Phóng sự - Ký sự

Bài 4: Tỉnh Bình Thuận nói gì về đất bỏ hoang?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Được sự ủy quyền của UBND tỉnh Bình Thuận, vừa qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận (BQLCKCN) đã cung cấp thông tin cho phóng viên. Dù đất bỏ hoang nhiều nhưng vị lãnh đạo này vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thu hồi hàng nghìn hecta đất nông nghiệp khác...

Đất trống trong KCN Hàm Kiệm 1. Ảnh Bùi Phụ.
Đất trống trong KCN Hàm Kiệm 1. Ảnh Bùi Phụ.
Dãy biệt thự trong khu công nghiệp
Như bài trước chúng tôi đã phản ánh, tỉnh Bình Thuận cũng thu hồi hàng nghìn hecta đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp ( \KCN). Điều khác Ninh Thuận là Bình Thuận được nhiều chuyên gia nhận định đầu tư KCN rất bài bản, hiện đại nhưng nhiều nơi vẫn không thu hút nhà đầu tư thứ cấp...
Một trong những KCN hiện đại là KCN Hàm Kiệm 1 ( huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) với tổng diện tích khoảng gần 133 hecta. Khu này thu hồi đất vào năm 2007 và hầu hết diện tích thu hồi là đất nông nghiệp do gần 170 hộ gia đình và người dân sử dụng canh tác phải giao đất làm KCN. 
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã có luôn dự án gồm 20 khối nhà chung cư và 72 căn biệt thự dành cho chuyên gia cùng các tiện ích phục vụ cho đời sống sinh hoạt của cư dân như: nhà trẻ, trường học, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, công viên… Dự án cung cấp chỗ ở cho 18.000 lao động làm việc tại KCN Hàm Kiệm 1 và vùng lân cận.
Các ngành nghề: kéo sợi – dệt may; chế biến thực phẩm đóng hộp, nước giải khát; sản xuất hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, bao bì các loại, giày da (không thuộc da); cơ khí lắp ráp, sản xuất cấu kiện cơ khí; chế biến gỗ gia dụng, thủ công mỹ nghệ; sản xuất gạch men, gốm sứ phục vụ trang trí nội thất; lắp ráp đồ điện tử, điện gia dụng, linh kiện máy tính…
Việc này là tạo điều khiện cho các nhà đầu tư làm theo diện"khép kín", nhưng đã qua nhiều năm, KCN tỷ lệ lắp đầy chỉ khoảng 43%. 

Bảng báo Khu đô thị trong KCN Hàm Kiệm 1. Ảnh Bùi Phụ.
Bảng báo Khu đô thị trong KCN Hàm Kiệm 1. Ảnh Bùi Phụ.
Tỉnh Bình Thuận nói gì về chủ trương thu đất nông nghiệp?
Được sự ủy quyền của UBND tỉnh Bình Thuận, vừa qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận (BQLCKCN) đã cung cấp thông tin cho phóng viên.
Theo BQLCKCN, quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 là 9 KCN và đến nay thành lập 7. Các KCN bước đầu đã đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào ngân sách nhà nước hằng năm và giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, thu hút được 84 dự án đầu tư thứ cấp. Diện tích đất công nghiệp cho thuê chiếm khoảng 454 hecta, đạt tỷ lệ lấp đầy 61% của các KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng.
PV đặt câu hỏi, nhiều hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi hiện nay ra sao, tỉnh có hỗ trợ gì cho những hộ này?
BQLCKCN Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh ban hành quyết định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất… Đặc biệt, mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hình thức bằng tiền mức 2,5 (hai phẩy năm) lần giá đất nông nghiệp cùng loại theo bảng giá đất mà UBND tỉnh đã quy định đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi. 
Nhìn chung, các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng KCN đều được xem xét bố trí tái định cư, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nên có cuộc sống ổn định.

Đất trống trong KCN Hàm Kiệm 1. Ảnh: Bùi Phụ.
Đất trống trong KCN Hàm Kiệm 1. Ảnh: Bùi Phụ.
Riêng việc thu hồi đất đến nay nhiều nơi vẫn bị bỏ hoang, gây lãng phí vì nông dân không có đất sản xuất nông nghiệp…,  BQLCKCN Bình Thuận cho rằng, tỉnh đã chỉ đạo lựa chọn thực hiện các KCN trên vùng đất bạc màu, đất cằn cỗi, sỏi đá, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp. Việc hình thành một KCN không phải một sớm một chiều, có những KCN mất hàng chục năm để hình thành, trải qua nhiều giai đoạn, mất rất nhiều thời gian cho công tác đền bù giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN. Đặc biệt là công tác thu hút, kêu gọi đầu tư vào KCN phụ thuộc rất nhiều vào tiềm năng lợi thế so sánh giữa các tỉnh trong khu vực.
Trong thời gian qua, Ban Quản lý các KCN cùng với các sở ngành và các chủ đầu tư hạ tầng KCN đã nỗ lực xúc tiến kêu gọi đầu tư nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan như suy thoái kinh tế, dịch bệnh…, kết quả thu hút các nhà đầu tư vào các KCN chưa đạt như mong muốn…
BQLCKCN Bình Thuận cho rằng các KCN trên địa bàn tỉnh có vị trí kém thuận lợi trong thu hút đầu tư công nghiệp. Những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thu hút đầu tư là do xa cảng nước sâu, rất khó khăn khi vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; sân bay, đường cao tốc chưa hình thành… nên chi phí vận chuyển hàng hóa khi đầu tư vào các KCN Bình Thuận tăng hơn so với các KCN khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cổng KCN Hàm Kiệm 1 nhìn từ QL 1 vào. Ảnh Bùi Phụ.
Cổng KCN Hàm Kiệm 1 nhìn từ QL 1 vào. Ảnh Bùi Phụ.
Tiếp tục thu hồi thêm hơn 1.500 hecta đất làm KCN
Ông Phùng Hữu Cư, Trưởng Ban QLCKCN Bình Thuận khẳng định, thời gian tới sẽ đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các Sở ban ngành và địa phương tập trung tối đa để phát triển 2 KCN mới Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II.
Theo đó, KCN Sơn Mỹ I nằm trên địa bàn xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, cạnh QL 55 nối tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu, cách cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép 60 km. Khu này có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1.000 hecta và đất công nghiệp cho thuê khoảng 740 hecta.
KCN này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, dự kiến đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp vào cuối năm 2020.
KCN Sơn Mỹ II (liền kề với KCN Sơn Mỹ I) với tổng diện tích đất tự nhiên 540 hecta và diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 330 hecta. Khu này đang trong giai đoạn phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, dự kiến đầu tư xây dựng và thu hút các dự án thứ cấp sau năm 2020.
Theo DV 

Có thể bạn quan tâm