Bài cuối: Làm gì cho vùng biên?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có đi dọc các xã biên giới của tỉnh mới thấy những nơi này thật sự đổi thay. Nhiều thập niên qua Nhà nước ta đã làm rất nhiều điều cho vùng biên, trong đó có vùng biên của Gia Lai, bởi đây là vấn đề không chỉ bao hàm ý nghĩa quan trọng về chủ quyền lãnh thổ mà còn thể hiện trách nhiệm đối với đồng bào dân tộc thiểu số luôn một lòng với cách mạng trong suốt những năm tháng gian khổ đấu tranh thống nhất đất nước.

Gia Lai có 92 km đường biên giáp với Vương quốc Campuchia chạy qua địa bàn 3 huyện: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông. Được triển khai ngay từ sau ngày giải phóng, cuộc vận động định canh định cư qua hơn ba thập niên đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống của đồng bào các xã biên giới.
 

Tập huấn cạo mủ cao su cho thanh niên người Jrai.
Tập huấn cạo mủ cao su cho thanh niên người Jrai.

Đó là không còn những ngôi làng “nhảy” từ vùng này sang vùng khác mà định cư bền vững, xây dựng kiên cố. Cuộc sống của người dân trong làng cũng đổi thay theo. Đã mấy chục năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh những người phụ nữ Jrai đứng giã gạo ở các làng năm xưa.

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm sương chưa tan các mẹ, các chị đã cụp cum giã gạo nấu cơm cho chồng con lên nương rẫy. Rồi lại cõng gùi đi lấy nước, kiếm củi, hái măng…  những công việc đơn điệu nhưng phải làm đến suốt đời. Chiều tối bếp nhà nào cũng nổi lửa, lửa bếp là đèn, là lò sưởi đêm đông. Bây giờ làng đã có giếng khoan, bể chứa nước, làng nào cũng có cơ sở dịch vụ lương thực, thực phẩm.

Cùng với cuộc vận động định canh định cư, Chương trình quốc gia 135 cũng mang lại nhiều kết quả: cơ sở hạ tầng khang trang, điện kéo về tận làng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đường giao thông thông suốt đến tận nơi, một số làng còn có cả tuyến ô tô chở khách liên tỉnh. Các hộ gia đình được cấp nhiều loại giống cây ăn quả có giá trị như sầu riêng, xoài, nhãn, bưởi…, nhận cả cây bản địa bời lời để trồng trên vườn nhà tăng thêm thu nhập gia đình.

Từ chỗ chỉ quen tập quán phát đốt chọc trỉa, phó thác rẫy nương cho rủi may bởi thời tiết bất thường, người dân bước đầu đã làm quen với cây lúa nước rồi tiến dần đến thâm canh lúa đông Xuân. Nhiều loại cây công nghiệp dài ngày giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương cũng được đưa vào cơ cấu cây trồng ở vùng biên như cao su, cà phê, điều…, đó là chưa tính đến hàng chục vạn ha cao su của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn mà người dân tại chỗ cũng được tuyển vào làm công nhân như ở các Công ty 72, 74, 75… của Binh đoàn 15.

Nhờ tiếp cận kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc và khai thác nên chỉ trong thời gian ngắn, khá nhiều công nhân là đồng bào dân tộc Jrai vùng biên đã tự đầu tư lập vườn cao su tiểu điền cho gia đình, mang lại nguồn thu đáng kể như ở Ia O, Ia Chía, Ia Dom. Đặc biệt năm 2005, tại xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng làng thanh niên, đưa thanh niên đến đây sinh sống, lập nghiệp.

Với cây chủ lực là cao su, những thanh niên tiên phong ngày ấy đã biến vùng biên Ia Mơr trở thành một khu dân cư sầm uất, trù phú, người chủ các gia đình đều là những ông bố, bà mẹ trẻ, có kiến thức và nhiệt huyết tuổi trẻ.

Vượt lên trên hết, lĩnh vực giáo dục là thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp đầu tư cho vùng biên những năm qua. Nếu như trước kia gần như là vùng trắng giáo dục thì hiện nay không còn xã nào, làng nào ở vùng biên không có lớp mẫu giáo, trường phổ thông cơ sở hoặc điểm trường tiểu học. Đi dọc chiều dài biên giới, nơi đâu có làng nơi ấy đều có giáo viên, ngay cả những làng heo hút ngày trước như Mít Chep, Bi (Ia O), Cam (Ia Chía), Mook Đen (Ia Dom), Goong (Ia Puch) đều có lớp học.

Không còn tranh tre nứa lá tạm bợ như xưa, bây giờ trường nào cũng xây dựng kiên cố khang trang, đầy đủ các trang-thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Điều đáng mừng là người dân vùng biên đã quan tâm đến việc học của con em mình nên những năm gần đây tình trạng bỏ học giữa chừng, giáo viên phải thường xuyên xuống từng nhà động viên gia đình cho con em đến lớp giảm hẳn.

Nhiều làng tuy xa nhưng nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh đến học bán trú, bảo đảm việc học tập của các em không bị ảnh hưởng. Vùng biên đã có nhiều học sinh học đến hết bậc trung học phổ thông, có em còn học lên đại học!

Cùng với niềm vui trước những đổi thay đi lên của vùng biên, vẫn còn những vấn đề cần phải quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dịch vụ cung ứng thực phẩm và văn hóa phẩm, đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông… để xóa đi khoảng cách còn khá lớn giữa vùng biên và các vùng khác. Thực tế cũng cho thấy tình hình trật tự trị an trong một số làng vùng biên còn phức tạp: phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác gỗ trái phép vẫn thường diễn ra; vượt biên sang Campuchia, lén lút vận chuyển ma túy, hàng hóa…

Trong 7 tháng của năm 2013, trên địa bàn biên giới Gia Lai đã xảy ra gần 700 vụ, hơn 1.400 đối tượng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, làm chết và bị thương 181 người, gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng, xâm hại 51 ha rừng. Chỉ riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng Gia Lai trong 6 tháng đầu năm 2013 cũng đã phát hiện và bắt giữ, xử lý 164 vụ gồm 364 đối tượng tàng trữ, vận chuyển ma túy, hàng hóa qua biên giới…

Bên cạnh đó cũng còn nhiều mảng trống trong đời sống xã hội: bậc học trung học phổ thông, nước sinh hoạt, bảo hiểm y tế, công nghệ thông tin-truyền thông… Theo khảo sát năm 2012 của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông công bố ngày 12-6-2013 tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin ở nông thôn” thì tỷ lệ phát triển internet, hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông, tỷ lệ UBND xã có kết nối internet ở vùng biên giới Việt Nam-Campuchia mới đạt 74,3 %.

Vậy là còn nhiều điều phải làm cho các làng vùng biên để nơi đây thực sự trở thành điểm tựa vững chắc của “phên giậu” Tổ quốc.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm