Phóng sự - Ký sự

Bài 3: Nhật ký của cô giáo vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cả tuổi thanh xuân của mình, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt-Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã gắn bó với học trò vùng biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông). Và hơn hết, cô đã hi sinh hạnh phúc thiêng liêng của một người mẹ rời xa đứa con vừa tròn 14 tháng tuổi để cống hiến cho giáo dục vùng sâu trong những năm tháng khó khăn nhất.

Nước mắt người mẹ

10 năm qua gắn bó nơi vùng đất biên giới Ia Mơr với bao lứa học trò mà mình thương mến, cô giáo Nguyệt luôn nở nụ cười tươi bởi những hy sinh của mình đã dần được đền đáp. Tuy nhiên, trong những nụ cười ấy là ánh mắt buồn thẳm, là những giọt lệ cứ chảy ngược vào trong mỗi khi nghĩ về tình mẫu tử, về đứa con trai bé bỏng của mình ở quê hương. 10 năm qua, những trang nhật ký cuộc đời cô chứa chan biết bao nỗi niềm…

 
 Khi bước lên bục giảng, cô Nguyệt lại gác nỗi niềm riêng của mình để dạy học trò. Ảnh: Trần Dung
Khi bước lên bục giảng, cô Nguyệt lại gác nỗi niềm riêng của mình để dạy học trò. Ảnh: Trần Dung

Cô Ánh Nguyệt kể, cô sinh ra và lớn lên ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 2004, cô tốt nghiệp Sư phạm-Trường Đại học Quy Nhơn. Sau khi ra trường, cô kết hôn và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Tuy đã lập gia đình nhưng nỗi khát khao được mang con chữ tới với học trò vẫn cứ âm ỉ cháy trong cô. Và rồi năm 2007, cô quyết định xin vào công tác tại xã vùng sâu Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Khi ấy cô bước sang tuổi 25 và con trai cô vừa tròn 14 tháng. Khoảng cách địa lý quá xa xôi và vùng đất mới cũng quá lạ lẫm với cô giáo trẻ, đặc biệt là gia đình và đứa con còn quá nhỏ. Tất cả đã khiến cô phải suy nghĩ, trăn trở… Nhưng rồi chính nỗi khát khao được đứng trên bục giảng, được đem con chữ tới với trẻ đã thôi thúc cô đưa ra quyết định lớn trong cuộc đời mình. Cô lên vùng đất Ia Lâu nhận công tác trong một ngày mưa và cậu con trai 14 tháng tuổi phải xa bầu sữa mẹ, ở lại quê nhà cùng ông bà ngoại.   

“Lúc chia tay không dám nhìn con vì sợ không đi nổi. Mỗi ngày xa con chỉ biết khóc, nhìn học trò ở lớp lại nhớ đến con mình. Những ngày xa con là những chuỗi ngày tôi day dứt, nước mắt không ngừng rơi. Không bao giờ tôi có thể bù đắp được những năm tháng con thiếu thốn tình cảm khi không có cha mẹ ở bên. Thương con nhưng khi bước lên bục giảng, tôi lại gác nỗi niềm riêng của mình để tiếp tục dạy học trò, hoàn thành nhiệm vụ”-cô nghẹn ngào kể. Có nhiều đêm vì quá nhớ con, mặc đường sá lầy lội, rừng núi trắc trở, cô vẫn bắt mấy chặng xe đò để về quê thăm con. Ôm con được một đêm cuối tuần, rồi mẹ con lại bịn rịn chia tay nhau để cô tiếp tục vào đứng lớp cho tuần học mới.

Tới năm 2009, cô Nguyệt được chuyển sang công tác tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi ở xã biên giới Ia Mơr. Khi ấy, chồng cô vì nghĩ cho cô nên cũng xin vào làm bảo vệ cho trường. Cuộc sống vùng biên còn quá nhiều khó khăn nhưng từ đây cô cũng vơi bớt nỗi buồn tủi, nhớ thương khi vợ chồng cô quyết định đưa con vào ở cùng. Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu khi con trai đang tuổi lớn phải sống thiếu thốn, lạc lõng giữa bạn bè nói toàn tiếng địa phương, phong tục sống cũng khác, cô đau lòng. Vợ chồng cô lại quyết định gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Cô tâm sự: “Năm ấy, vùng biên giới này học sinh 100% là người dân tộc thiểu số, hơn nữa, đường sá đi lại quá khó khăn. Nhiều hôm con đau ốm không thể đưa con đi viện kịp. Xót xa và bất an lắm. Thế rồi, tôi lại phải đưa con về Bình Định, chấp nhận những ngày tháng xa con đằng đẵng…”.

