Bài cuối: Cải cách hành chính góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cải cách hành chính chính là động lực góp phần công khai minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính ở cơ quan công quyền; giảm thời gian chờ đợi trong quá trình giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan nhà nước và tạo điều kiện thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào địa phương cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan công quyền trước dân.

Chuyển biến trên nhiều lĩnh vực

Nhằm nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp và công dân về dịch vụ hành chính công, hàng năm UBND tỉnh thường xuyên rà soát, tổ chức kiểm tra công tác về cải cách hành chính, trong đó đặt mục tiêu rà soát các quy định thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực mà dư luận bức xúc như: đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai… Trên cơ sở đó để các sở, ban ngành tỉnh, địa phương tiếp tục chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tiến hành rà soát các quy định, thủ tục hành chính (TTHC) đã được duyệt.

 

Người dân đến giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa hiện đại”.
Người dân đến giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa hiện đại”.

Đến nay toàn tỉnh đã có 222/222 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa; 17/17 đơn vị cấp huyện và 16/18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông (Thanh tra tỉnh và Ban Dân tộc chưa thực hiện cơ chế một cửa); 2 đơn vị thực hiện một cửa điện tử (TP. Pleiku và huyện Chư Sê). Trong năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành 12 quyết định, công bố 667 TTHC thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó công bố mới 510 thủ tục, công bố sửa đổi 54 thủ tục, công bố bãi bỏ 401 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện; tiếp nhận xử lý 19 phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy định hành chính.

Trên cơ sở cải cách TTHC tinh gọn để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh cũng sắp xếp lại tổ chức bộ máy ngành Y tế, thành lập 26 tổ chức, kiện toàn 4 tổ chức (hầu hết là các đơn vị sự nghiệp giáo dục và các đơn vị sự nghiệp khác phục vụ quản lý nhà nước của sở, huyện); thẩm định phân bổ 3.072 biên chế công chức, 26.259 biên chế sự nghiệp và 1.174 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68…

Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong năm 2012, toàn tỉnh đã tạo điều kiện cho 31 công chức, viên chức đi học sau đại học, mở 3 lớp trung cấp (Luật, nông lâm, công an) cho 192 học viên, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, quốc phòng-an ninh, tiếng Anh, tin học… cho 11.496 cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện, xã; tiếp tục duy trì 15 lớp trung cấp chuyên môn, 4 lớp đại học và 3 lớp đào tạo ngành quân sự cơ sở cho 1.257 học viên mở từ những năm trước; tạo điều kiện cho 123/125 đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, văn hóa-thông tin, nông-lâm nghiệp tự chủ về tài chính công…

Kết quả đó góp phần tiến tới xây dựng nền hành chính chính quy, hiện đại, cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước với công dân, khắc phục sự chồng chéo chức năng, thẩm quyền, thể chế hóa các quy định lề lối, phương pháp làm việc của tập thể, cá nhân.

Từng bước hoàn thiện, minh bạch

 

 

Bên cạnh một số kết quả đạt được, việc triển khai, thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm sâu sát và đồng bộ; vẫn còn tồn tại tình trạng chậm cập nhật, chậm rà soát, bổ sung TTHC đã được Chính phủ, bộ ngành sửa đổi, đơn giản hóa để đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố. Công tác thanh tra, tự kiểm tra của các sở, ngành, địa phương đối với công tác tuân thủ TTHC chưa được các đơn vị quan tâm, duy trì thường xuyên.

Trong năm 2012, qua kiểm tra tại 8 đơn vị thì có 4 đơn vị chưa ban hành kế hoạch cải cách hành chính (Sở Công thương, huyện Chư Pah, huyện Chư Prông, TP. Pleiku); 2 đơn vị (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công tác trình UBND tỉnh công bố TTHC chưa thực hiện kịp thời hoặc thực hiện không đúng quy định về thời hạn trình công bố TTHC. Ngoài ra, vẫn tồn tại khá phổ biến tại một số đơn vị, địa phương tình trạng hồ sơ TTHC giải quyết, không tuân thủ đúng thành phần, số lượng, thời hạn giải quyết, mẫu đơn, tờ khai…

Ở một số lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đăng ký kinh doanh vẫn còn tình trạng yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần và chậm trễ giải quyết gây nhiều dư luận bức xúc cho công dân. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do đánh giá chưa đúng về vai trò, mục đích và các nội dung cụ thể của công tác kiểm soát TTHC. Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác cải cách TTHC vẫn chưa đồng bộ, rõ ràng, cụ thể. Căn cứ pháp lý của TTHC có tính ổn định không cao.

Hệ thống văn bản của các bộ, ngành ở Trung ương quy định về thủ tục hành chính không tập trung mà nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, chưa thống nhất tại một văn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cơ quan nhà nước trong quá trình áp dụng, thực hiện. Ngoài ra, ngay chính bộ phận một cửa, điều kiện về diện tích làm việc, bố trí nơi ngồi chờ cho công dân đến giao dịch vẫn chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ. Kinh phí phục vụ công tác kiểm soát TTHC chưa được các đơn vị, địa phương lập dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo thực hiện…

Những khó khăn trên ít nhiều là rào cản trong công tác cải cách hành chính. Hy vọng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, thời gian đến công tác cải cách hành chính sẽ có những chuyển biến tích cực về mức độ hài lòng của công dân và nâng cao chỉ số cạnh tranh để góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm