Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: Dấu ấn Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 3 thập kỷ (1979-2010) tính từ ngày đất nước Angkor thoát khỏi nạn diệt chủng. Dẫu còn bộn bề công việc song đến nay trên cõi hoang tàn đổ nát năm xưa, nhân dân Campuchia đã và đang nỗ lực xây dựng một đất nước tươi đẹp.
Sản xuất nông nghiệp đang chứng tỏ dần thế mạnh của mình và chỉ đứng sau nền kinh tế chủ lực của Campuchia hiện nay là du lịch. Tôi đi từ Svey Reng qua Kom Pong Thom… ngược lên đến Siem Reap, rồi từ Siem Reap xuôi về Phnom Penh, ấn tượng để lại trong tôi sâu sắc nhất là những cánh đồng lúa nước mênh mông, có lẽ còn rộng hơn cả đồng bằng miền Tây Nam bộ nước ta. Hai trong một, xe chạy trên quốc lộ 1, đi giữa bạt ngàn lúa và những cây thốt nốt mọc khá dày trên đồng. Thốt nốt thì không lạ bởi ở ta và Lào cũng có song không nhiều như Campuchia. Nhiều vậy nhưng có chủ cả đấy. Anh bạn hướng dẫn viên kể, thốt nốt cũng có cây đực cây cái (như đu đủ), chỉ cây cái mới cho nước. Giá đường thốt nốt không pha tạp là 6 USD một cân, còn rởm chỉ 2 USD.
Đoàn nhà báo Gia Lai trước Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam tại Phnom Penh. Ảnh: P.D
Đoàn nhà báo Gia Lai trước Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam tại Phnom Penh. Ảnh: P.D
Còn ruộng nước tuy nhiều vậy nhưng năng suất thấp (2,5-3 tấn/ha) và chỉ làm được một vụ, thời gian còn lại không có nước tưới. Tôi chợt nhớ cách đây chừng vài ba tháng, gạo Campuchia ồ ạt tràn sang Việt Nam, giá rẻ hơn, gạo lại ngon nên người dân khu vực biên giới các tỉnh An Giang, Kiên Giang đều chuyển sang buôn gạo. Năm 2009, Campuchia xếp thứ 13 trên thế giới về xuất khẩu gạo với 4,5 triệu tấn. Con số này trong tương lai có thể sẽ còn tăng cao hơn bởi Campuchia có đến hơn 2,6 triệu ha lúa, trong đó diện tích lúa nước 2 vụ gần 300.000 ha, lúa 1 vụ hơn 2,3 triệu ha.
Không chỉ cây lương thực, mấy năm gần đây Campuchia phát triển mạnh cây cao su trên vùng đông và đông bắc với diện tích lên đến hàng chục ngàn ha và trong tương lai gần sẽ phát triển đến xấp xỉ 50.000 ha, cao su trở thành cây thế mạnh trong nền kinh tế của Campuchia. Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp trồng cao su trên đất Cam phần lớn đều từ Gia Lai- Việt Nam sang như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, Công ty 30-4…
Dạo phố bằng Tuk Tuk. Ảnh: P.D
Dạo phố bằng Tuk Tuk. Ảnh: P.D
Hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia vào các lĩnh vực sản xuất, thương mại, tài chính và tại Cam đang diễn ra một cuộc đua tranh ngoạn mục. Năm 2009, đầu tư của Việt Nam sang Cam chỉ đứng hàng thứ 5 với 128 triệu USD, sau Trung Quốc, Nga, Singapore và Thái Lan. Đầu năm 2010, Việt Nam vươn lên đứng hàng thứ 2 với 526,7 triệu USD. Nổi bật là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đầu tư thành lập 3 công ty: Công ty Đầu tư Phát triển IDCC, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia BIDC và Công ty Bảo hiểm CVI. Ngoài ra còn có các dự án đang triển khai như: Dự án của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, dự án nhà máy sản xuất phức hợp đường, dự án khai thác boxit… Ngoài vấn đề làm ăn kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn quan tâm giúp Campuchia trong lĩnh vực an sinh xã hội. Điển hình là các đơn vị: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tài trợ không hoàn lại 4 triệu USD xây dựng Học viện Bóng đá, BIDV tài trợ 40.000 USD xây trường tiểu học ở hồ Tonlé Sap, ủng hộ quỹ Chữ thập đỏ Campuchia 900.000 USD, hỗ trợ khắc phục thiên tai 49.000 USD, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam tài trợ 100.000 USD…

Ảnh: T.P
Ruộng lúa và thốt nốt.  Ảnh: T.P
Tại Phnom Penh tôi tình cờ vào Siêu thị Vinamart bán hàng Việt trên đại lộ Monivong của Công ty V&C Import-Export. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng như bất cứ siêu thị nào, tại đây còn có phở và một số món ăn đặc sắc khác. Gặp Giám đốc Công ty còn khá trẻ-chị Lê Hồng Thuyên. Người phụ nữ quê Phú Yên này tốt nghiệp đại học chính quy ở Việt Nam rồi sang Phnom Penh làm việc cho một công ty. Cơ hội đến với chị khi Công ty làm ăn không thành công và chị mạnh dạn đứng ra vay vốn mua lại tài sản, tự mình quản lý doanh nghiệp. Hơn 10 năm trên đất khách, đến nay chị có một cơ ngơi khá bề thế với hệ thống phân phối hàng hóa vào các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ khắp Phnom Penh và một số tỉnh, thành khác trên đất nước Campuchia. Tiếp chuyện các nhà báo đồng hương, chị Thuyên nở nụ cười hiền: Em đang học kinh doanh thôi, Phnom Penh có nhiều đại gia tầm cỡ chứ công ty em đã là gì! Khiêm tốn vậy thôi chứ chúng tôi biết chị đang triển khai kế hoạch đầu tư vào các tỉnh khác, dạng bán lẻ như Co.op Mart ở Việt Nam.

Làm một cuộc hành trình dài ngày trên đất nước Angkor, trong tôi hòa lẫn nỗi buồn và niềm vui. Một đất nước có nền văn minh lâu đời với quần thể Angkor vĩ đại là thế vậy mà phải chịu thảm họa diệt chủng. Trong tột cùng nỗi đau, bao thế hệ người Campuchia luôn trân trọng biết ơn những người lính tình nguyện Việt Nam đã đổ bao xương máu để đất nước Campuchia thoát nạn diệt chủng, hồi sinh. Đài tưởng niệm Quân Tình nguyện Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh lúc nào cũng rực rỡ hoa tươi và luôn đón nhiều lượt người trên khắp đất nước Chùa Tháp về đây thăm viếng.
Máu và ân tình Việt Nam thấm đẫm mảnh đất Campuchia trở thành biểu tượng thiêng liêng của tình đoàn kết hữu nghị lâu đời, bền vững. Dấu ấn Việt Nam đã và đang in rõ nét trên từng chặng đường phát triển, góp phần đưa xứ sở Angkor ngày càng giàu mạnh về mọi mặt trong cộng đồng ASEAN.
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm