Phóng sự - Ký sự

Bài 3: Hơn ba mươi năm giữ "tường chắn sóng" cho làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày còn thơ bé, ông Đáp đã mải mê với bạt ngàn gốc chá cổ thụ. Chiến tranh, rú bị tàn phá. Rồi đời sống thời hậu chiến không ít khó khăn, rú lại nhẫn nhịn để con người xâm lấn thêm một lần nữa. Trước cảnh đó, ông cùng vợ ra dựng lều sống giữa rừng cây lộng gió xanh um. Hơn ba mươi năm vừa “ra nớ khai hoang mần kinh tế”, ông Đáp vừa tự giao cho mình trách nhiệm giữ rừng. Nhờ vậy, rú Chá đã hồi sinh.

 Một góc rú Chá mùa nước lụt.
Một góc rú Chá mùa nước lụt.


Rừng che bộ đội, rừng là “tường chắn sóng” cho làng

Từ ngày thơ bé, ông Nguyễn Ngọc Đáp (75 tuổi, thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã ghi nhớ chuyện cha mẹ kể về vùng đất Hương Trà có nhiều cán bộ cách mạng, và rú Chá trở thành “rừng che bộ đội”. Có những ngày, giặc Pháp đem súng đạn ra phá rú. Tới thời kỳ chống Mỹ, ông Đáp theo cha mẹ, theo dân làng ngày đêm chèo thuyền đưa cơm nuôi giấu cán bộ. Ông cũng chứng kiến Mỹ - Ngụy vừa chặt, vừa điên cuồng dùng thủy lôi phá rú…

Nhưng rú Chá rậm rạp, um tùm, ken dày như con đê chắn sóng ven biển này, không dễ gì bị hủy hoại. Rú vẫn kiên cường bám rễ vào lòng đất mẹ để chở che cho những người lính quên cả tuổi xuân cho sự nghiệp vệ quốc kiên trung.


 

Những tàng cây mảnh khảnh, gân guốc. Đây cũng là con đường đẹp nổi tiếng của rú Chá.
Những tàng cây mảnh khảnh, gân guốc. Đây cũng là con đường đẹp nổi tiếng của rú Chá.


Xưa, rú đã cản con nước lớn, ngăn sóng dữ phá Tam Giang cũng như ngăn mặn, bảo vệ những cánh đồng. Thời Chúa Nguyễn, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp lục lâm thảo khấu ở truông nhà Hồ, rồi cải tạo phá. Dần dần “sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” đã không còn ám ảnh khách thương hồ trên quãng đường thiên lý.

Có những lúc lạc giữa bạt ngàn thân chá, chúng tôi nhớ đến câu chuyện của giáo sư Nguyễn Ngọc Lung (Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng). Ông Lung bảo những cánh rừng phi lao ven biển dọc dải đất miền trung, vốn chỉ xuất hiện từ khi người Pháp đặt chân xâm lược. Nhưng không có nghĩa có người Pháp mới có rừng phòng hộ ven biển.

Mà từ xưa, miền trung vốn đã có những rừng phòng hộ ven biển là các loài cây bản địa thấp, lùn. Những cánh rừng ấy vẫn còn vẹn nguyên ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Nhưng rú Chá là cánh rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn giữ lại được ở miền trung.

 

Rừng Chá nhìn từ nhà ông Đáp.
Rừng Chá nhìn từ nhà ông Đáp.


Rú Chá rộng mênh mông hôm nay nằm tách biệt với làng, ngăn cánh bởi những cánh đồng và Quốc lộ 49, bìa rú là nghĩa trang của làng Thuận Hòa và xã Hương Phong. Đã đi dưới vòm chá này ngày nắng, đã thấy con đường thơ thới, lãng mạn và trong trẻo hơn bất cứ bộ phim Hàn Quốc nào; mà trong mùa lá rụng, dù giữa bời bời nước lụt, những tàng cây mảnh khảnh, gân guốc ấy vẫn khiến lòng người se sắt, thân thương.

Sống khỏe nhờ biết dựa vào rừng

Lối vào gian nhà đơn sơ của ông Đáp, bà Hồng, hai bên đường là hai hàng chá cổ thụ, cành hàng này đan xen, xoắn xuýt nhánh hàng kia thành vòm hun hút. Trên bãi sình men bìa nước sát nhà, đàn vịt xiêm béo ị nằm lũn lĩn, vài con khác có vẻ cuồng chân, thung thăng mãi trong rừng chá. Lũ gà thì loách choách rồi giương mào đánh nhau phành phạch. Bà Hồng chốc chốc phải chạy ra can.

Hơn ba mươi năm nay, ông Đáp, bà Hồng vẫn là gia đình duy nhất sống ở rú, dù cuộc sống ấy vẫn không điện, không nước sạch. Mấy vuông tường con kiến xây gạch ba banh trên một gò đất nổi giữa rừng ngập mặn, gian nhà nhỏ xíu, kê một chiếc giường tre cũng nhỏ, một manh chiếu trải dưới nền, góc nhà là chạn nhựa đựng bát, cái phích nước nóng, một ấm đun nước, một bình ắc quy…

Chái nhà là mái lều gá tạm trên mấy cọc tre, các loại vật liệu tận dụng quây chung quanh để che mưa nắng cho mấy chum nước tròn vo và bếp củi. Nhà cửa quá đỗi đơn sơ so với đời sống hiện đại, nhưng với ông bà, so với những ngày đầu mới ra rú khai hoang mần kinh tế đã là tươm lắm.


 

 Hơn ba mươi năm qua, bà Hồng đã ở bên, cùng chồng coi sóc rú.
Hơn ba mươi năm qua, bà Hồng đã ở bên, cùng chồng coi sóc rú.



Ông Đáp, bà Hồng vốn sinh sống trong làng Thuận Hòa. Hơn ba mươi năm trước, vì lo miếng ăn cho đàn con, lo kinh tế cho gia đình mà ông quyết tâm ra rú Chá, mặc xóm giềng can ngăn, anh em phản đối.

Ai cũng nói trong làng mần ruộng cấy lúa còn nỏ đủ ăn, ra rú biết mần chi mà sống. Nhưng ông Đáp tin có thể làm kinh tế ngoài rú Chá, nhờ cánh rừng ngập mặn, bởi bao đời nay, ông cha vẫn sống nhờ rừng.

 “Mình không phụ rú, rú cũng dứt khoát không để mình đói đâu”. Bà Hồng đã xuôi theo sự quyết tâm và lòng tin của chồng. Năm 1987, ông bà ra giữa rú Chá sinh sống với ít tre dựng lều ven đầm Ô Rô, cặp gà trống, mái và bốn bàn tay trắng. Ông bà đào đất, be bờ cải tạo đầm rồi vay mượn tiền mua được ít tôm giống đem thả.

Thỉnh thoảng nước tràn, cá ngoài phá Tam Giang lạc vào một vuông nước nhỏ khác cạnh đầm Ô Rô. Bà Loan nuôi tôm, nuôi luôn đàn cá lạc. Ông Đáp thì dong thuyền chài đi dọc phá Tam Giang mênh mông sóng nước để kéo cá, đánh tôm. Một phần làm thực phẩm nuôi đàn con đang tuổi lớn, một phần mang ra chợ bán kiếm đồng ra đồng vào.

Đàn con của ông bà, mười đứa được dựng vợ gả chồng, an cư lạc nghiệp cũng phần nhiều nhờ những chắt chiu tôm cá từ phá Tam Giang và công sức đã đổ xuống đầm Ô Rô.


 

 Ông Đáp nói: “Rừng nuôi nấng cả gia đình tui cho tới chừ. Thì tui phải có trách nhiệm giữ lấy”.
Ông Đáp nói: “Rừng nuôi nấng cả gia đình tui cho tới chừ. Thì tui phải có trách nhiệm giữ lấy”.



Những ngày Huế lụt, nước mênh mông đến độ chỉ có thể đưa cả người và xe máy lên công nông đầu dọc, đầu ngang mới vượt được dòng nước xiết ào ào qua Quốc lộ 49; ông Đáp, bà Hồng vẫn trụ lại ngoài rú chứ không chịu vô làng. Hỏi, thì cả ông và bà cùng bảo: “Quen cảnh lụt, cũng quen sống ngoài rú, chỉ vô làng chốc lát là lại ra”.

Rừng nuôi sống mình thì mình phải giữ

Khi ông Đáp, bà Hồng mới ra rú Chá, rú hoang sơ hơn hiện nay rất nhiều, đường vào rú chỉ là đường đất, nước mặn hầu như ngập quanh năm. Cả cánh rừng khi đó đầy những vết sẹo hậu chiến. Ông Đáp sống giữa rú, làm kinh tế nhờ rú, thấy rú như vậy, ông xót. Ngày đó vừa đổi mới được vài năm, đời sống thiếu thốn nhiều. Bà con trong làng ngày ngày ra rú chặt những cành đước, cây chá về làm củi đun. Ông Đáp càng xót.

Rồi chẳng ai giao, không ai bảo, ông tự nhận về mình nhiệm vụ bảo vệ rú Chá. Khi đó ông nghĩ đơn giản lắm: “Rừng tàn thì làng mạt. Tui giữ rừng cho làng. Mà vợ chồng tui cũng mần ăn nhờ rừng, nuôi con cái nhờ rừng. Rừng nuôi nấng cả gia đình tui cho tới chừ. Thì tui phải có trách nhiệm giữ lấy chớ”.


 

Chiếc xe đạp ông Đáp thường dùng để vào làng mua rau và về thăm con cháu.
Chiếc xe đạp ông Đáp thường dùng để vào làng mua rau và về thăm con cháu.



Thế là ông xén thời gian lo kinh tế gia đình sang cho rú Chá. Hằng ngày ông đi quanh rú kiểm tra, thấy bà con trong làng ra chặt cây, đốn củi, ông nhẹ nhàng hỏi han, trò chuyện, khuyên nhủ. “Rừng tàn thì làng mạt”, câu nói ấy người xứ này đã lưu truyền từ đời này qua đời khác, thì chẳng phải là vô cớ đâu. Có những người nghe ông nói thấy đúng quá, lại cảm tấm lòng của ông vì việc chung nên bỏ việc đẵn củi ngoài rú.

Nhưng cũng có những người bỏ ngoài tai ông Đáp cứ nói, họ cứ phá, ông làm gì được họ. Danh không chính, ngôn không thuận, ông chỉ có thể lẳng lặng đạp xe lên xã báo chính quyền. Sau đó ít năm, giữ rú Chá được đưa vào nhiệm vụ của làng. Bà con đề nghị vợ chồng ông Đáp trông giữ cánh rừng chắn sóng cho làng. Mỗi năm làng góp ba tạ thóc gọi là trả công cho ông bà. Thế nhưng ông Đáp chưa bao giờ lấy cả ba tạ, ông chỉ nhận hai, còn một tạ gửi lại làng để dùng vào việc chung.


 

 Lưới được xếp gọn lại chờ ra Tết thả cá, nuôi tôm. Rừng ngập mặn rú Chá đã giúp ông Đáp, bà Hồng nuôi mười người con ăn học.
Lưới được xếp gọn lại chờ ra Tết thả cá, nuôi tôm. Rừng ngập mặn rú Chá đã giúp ông Đáp, bà Hồng nuôi mười người con ăn học.



Một thời gian sau, rú Chá thuộc sự quản lý của xã Hương Phong, hai tạ thóc làng góp không còn. Nhưng ông Đáp cũng chẳng vì hai tạ thóc ấy mà nhãng đi nhiệm vụ đã tự giao cho mình là bảo vệ rú Chá.

Đất lành chim đậu. Rú được bảo vệ, chim chóc khắp nơi rủ nhau về làm tổ, sinh con đẻ cái ríu ran cả một vùng. Ông Đáp lại thêm nhiệm vụ ngày ngày đi gỡ bẫy chim để thiên nhiên được thêm phần trọn vẹn. Bà Hồng rủ rỉ kể: Bao nhiêu năm, mỗi mùa bão lụt là cây con gãy đổ. Năm nào ông ấy cũng ngóng nước rút để đi dặm lại cây.

Hơn ba mươi năm lặng lẽ giữ rừng, ông Đáp đã khiến nhiều người phải suy nghĩ khác. Từ chỗ phá hoại, rú Chá đã trở thành nơi cộng đồng chung tay xây dựng cũng như hưởng những giá trị mà rú mang lại. Thực hiện Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2015 đến nay tại xã Hương Phong đã trồng được 19,36 ha rừng trồng thuần loại cây Đước đôi, cây Bần chua, cây Dừa nước. Đặc biệt, để phát triển mô hình du lịch sinh thái trên đầm phá Tam Giang ở khu vực Hương Phong, rú Chá đã được mở rộng diện tích từ 3,14 ha lên gần 20 ha.

Qua mùa lụt, cả rú Chá và cánh đồng đều được phủ một lớp phù sa. Lúa đã sạ khắp các thửa ruộng của bà con. Ông Đáp, bà Hồng đã căng lại lưới, dọn dẹp lại đầm Ô Rô để sang Xuân tiếp tục thả cá, nuôi tôm. Giọng ông Đáp đầy hàm ơn: “Chỉ cần tui còn sức là rú còn nuôi sống được hai ông bà già”.

 

Theo THANH TRÀ - MINH TÂM (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm