Phóng sự - Ký sự

Bãi cạn đang hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vùng bãi cạn suốt dọc 105 km bờ biển tỉnh Ninh Thuận đang từng bước hồi sinh nhờ sự đổi thay nhận thức của chính người dân vùng ven biển.
Tờ mờ sáng, khi triều vừa rút, cũng như nhiều người dân thôn Mỹ Hiệp (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), chị Trần Thị Nga có mặt trên bãi triều để tìm chút "lộc biển". Hơn 21 năm ròng, chị Nga quen với công việc này.
Nguồn lợi nhanh chóng cạn kiệt
Chị Nga ngậm ngùi kể: "Trước đây, các loại hải sản ở bãi cạn này nhiều lắm. Mỗi khi triều rút là chúng tôi ra đây kiếm sống. Người bắt tôm cua, ốc, cá, cầu gai; người cạo rong, hái rau câu, đào trùn biển. Đủ các loại. Ai lười lắm cũng kiếm đủ cơm cho gia đình. Giờ thì khác. Tôi đi từ sáng sớm mà đến giờ chỉ bắt được mấy con ốc bé tí thế này". Chị đưa cái thau nhỏ cho chúng tôi xem trong đó có chừng vài chục con ốc biển.
Những người làm nghề nhặt "lộc biển" như chị Nga giờ không còn nhiều, vì hải sản tự nhiên trên những bãi này đã cạn kiệt. Sự hào phóng của biển cả cuối cùng cũng không đáp ứng nổi lòng tham của con người. Việc lén lút sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác hải sản, đào bới san hô bắt trùn biển để bán, đánh bắt hải sản bằng phương tiện có tính hủy diệt… đã nhanh chóng làm nguồn lợi thủy sản ở các vùng bãi cạn ven biển Ninh Thuận cạn kiệt.
Nhưng đấy là chuyện của mấy năm trước, dạo chúng tôi về Mỹ Hiệp. Bây giờ thì những người dân thôn Mỹ Hiệp như chị Nga đang có những hy vọng mới.
Thu hoạch rong sụn tại vùng bãi cạn thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận
Thu hoạch rong sụn tại vùng bãi cạn thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận
Tận mắt chứng kiến vùng bãi cạn ngày càng bị tàn phá, cựu chiến binh Nguyễn Đoàn không thể ngồi yên. Phải làm điều gì đó để bảo vệ bãi rạn, bảo vệ nơi kiếm sống của hàng ngàn con người? Đó là động cơ thúc đẩy ông tự nguyện đi vận động những người trong thôn Mỹ Hiệp thành lập tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô. Cuộc đấu tranh giữa những người tự nguyện bảo vệ môi trường biển với các đối tượng khai thác hải sản mang tính hủy diệt bắt đầu diễn ra quyết liệt từ đó.
Tôm, cá trở về trú ngụ
Tổ cộng đồng bảo vệ san hô Mỹ Hiệp với các thành viên là những người trong thôn tự nguyện tham gia.
Công việc hằng ngày của tổ là bám sát hiện trường tuyên truyền, nhắc nhở, ngăn chặn không cho các đối tượng vào bãi rạn săn bắt, hủy hoại môi trường. Việc làm của họ đã dần làm thay đổi nhận thức về sinh kế của nhiều người dân vùng biển, góp phần tái tạo môi trường cho tôm, cá quay về sinh sản.
Ông Nguyễn Văn Lâu, Trưởng thôn Mỹ Hiệp, khẳng định: "Nhờ ý thức bảo vệ của cộng đồng mà đến nay, tuy vẫn chưa dồi dào như trước nhưng nguồn lợi thủy sản ở bãi rạn san hô này đang từng bước phục hồi, người dân bớt khó khăn hơn".
Tinh thần tự nguyện bảo vệ môi trường để bảo đảm mưu sinh cho cộng đồng ở thôn Mỹ Hiệp nhanh chóng lan ra các làng chài ven biển. Cách thôn Mỹ Hiệp không xa là các bãi rạn thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải) và thôn Mỹ Hòa, Thái An (xã Vĩnh Hải). Với hơn 84 ha thảm cỏ biển, bao đời nay người dân thôn Mỹ Hòa được hưởng lợi từ nhiều loại thủy sản, nhất là các loại rau biển. Tám thành viên Tổ tình nguyện bảo vệ thảm cỏ biển thôn Mỹ Hòa ngày đêm bám biển, kịp thời ngăn chặn các đối tượng khai thác gây tác hại đến môi trường.
Không chỉ bảo vệ rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi triều… người dân thôn Mỹ Hòa còn cùng Ban Quản lý Vườn Quốc gia núi Chúa trồng và bảo vệ hơn 10 ha rừng ngập mặn chạy dọc ven biển vùng bãi ngang với mong muốn không lâu nữa, một cánh rừng ngập mặn sẽ chạy dọc ven biển, là nơi chắn sóng gió, bảo vệ hệ sinh thái biển, là mái nhà chung cho tôm cá trở về trú ngụ, tạo nên nguồn thủy sản dồi dào nuôi sống người dân.
Tổ bảo vệ cộng đồng thôn Mỹ Hòa chăm sóc rừng ngập mặn
Tổ bảo vệ cộng đồng thôn Mỹ Hòa chăm sóc rừng ngập mặn
Ông Lê Ráng, thành viên Tổ tình nguyện bảo vệ thảm cỏ biển thôn Mỹ Hòa, tâm sự: "Ở bãi ngang này cứ đến mùa gió là bà con rất khổ. Gió mạnh thổi tung mọi thứ, đất thì sạt lở. Được nhà nước quan tâm trồng rừng ngập mặn chắn sóng, bà con chúng tôi rất mừng và cùng nhau tự nguyện bỏ công, bỏ sức để chăm sóc và bảo vệ rừng khỏi bị kẻ gian đào trùn biển phá hoại cây".
Bãi Thịt thuộc Vườn Quốc gia núi Chúa, là nơi khốc liệt nhất về việc săn bắt rùa biển, hủy hoại môi trường. Sở dĩ có tên Bãi Thịt bởi ngày trước, đây là nơi rùa biển bị săn bắt, xẻ thịt mỗi ngày khi từ khơi xa vào đây đẻ trứng. Rùa biển vì thế giảm dần và đến hồi cạn kiệt.
Là tổ trưởng Tổ tình nguyện bảo vệ cứu hộ rùa biển với 6 thành viên, anh Ngô Văn Danh hiểu sâu sắc công việc mình làm. Nhiều năm qua, những "báu vật đại dương" dưới bàn tay yêu thương, đùm bọc của anh và tổ tình nguyện đã được quay về biển. Hàng chục ổ trứng tại những nơi không an toàn đã được họ đưa về ấp nở và chăm sóc cho đến khi đủ điều kiện về với đại dương.
Giờ đây, hơn 2.030 ha mặt biển, 4 bãi san hô, 230 ha thảm cỏ biển và hàng chục km bãi triều vùng cạn suốt từ thôn Mỹ Hiệp đến vùng vịnh Vĩnh Hy đều có các tình nguyện viên ngày đêm giám sát và cứu hộ. 22 thành viên tình nguyện nòng cốt thường xuyên tuần tra, kịp thời ngăn chặn các đối tượng xâm hại môi trường biển.
Việc làm tự nguyện của họ tác động đến nhiều người, nhiều nhà, nhiều lứa tuổi, nhiều địa phương và phong trào tự nguyện tham gia bảo vệ, tái tạo môi trường biển dần lan tỏa ở hầu hết các địa phương dọc ven biển tỉnh Ninh Thuận.
Nhiều lúc khốc liệt
Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng đang tích cực nhất trong việc cùng người dân bảo vệ môi trường biển.
Bên cạnh việc bám sát địa bàn, tuyên truyền vận động người dân không sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện khai thác trái phép, cán bộ các đồn biên phòng Thanh Hải và Vĩnh Hy còn phối hợp người dân địa phương tổ chức tuần tra, truy quét các vùng trọng điểm, qua đó kịp thời ngăn chặn các đối tượng vận chuyển, sử dụng chất nổ trái phép.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hy tuần tra cùng người dân thôn Mỹ Hiệp. ẢNH: NGỌC TRUNG
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hy tuần tra cùng người dân thôn Mỹ Hiệp. ẢNH: NGỌC TRUNG
Thượng tá Bùi Toản, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Hải, nói: "Nhiều năm qua, chúng tôi kết hợp chặt chẽ với địa phương để đấu tranh bảo vệ môi trường biển. Nhờ kết hợp với người dân và các tổ tình nguyện bảo vệ môi trường mà chúng tôi có thêm thông tin để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc, bảo vệ môi trường sinh thái".
Cuộc đấu tranh giữa những người bảo vệ môi trường với những kẻ khai thác trái phép, tận diệt môi trường nhiều lúc diễn ra khốc liệt. Cách đây không lâu, cán bộ Vườn Quốc gia núi Chúa là anh Lê Đình Tuệ đã ngã xuống trong khi ngăn cản các đối tượng vào đào trùn biển. Cái chết oan uổng của anh đã nói lên tính ác liệt của công việc bảo vệ môi trường, đồng thời làm lay động lương tâm của những người đang mưu sinh trên vùng bãi cạn.
Theo ngành chức năng, diện tích rạn san hô ven bờ cũng như thảm cỏ biển của huyện Ninh Hải đang tăng nhanh trong những năm qua. Cùng với đó là sự hồi phục của hải quỳ, cá khoang cổ, bào ngư, ốc nhảy... Đây là những kết quả đáng mừng, chứng tỏ tài nguyên tự nhiên biển đang hồi sinh. 
Ổn định theo hướng bền vững
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đánh giá cao ý thức tự nguyện bảo vệ môi trường của người dân ven biển trong những năm gần đây. Theo ông Nam, nhờ ý thức bảo vệ cộng đồng mà môi trường biển được giữ gìn và nguồn lợi thủy sản được tái tạo. Tỉnh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giúp người dân ven biển phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới, các địa phương ven biển tiếp tục phát triển mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường biển. Tỉnh cũng tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nhằm giúp người dân đầu tư khai thác và nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống theo hướng bền vững.
Ninh Thuận có chiều dài bờ biển trên 105 km với nhiều bãi san hô, bãi triều, đầm vịnh và vùng nước nông có diện tích hàng ngàn hecta mặt nước trải dài qua 15 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố có thể nuôi trồng thủy, hải sản.
Theo Như Thừa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm