Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: Chung tay đẩy lùi hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Thuốc thư” là một niềm tin mù quáng. Do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên niềm tin này vẫn tồn tại dai dẳng và gây ra biết bao sóng gió ở chốn làng quê. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để xóa bỏ hủ tục này…


Lời sám hối muộn màng

Bản án 18 năm tù với Nay Loang-kẻ đã gây ra vụ giết người vì nghi “thuốc thư” tại buôn Djret, xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người dân còn mê muội tin vào hủ tục này. Gặp Nay Loang trong Trại tạm giam T20 của Công an tỉnh, câu đầu tiên khi nói về những lỗi lầm của mình, Loang nghẹn ngào: “Giờ em hối hận lắm!”.

 

Đối tượng Ksor Cheo tại trại giam. Ảnh: H.V

Cuộc đời của Loang nếu không vướng vào vòng lao lý thì chắc cũng sẽ có một tương lai tốt đẹp bên vợ con. Là một thanh niên hiền lành, chăm chỉ, Nay Loang cũng đã học hết lớp 12 và từng theo học Trung cấp Lâm sinh. Dù chưa có công việc ổn định, nhưng với vốn kiến thức của mình, Loang cũng áp dụng vào thực tế để giúp gia đình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, chỉ vì một phút giây nông nổi và niềm tin mù quáng đã đẩy cuộc đời Loang rẽ sang một hướng khác: “Thực sự em cũng không tin có “thuốc thư” đâu. Nhưng sự việc hôm đó xảy ra bất ngờ, khi em không uống ly rượu của ông Phu mời mà đổ đi, nhiều người trong làng đã nói với em ông Phu có “thuốc thư”, nếu không đưa cho ông Phu 3 con bò để xin lỗi thì cả nhà sẽ chết. Bắt đầu từ lúc đó em thấy sợ, lại thêm đã uống rượu nên không suy nghĩ được gì cả, chỉ nghĩ rằng nếu mình giết ông Phu thì ông ấy không “thư” mình được nữa và gia đình cũng không phải mất bò. Đến bây giờ, khi suy nghĩ lại em mới thấy mình quá dại dột, làm gì có “thuốc thư” mà phải sợ, để bây giờ phải vướng vào tù tội và để gia đình, vợ con phải khổ…”.

Cũng vướng vào vòng lao lý vì hành vi che giấu tội phạm trong vụ án giết người của Nay Loang, ông Ksor Cheo đã tự dằn vặt bản thân: “Cũng vì lời đồn đoán của dân làng về “thuốc thư” mà chúng tôi phải bị tù tội. Lúc đó, sự việc diễn ra bất ngờ quá, tôi cũng không kịp can ngăn. Sau đó một phần vì thương thằng Loang, rồi nghĩ lại những lời nói của dân làng việc ông Phu có “thuốc thư”, nên tôi không tố cáo nó. Bây giờ thì mọi chuyện cũng đã muộn, tôi mong rằng sau này dân làng đừng tin vào những điều vô lý này nữa và không ai phải chịu tù tội như tôi và thằng Loang…”.      

Chung tay đẩy lùi hủ tục

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2015, trên địa bàn xảy ra 13 vụ có liên quan đến “ma lai, thuốc thư”, tại 16 làng, ở 14 xã của 7 huyện, thị xã. Hậu quả làm 1 người chết, 6 người bị thương. Còn chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, số vụ nghi “thuốc thư” trên địa bàn tỉnh đã là 8 vụ. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự tồn tại dai dẳng và diễn biến phức tạp của hủ tục này trong một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

 

Đối tượng Nay Loang tại trại giam. Ảnh: H.V

Theo Thượng tá Lê Ngọc Tươi-Phó Trưởng phòng PA88, Công an tỉnh: “Qua thực tế giải quyết những vụ nghi “thuốc thư”, có thể thấy, một số người dân còn tin vào sự tồn tại của “thuốc thư”, kể cả cán bộ xã. Do vậy, khi có sự việc xảy ra, họ còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy không dám đứng ra vận động bà con dẫn đến khó khăn trong công tác xóa bỏ hủ tục này. Nếu như chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, nắm tình hình kịp thời và hòa giải các mâu thuẫn, tránh để sự việc âm ỉ kéo dài trong nhân dân thì hủ tục sẽ dần bị xóa bỏ”.

Để hạn chế đến mức tối đa những hệ lụy xuất phát từ hủ tục “thuốc thư”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền xóa bỏ hủ tục “ma lai, thuốc thư” và đã biên dịch ra tiếng Jrai, Bahnar để tổ chức tuyên truyền tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Để loại bỏ được hủ tục này, thiết nghĩ bên cạnh việc tập trung tuyên truyền vận động thì cần củng cố hệ thống chính trị cơ sở thôn, làng vững mạnh, đủ sức giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến “ma lai, thuốc thư”, không để các phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, không để hình thành các điểm “nóng” làm mất an ninh trật tự. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho người uy tín, già làng, trưởng thôn, lực lượng cốt cán tại các thôn, làng về công tác tuyên truyền, phản bác tin đồn liên quan đến “ma lai, thuốc thư”, nhất là số lực lượng cốt cán là người dân tộc thiểu số. Ngành Y tế cũng cần tập huấn cho các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa về công tác phòng-chống bệnh truyền nhiễm có nguy cơ dẫn đến dịch bệnh. Đồng thời khi có vụ việc liên quan đến “ma lai, thuốc thư” cần có biện pháp khám-chữa bệnh để có kết luận về nguyên nhân gây bệnh, ổn định tình hình tư tưởng trong nhân dân. Để không còn nỗi đau mang tên “ma lai, thuốc thư”, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể của tỉnh cần chung tay góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm