Phóng sự - Ký sự

Để bảo vật quốc gia tỏa sáng

Bài 3: Dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Việt Nam bước vào thời cận-hiện đại với những biến động to lớn khi triều đại phong kiến cuối cùng suy tàn, đi cùng với đó là ách đô hộ của thực dân. Nhưng giữa đêm đen của chế độ nô lệ ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc, mở ra một thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.

Trong những Bảo vật quốc gia dưới thời đại Hồ Chí Minh, nổi bật hơn cả là dấu ấn của quá trình đấu tranh Cách mạng, giải phóng dân tộc, bắt đầu từ cuốn sách có tính soi đường cho dân tộc: "Đường Kách mệnh".

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô giá, đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy được khắc họa trong những tác phẩm, bút tích của Người. Năm hiện vật thể hiện tư tưởng của Người, hoặc là những bài viết trong những thời khắc quan trọng của đất nước đã trở thành Bảo vật quốc gia.

Tác phẩm sớm nhất trong cuộc đời Bác trở thành Bảo vật quốc gia là cuốn "Đường Kách mệnh". Cuốn sách tập hợp các bài giảng của Người để đào tạo lứa cán bộ đầu tiên cho Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc), xuất bản năm 1927. Người đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết cách mạng Mác-Lê-nin, phù hợp điều kiện của một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam. Người nêu rõ những chuẩn mực đạo đức của những người Cách mạng; trình bày hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận Cách mạng, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối của Cách mạng Việt Nam. Cuốn sách trang bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho những chiến sĩ Cách mạng đầu tiên của đất nước.

Tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách tham quan bức tranh toàn cảnh (panorama) tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: MỸ HÀ

Tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách tham quan bức tranh toàn cảnh (panorama) tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: MỸ HÀ

Nếu cuốn "Đường Kách mệnh" đặt nền móng cho tư tưởng Cách mạng thì "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến", "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" lại ra đời khi đất nước ở trong những tình thế khó khăn nhất. Nước nhà độc lập chưa lâu, thực dân Pháp lăm le xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình thế không tránh khỏi một cuộc chiến tranh, ngày 19/12/1946, Bác viết "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến". Lời hiệu triệu chỉ dài 199 chữ, nhưng đã thể hiện những quan điểm cốt lõi của Người về kháng chiến toàn dân toàn diện. Lời hiệu triệu như mệnh lệnh của núi sông, để cả dân tộc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Gần 20 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước". Lúc này, đất nước phải đương đầu với một kẻ địch mạnh hơn. Quân đội đế quốc Mỹ đã đổ vào miền nam và mở rộng đánh phá miền bắc. Ngày 17/7/1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên sóng phát thanh thôi thúc hàng triệu con tim, khối óc đồng bào, chiến sĩ hăng hái lên đường đánh giặc. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là lẽ sống của dân tộc, động lực để đất nước ta đi đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975. Bản thảo của "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến", "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Trong những tác phẩm, bài viết, bút tích là Bảo vật quốc gia của Bác, "Ngục trung nhật ký" (Nhật ký trong tù) lại thể hiện một góc độ khác về con người của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thân thể chịu giày vò, đau đớn, nhưng Người luôn nghĩ về quốc dân, đồng bào, về độc lập tự do cho dân tộc; Người vẫn ung dung, tự tại đối mặt với hoàn cảnh. Nhật ký trong tù thể hiện tâm hồn phong phú cao đẹp của một "người tù vĩ đại". Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại "Di chúc". Người vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha; là sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong "Di chúc", Người nhắc đến tất thảy mọi người, từ bà con lao động, công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, trí thức; Người căn dặn phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân... "Di chúc" - Bảo vật quốc gia cuối cùng mà Người để lại là sự kết tinh tinh thần tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp, thể hiện tình cảm chan chứa yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mọi tầng lớp nhân dân.

Lưu giữ những chiến công chói lọi

Thời đại Hồ Chí Minh ghi dấu những bước ngoặt của lịch sử dân tộc trong đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Đó là Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945; thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ; 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không hay Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước. Những Bảo vật quốc gia trong thời đại Hồ Chí Minh đã ghi lại những mốc son chói lọi ấy.

Kể từ khi Bác Hồ đọc "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến", cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đỉnh cao của cuộc kháng chiến trường kỳ là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ đội ta đã trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt để đi đến chiến thắng cuối cùng, buộc Pháp ký Hiệp định Geneva trả lại hòa bình cho Đông Dương. Trong cuộc chiến ấy, có biết bao gương anh hùng, bao người lính đã ngã xuống. Trong rất nhiều hiện vật minh chứng cho chiến dịch lịch sử ấy, Bảo tàng Phòng không-Không quân (Hà Nội) đang lưu giữ khẩu pháo cao xạ 37mm (Khẩu đội 3 Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367). Khẩu pháo này bắn hạ ba máy bay, bắn bị thương 13 máy bay Pháp.

Có ý nghĩa tương tự như trận Điện Biên Phủ, chiến thắng trong trận tập kích đường không của quân đội Mỹ trên bầu trời Hà Nội đã buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong những chiếc máy bay làm nên kỳ tích đó, chiếc máy bay MIG-21 F96, số hiệu 5121 chính là chiếc máy bay đã lập một chiến tích vô song trong lịch sử quân sự thế giới. Đêm 27/12/1972, chiếc MIG-21 số hiệu 5121 do Anh hùng Phạm Tuân lái, xuất kích từ sân bay Yên Bái đến vùng trời Sơn La thì phát hiện máy bay B-52. Khi bay lên bầu trời, ông gặp rất nhiều máy bay yểm trợ cho B-52 là máy bay F4, song ông được lệnh không tấn công F4 mà bay vòng qua để tránh rồi tìm cách tiếp cận mục tiêu B-52. Đến khi MIG-21 chỉ còn cách B-52 3 km, ông mới quyết định phóng hai quả tên lửa. Chính mắt ông nhìn thấy chiếc máy bay B-52 nổ tung. Chiếc máy bay MIG-21 đi vào huyền thoại ấy ngày nay được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trên thân máy bay có năm ngôi sao, tượng trưng cho năm lần hạ chiến đấu cơ của đối phương.

Thời đại Hồ Chí Minh còn có nhiều Bảo vật quốc gia khác, nhưng nổi bật hơn cả là những hiện vật về quá trình đấu tranh Cách mạng và các cuộc kháng chiến. Ngày hôm nay, những Bảo vật quốc gia của thời đại Hồ Chí Minh đều được lưu giữ trong điều kiện đặc biệt, là tài liệu để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cũng như hiểu hơn về quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, về chủ nghĩa anh hùng Cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm