pleiku là vì cây này đã gắn bó từ lâu đời, trải qua bao thế hệ mà người dân vẫn thích, vẫn đồng tình. Bên cạnh đó cũng nên trồng thử nghiệm một vài tuyến phố một loại cây có sắc đỏ rất đẹp như là hoa phượng để tạo thêm điểm nhấn.
Bàng-loại cây cho bóng mát khá tốt song lại là thủ phạm phá hoại bề mặt vỉa hè bởi nhiều rễ nổi ăn ngang. Ảnh: Lê Hòa |
Theo kiến trúc sư Trần Minh Nhật, một người dân Pleiku hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, trong kiến trúc đô thị, xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay cũng ưu tiên phát triển cây bản địa có từ lâu đời, phù hợp với truyền thống của mỗi địa phương để phát triển trên các đoạn đường chính, quảng trường, công viên. Anh Nhật chia sẻ, nên tìm hiểu lịch sử của địa phương đó trước đây đã trồng chủng loại cây nào để khôi phục lại, không nên chọn trồng những loại cây mới, điều này thể hiện tính nhân văn và tôn trọng văn hóa, truyền thống lịch sử. Đồng thời cũng nên thống nhất cây xanh đường phố thì trồng loại gì; cây xanh cho công viên, quảng trường là loại cây gì, hoa gì và quan trọng hơn là trồng đồng đều, nhất quán.
Cây xanh không những có chức năng điều hòa nhiệt độ, cải thiện môi trường mà còn góp phần không nhỏ trong cảnh quan, kiến trúc đô thị. Do vậy, việc lựa chọn các hình thức bố trí cây, loại cây trồng trên đường phố phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về mỹ quan đô thị... là những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Qua đó đáp ứng những kỳ vọng của người dân về một Pleiku hài hòa, thân thiện mà vẫn giữ được dáng vẻ của thành phố từng được đánh giá là “đẹp nhất vùng cao nguyên nam phần”.
Lê Hòa-Minh Triều