“Tình cảm của học trò đã níu giữ tôi ở lại”


 

Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Nguyệt cùng chồng tích cực chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Trần Dung
Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Nguyệt cùng chồng tích cực chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Trần Dung

“Tuổi xuân và nhiệt huyết của tôi gắn bó với vùng đất biên giới đầy rẫy những khó khăn. Ban đầu, vì quá nhớ con, nhớ gia đình nên tôi nghĩ mình sẽ trở về Bình Định sinh sống với một nghề khác. Nhưng rồi, ngày nối ngày, nhìn lũ trẻ thiếu ăn, thiếu mặc, mùa mưa thiếu từng cái áo, đôi dép để đi nhưng vẫn đến lớp khiến tôi thấy khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu. Tôi đã thực sự coi học trò như con của mình. Chính những thiệt thòi, những tình cảm chân chất của học trò đã níu giữ tôi ở lại với mảnh đất này. Tôi muốn góp sức mình từ nay tới cuối cuộc đời để bù đắp phần nào cho các em”-cô giáo Nguyệt trầm ngâm lý giải cho chúng nghe về việc vì sao cô quyết định gắn bó cuộc đời của mình với học trò vùng biên.

Những tháng ngày mà cô giáo Nguyệt nhớ nhất, và cũng nhờ đó mà cô giáo trẻ này trở thành một người nghị lực, nhiệt huyết như bây giờ đó là việc cô không biết tiếng dân tộc, trong khi nơi này 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cái khó khăn nhất đối với cô là việc vận động học sinh tới lớp. Cô phải chạy đi nhờ già làng, trưởng thôn đến phiên dịch hộ. Rồi cô phải sinh hoạt, phải ăn, ngủ cùng các em. Và chính từ những cố gắng của mình, cô được lũ trẻ yêu mến và theo chân cô học chữ. Cũng nhờ sự hồn nhiên của các em học sinh đã giúp cô vơi đi những nỗi buồn, toàn tâm toàn ý để dạy dỗ các em.

Sau khi quyết định coi biên giới Ia Mơr là quê thương thứ hai và xem học trò nơi đây như con cái của mình, vợ chồng cô giáo Nguyệt đã sinh thêm một bé gái vào năm 2012. Đứa con thứ hai chào đời trên mảnh đất mà cha mẹ muốn gắn bó như khẳng định rằng, đó chính là trái ngọt mà vợ chồng cô vun trồng sau những tháng ngày khó nhọc. Được sự hỗ trợ từ địa phương, năm 2013, vợ chồng cô đã làm một căn nhà riêng ngay cạnh trường. Khi chỗ ở ổn định, ngoài những giờ dạy, hai vợ chồng cô tích cực chăn nuôi, làm rẫy… để phát triển kinh tế. Cô giáo Nguyệt cũng thấy an ủi phần nào khi giờ đây có thể đón con trai lên chơi với mình một vài ngày. Căn nhà của cô nay đã ngập tràn tiếng cười khi có đủ các thành viên. “Vậy là qua những năm tháng khổ ải nhất, tôi cũng đã được đền đáp. Con người ở vùng biên giới này thật thà và ngoan hiền lắm. Ở đây tròn 10 năm nhưng có lẽ tôi nghĩ 20 hay 30 năm nữa… tôi vẫn sẽ chọn đây làm nhà của mình và cho các con mình”-cô Nguyệt cười hiền, nụ cười đầy viên mãn…
 
“Công việc của cô Nguyệt và nhiều giáo viên khác ở ngôi trường biên giới này vẫn là sáng lên lớp, chiều đến nhà dân, động viên các em chưa đến lớp đi học, đêm đêm soạn giáo án. Cô Nguyệt đã làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và khiến các em học sinh yêu mến, thích tới lớp, tới trường. Một nhà giáo dám hi sinh hạnh phúc riêng của mình vì sự nghiệp giáo dục vùng sâu rất đáng được khâm phục”-thầy Nguyễn Hoàng Vũ (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) cho hay.

Mỗi giáo viên tìm đến và gắn bó sự nghiệp trồng người của mình nơi vùng đất biên giới đều mang trong mình những nỗi niềm rất riêng. Nhưng rồi, tất cả họ đều vì lòng yêu nghề, mến trẻ, vì những nghèo khổ, thiệt thòi của học trò mà tình nguyện ở lại để chung tay bù đắp cho các em. Mỗi người cũng có những trang nhật ký riêng cho mình nhưng hi vọng rồi khi bước qua những gian khổ, ai cũng sẽ có những trang hạnh phúc, tươi mới như cô giáo Nguyệt hôm nay.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm