Phóng sự - Ký sự

Bài 4: Ngăn chặn nạn 'tận diệt' chim đảo Cát Bà: Việc làm không thể trì hoãn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại diện các bộ, ngành và giới chuyên gia cho rằng việc “tận diệt” chim di cư sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cân bằng sinh thái, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, vì thế cần phải ngăn chặn triệt để.

Hình ảnh chim trời bị bứt lông rách thịt khi còn sống khiến khách du lịch không khỏi xót xa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hình ảnh chim trời bị bứt lông rách thịt khi còn sống khiến khách du lịch không khỏi xót xa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bày tỏ quan điểm trước thực trạng bẫy bắt, buôn bán, giết hại chim hoang dã di cư đang diễn ra nhức nhối ở huyện đảo Cát Hải, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà (thành phố Hải Phòng), đại diện các bộ, ngành và giới chuyên gia cho rằng việc “tận diệt” chim di cư sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cân bằng sinh thái không chỉ của quần đảo Cát Bà mà còn của Việt Nam và thế giới.
Vì thế, ngăn chặn tình trạng “tận diệt” chim đảo Cát Bà là việc không thể trì hoãn.
Nguy cơ mất cân bằng sinh thái
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Trưởng nhóm Nhóm công tác ASEAN của Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng chim hoang dã, chim di cư là mắt xích quan trọng trong chu trình sinh thái, hỗ trợ quá trình sinh trưởng của thực vật và kiểm soát sâu bệnh gây hại.

Việc thay đổi trong tập tính sinh thái của các loài chim cũng phản ánh những thay đổi tương ứng trong môi trường sống và hệ sinh thái mà chúng phụ thuộc. Vì thế, các hoạt động sát hại “chim trời” tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái; ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.Về khía cạnh trách nhiệm quản lý, theo bà Nhàn, các loài động, thực vật rừng, động vật hoang dã ngoài tự nhiên đều được bảo vệ bằng pháp luật. Vì thế, trường hợp vẫn còn bẫy bắt, sát hại chim thì đó là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm...

Đảo Cát Bà dần vắng bóng chim trời do vấn nạn bẫy bắt, giết hại chim hoang dã di cư suốt 20 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đảo Cát Bà dần vắng bóng chim trời do vấn nạn bẫy bắt, giết hại chim hoang dã di cư suốt 20 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cùng quan điểm, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cũng cho rằng việc Cát Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới không phải hoàn toàn là may mắn, mà đó là nỗ lực của thành phố Hải Phòng nói riêng, Việt Nam nói chung trong công tác bảo tồn, bảo vệ di sản thiên nhiên này.
“Tuy nhiên, nhìn lại việc bẫy bắt chim diễn ra trong 20 năm và vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tôi nghĩ đã đến lúc các nhà quản lý cần nhìn lại các biện pháp đã thực hiện bởi chưa mang lại hiệu quả,” bà Hà nhấn mạnh.
Theo bà Hà, việc tận diệt chim trời ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà cũng có nghĩa đang làm suy giảm hệ sinh thái, triệt tiêu đi những điểm thu hút du khách của Cát Bà, từ đó tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân địa phương. “Do đó, ENV đặc biệt lên án hoạt động bẫy bắt, sát hại chim trời tại đây,” bà Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Tú, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cũng khẳng định hiện tượng “tận diệt” chim trời bằng các biện pháp như dùng lưới mờ, chim mồi, băng âm thanh gọi chim đã diễn ra từ lâu. Việc khai thác này không chỉ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, mà còn có khả năng là nguồn lây nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người.

Hàng trăm cá thể chim hoang dã di cư ở Cát Bà bị làm thịt, rao bán trên mạng xã hội facebook.
Hàng trăm cá thể chim hoang dã di cư ở Cát Bà bị làm thịt, rao bán trên mạng xã hội facebook.
Riêng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, ông Tú nhấn mạnh đây là một vùng được xác định là có tính đa dạng sinh học cao, trong đó giá trị nổi bật nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn và khu hệ chim di cư.
Vì thế, hiện tượng bẫy bắt chim ở đây đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh tồn của các loài chim, gây nhiễu loạn sinh cảnh. Việc tận diệt chim trời trên đảo cũng góp phần làm giảm giá trị khi Cát Bà đang mong muốn trở thành một điểm đến của du lịch sinh thái.
Cần một chế tài đủ mạnh, xử lý triệt để
Về khía cạnh quy định pháp luật, ông Tú cho rằng có một thực trạng rất khó khăn trong quản lý việc săn bắt chim hoang dã chính là các quy định của nhà nước về săn bắt động thực vật hoang dã hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề bất cập không phải là từ ngữ “động vật hoang dã” hay “động vật rừng,” mà khi vận dụng một văn bản quy phạm pháp luật, thường các địa phương hay xử lý khác nhau.
Theo ông Tú, trên thực tế, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương hoàn toàn có thể vận dụng các văn bản pháp luật có sẵn để xử lý việc bẫy bắt chim trời và xử phạt theo các Luật đa dạng sinh học, Luật lâm nghiệp, Nghị định 35/2019/NĐ-CP… Đặc biệt là gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó có áp dụng đối với “động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.”
Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà cũng cho rằng Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học, hay Luật bảo vệ môi trường đều có quy định bảo vệ động vật rừng nói riêng và động vật hoang dã nói chung. Theo đó, mọi hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã (loài nguy cấp quý, hiếm hay loài thông thường) trái quy định của pháp luật đều là những hành vi bị cấm.

Chim hoang dã di cư trên quần đảo Cát Bà liên tiếp bị các dân buôn vặt lông, thui sống. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chim hoang dã di cư trên quần đảo Cát Bà liên tiếp bị các dân buôn vặt lông, thui sống. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các hành vi vi phạm cũng có thể bị xem xét xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). 
Ngoài ra, Nghị định 06/2019/NĐ-CP cũng quy định: “Động vật rừng thông thường là các loài động vật rừng thuộc các lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư và không thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES; Danh mục động vật được nuôi, thuần hoá thành vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.”
Tuy nhiên, để thống nhất việc thực thi ở các địa phương, đại diện các tổ chức bảo tồn của IUCN và ENV cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có các văn bản quy định và giải thích rõ ràng hơn. Thậm chí, có thể là một văn bản pháp luật nêu cụ thể đến các hành vi như sử dụng lưới mờ, keo dính, sử dụng băng gọi chim để các cấp thực hiện dễ dàng áp dụng.
Tương tự, đối với các địa phương, nhất là nơi gần các điểm tập trung chim di cư, các cơ quan chức năng cần cương quyết xử lý các trường hợp bẫy bắt chim và đặc biệt là xử lý các tụ điểm như chợ, quán ăn có sử dụng sản phẩm là chim di cư; quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hữu Thiện - Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang sửa đổi Nghị định 06//2019/NĐ-CP, trước đây ghi là “động vật rừng” nên việc xử lý đối với các loài “chim thông thường” là chưa phù hợp. Do đó, phương án sửa đổi hướng đến quy định các loài “động vật hoang dã” là những loài sống trong sinh cảnh tự nhiên, thì sau này sẽ “quét” được tất cả các hành vi xâm hại đến các loài “chim hoang dã.”

Bẫy lưới tàng hình săn bắt chim trời được giăng trắng khắp nhiều vùng ở huyện đảo Cát Hải. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bẫy lưới tàng hình săn bắt chim trời được giăng trắng khắp nhiều vùng ở huyện đảo Cát Hải. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Về mặt quan điểm, đương nhiên xâm hại đến các loài tự nhiên hoang dã cũng là hành vi vi phạm. Do đó, lực lượng kiểm lâm phải tuyên truyền vận động để cho người dân hiểu, bởi mất đi một loài, một hệ sinh cảnh thì cũng ảnh hưởng đến ‘ngôi nhà chung;’ trong đó con người cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là gần đây có thông tin dịch bệnh lây lan từ động vật sang người,” ông Thiện nhấn mạnh.
Quay trở lại với tình trạng đang diễn ra ở đảo Cát Bà, theo ông Thiện, thành phố Hải Phòng và chính quyền các cấp địa phương cần phải khẩn trương vào cuộc và có chỉ đạo ngăn chặn, xử lý quyết liệt. Trước mắt, thành phố Hải Phòng cần thực hiện theo Chỉ thị 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã của Thủ tướng Chính phủ; rà soát lại các khu vực thường xảy ra tình trạng bẫy bắt chim để xử lý triệt để.
Về phía Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thanh Nhàn cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân, không để xảy ra vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ loài hoang dã.
Mặt khác, theo Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà, để ngăn chặn nạn bẫy bắt chim trời, cần thực hiện tổng hòa các giải pháp, từ truyền thông, nâng cao nhận thức đến hoàn thiện các chế định pháp luật có liên quan cũng như tăng cường hiệu quả thực thi.
“Rõ ràng, việc tuyên truyền và gỡ bẫy thôi là không đủ, chúng ta cần nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm và dùng những ví dụ minh họa này để giáo dục rộng rãi đến cộng đồng về những hậu quả pháp lý,” bà Hà nói.
Mai Mạnh - Trang Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm