Phóng sự - Ký sự

Bài 7: Trên quê hương người lái đò A Sanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.

(GLO)- Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ở Gia Lai ba người anh hùng thời chống Mỹ có tên trong 3 ca khúc nổi tiếng, mỗi người đại diện cho một dân tộc ở địa phương: Anh hùng Núp (Bahnar), Anh hùng A Sanh (Jrai) và Anh hùng Bùi Ngọc Đủ (Kinh).

Quê A Sanh ở làng Nú, xã Ia Krái (nay là Ia Khai), huyện Ia Grai. Thiên nhiên đã ưu ái cho cộng đồng người Jrai sống ven sông Pô Cô này khi tạo cho lòng sông nhiều ghềnh đá ở đoạn chảy qua làng. Từ bao đời người làng Nú đã sinh sống bằng hai nghề: Làm rẫy và chài lưới. Rẫy nương thì cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, khi con ong rừng bắt đầu đi lấy mật là chặt cây chuẩn bị cuối mùa khô đốt. Làm rẫy này vài năm lại chuyển qua rẫy khác, đi hết một vòng cũng phải chục năm, cây cối ở rẫy cũ đã lên cao. Một đời người làm chừng vài ba vòng rẫy là may mắn lắm rồi.

Dòng Pô Cô.

Còn đánh bắt cá trên sông Pô Cô chủ yếu bằng thuyền độc mộc, đây là những con thuyền làm từ thân cây gỗ sao, dài chừng chục mét, đục rỗng ở giữa, rất chắc chắn để có thể chịu được những cú va chạm vào đá. Vài ba nhà có một thuyền, gác trên bãi cát ven sông. Trong làng, lưới phơi trước hiên nhà, thi thoảng lại gặp những phụ nữ ngồi đan lưới như ở làng biển.

Từ nhỏ Puih San (tên thật của A Sanh) đã quen đánh cá trên sông Pô Cô bằng thuyền độc mộc, lớn lên tham gia lực lượng vũ trang địa phương, chèo thuyền đưa bộ đội sang sông và trở thành anh hùng bằng chính công việc này. Sau ngày giải phóng ông tiếp tục công tác ở quân đội rồi về hưu sống ở làng Pi mới gần ngã ba Ia Krái và mất ở đó. Tôi nhớ mãi lần gặp ông vào khoảng năm 1994-1995, khi ông chưa được phong anh hùng.

Tây Nguyên đang mùa mưa, con đường từ ngã ba Ia Krái vào làng Nú, làng Djom lầy lội, trơn như mỡ. Vật lộn với chiếc xe máy dính đất nhão hơn giờ đồng hồ, đến được làng Nú mới biết gia đình ông đã chuyển ra làng Pi mới. Lại trở ra. Bấy giờ chính quyền địa phương đã xây cho ông một ngôi nhà nhỏ lợp ngói nhưng ông vẫn ở nhà sàn phía sau. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá: Vài cái nia, hũ, ghè… ám khói, trên giàn bếp treo mấy trái bắp giống. Quá trưa thì Puih San cũng về. Đó là một người đàn ông đứng tuổi cao trên mét bảy, gầy nhưng quắc thước. Câu đầu tiên ông hỏi chúng tôi là ăn cơm chưa rồi lầm lũi lấy nồi vo gạo nấu cơm.

Bữa trưa chỉ có rau ngót, muối sả nhưng chúng tôi ăn rất ngon. Puih San kể cho chúng tôi câu chuyện của hơn 30 năm trước. Đêm ấy bộ đội sang sông nhiều lắm. Thường mỗi thuyền chỉ chở vài chục người nhưng lần này nói mãi bộ đội vẫn trèo lên đầy thuyền. Và sau đợt pháo sáng, thuyền lắc mạnh, chao đảo rồi chìm… Puih San chậm được phong anh hùng là vì vậy!

Sông Pô Cô và làng cũ của A Sanh giờ thay đổi nhiều. Trên sông đã xây dựng các công trình thủy điện 3A, 4, 4A. Làng Nú và làng Djom dời đi nhường chỗ cho lòng hồ vắng dần những con thuyền độc mộc Pô Cô…

Khu vực ngã ba Ia Krái bây giờ là một thị tứ sầm uất, nhiều cửa hàng tạp hóa, nông sản và có cả tuyến xe khách đi TP. Hồ Chí Minh ngày một chuyến. Cuộc chuyển dịch từ nền sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa chỉ mất thời gian ngắn là người Jrai nơi đây quen dần. Các loại cây công nghiệp như: Cao su, cà phê, điều, hồ tiêu thay thế cây lúa cạn trước đây và nhanh chóng chứng tỏ thế mạnh kinh tế của mình. Với sự hiện diện của các Công ty Cà phê 705, Cao su 715, làng nào cũng gần rừng cao su, lô cà phê, nhà nào trồng nhiều thì hàng ngàn, ít cũng dăm bảy trăm trụ tiêu, mỗi năm thu về nhiều chục triệu đồng trở lên, không như trước kia làm một vòng rẫy mà nhà vẫn thiếu ăn.

Gần biên giới nhưng không có khoảng cách không gian. Sáng sáng trong các quán cà phê bên đường, người dân trò chuyện với nhau về tình hình quốc tế, về giá xăng dầu, giá ô tô… trước khi vào lô cao su, cà phê hay vào trực ca nhà máy…

Từ TP. Pleiku nếu muốn lên các xã Ia O, Ia Krái, Ia Khai, trước kia phải đi mất một ngày, nay thì chỉ hơn một giờ ô tô là đến nơi. Đổ nước vào hồ Sê San phục vụ cho việc phát điện của các nhà máy, dòng Pô Cô không ầm ào vượt qua ghềnh thác nữa mà lặng lẽ ôm ấp buôn làng, tiếp tục nuôi sống cư dân trong vùng trước khi đưa nước xuôi về Mê Kông… Có dịp lên Pô Cô ngoạn cảnh, thi thoảng bạn sẽ gặp trên sông vài chiếc thuyền độc mộc và lời ca “Pô Cô ơi, dòng sông xanh biếc…” bỗng chợt cất lên tưởng như A Sanh vẫn còn đâu đây…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm