Bài cuối: Công sở chưa tương xứng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với tiền lương, phụ cấp, các chế độ đãi ngộ, chính sách khen thưởng, công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng… thì điều kiện, môi trường công tác là một trong yếu tố tạo động lực làm việc của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, tại tất cả xã, phường, thị trấn trong tỉnh đang thực hiện cơ chế “một cửa” hiện nay thì mới chỉ có 144 trụ sở được xây dựng kiên cố, 78 trụ sở là nhà cấp 4; mới chỉ có 90% xã, phường, thị trấn được trang bị máy tính, trang bị bàn ghế làm việc tương đối đầy đủ.

Thực tế cho thấy, điều kiện, môi trường làm việc tại công sở chưa tương xứng với vị thế công quyền là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong công tác.

Thiếu phòng làm việc

Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã-N.V) không chỉ là tòa nhà và khuôn viên đất được sử dụng vào mục đích làm việc của cơ quan chính quyền cấp xã mà còn là nơi thể hiện bộ mặt của một chính quyền cấp cơ sở, trong sự tôn nghiêm vốn có và nét văn minh, văn hóa đặc trưng. Bởi vậy, trụ sở làm việc của UBND cấp xã cần phải được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, hiện đại với hệ thống cầu thang, hành lang, công trình vệ sinh, điện nước, kỹ thuật đồng bộ khép kín đảm bảo tiêu chuẩn.

 

Bộ phận “một cửa hiện đại” ở TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T
Bộ phận “một cửa hiện đại” ở TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T

Điều này cũng đã được thể hiện rõ tại Quyết định số 23/2012/QĐ-TTg ngày 31-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước cấp xã.

Theo ghi nhận của P.V tại một số địa phương trong tỉnh, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức ở hầu hết các UBND cấp xã đều đang gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất nghèo nàn với phòng ốc chật chội, có phần tạm bợ, chắp vá;  trang-thiết bị thiếu hoặc có mà không được trang bị đồng bộ, đúng quy chuẩn là điều thường gặp, cá biệt có nơi còn tình trạng không đủ phòng làm việc, những người đứng đầu xã như Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã được tạm… ngồi chung trong suốt mấy năm qua.

Trao đổi với P.V về những khó khăn mà địa phương đang gặp phải, ông Đinh Ơng- Chủ tịch UBND xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa cho biết: Trụ sở UBND xã gồm một dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1986; để khắc phục tình trạng mưa dột nắng tràn, năm 2002, xã đã thay sửa lại phần mái tôn. Cũng trong năm 2002, xã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng thêm một dãy nhà làm việc mới. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất từ phòng ốc đến trang-thiết bị vẫn chưa đáp ứng được đúng với yêu cầu công việc.

Từ nhiều năm qua, để khắc phục tình trạng thiếu phòng làm việc, các cán bộ của xã đã phải chịu tình cảnh… ngồi chung một phòng. Cụ thể: Chủ tịch UBND xã ngồi cùng phòng với Phó chủ tịch UBND xã, phụ trách kinh tế; Phó chủ tịch UBND xã phụ trách văn xã thì ngồi chung với 2 cán bộ văn phòng… trong một không gian chật hẹp, diện tích khoảng 12 m2. Phòng làm việc của Hội Phụ nữ xã thì được tận dụng từ căn nhà do Công an tỉnh xây để ở cho cán bộ khi làm nhiệm vụ tăng cường tại xã.

Sống chung với… ô nhiễm

Thiếu phòng làm việc, thiếu trang-thiết bị… là vấn đề nan giải không chỉ của riêng xã Hà Bầu, việc này dù sớm hay muộn, khi được nhà nước quan tâm, đầu tư kinh phí thì cũng sẽ sớm được khắc phục. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn đã và đang diễn ra tại hầu hết các cơ quan nhà nước chính là tình trạng mất vệ sinh nơi công sở.

Tại trụ sở UBND xã Ayun (huyện Chư Sê), theo một cán bộ ở đây cho biết, công trình vệ sinh được xây dựng không đạt chuẩn, nguồn nước không được đáp ứng kịp thời, mặt khác ý thức giữ gìn vệ sinh chung của cả cán bộ, công chức và người dân đến liên hệ làm việc chưa cao đã dẫn đến tình trạng mất vệ sinh kéo dài trong suốt những năm qua. Có mặt tại trụ sở UBND xã, chúng tôi nhận thấy nhận xét của vị cán bộ nói trên là đúng. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu buồn bã. “Có ra sức dọn dẹp thì cũng thế thôi, chỉ cần sau 1 ngày tiếp dân thì tình trạng này lại tiếp diễn.

Tuy nhiên, nếu công trình vệ sinh này được bố trí nằm lùi sâu về phía sau của trụ sở và được đầu tư xây dựng đúng mức, có thêm lao công dọn dẹp hoặc chí ít là một tấm biển nhắc nhở ý thức giữ vệ sinh chung thì may ra mới giải quyết dứt điểm được”-một cán bộ xã nói.

Điều kiện làm việc không đáp ứng đúng theo yêu cầu của công việc, môi trường làm việc không đảm bảo, trong khi các chế độ đãi ngộ, tiền lương, phụ cấp chưa cao đã khiến động lực làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức giảm sút. Đề cập đến vấn đề này, ông Đinh Ơng-Chủ tịch UBND xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) nói: “Trong điều kiện hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức xã chúng tôi cũng đã tìm mọi cách để thích ứng, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, Hà Bầu sẽ được tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp trụ sở làm việc của UBND xã theo hướng đồng bộ, kiên cố, đảo bảo đúng tiêu chuẩn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức có cơ sở vật chất làm việc đảm bảo, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xã nhà phát triển kinh tế-xã hội”.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm