(GLO)- Bên cạnh việc tăng cường tuần tra kiểm soát, siết chặt quản lý các doanh nghiệp vận tải; xử lý nghiêm các trung tâm đăng kiểm vi phạm, lắp đặt các trạm cân lưu động, tăng mức xử phạt hành chính thì việc tổ chức ký cam kết với các đơn vị đầu mối được xem là một trong những giải pháp giải quyết tận gốc có tính khả thi đối với tình trạng chở quá khổ, quá tải hiện nay.
Tăng cường vận động, tuyên truyền
Có thể nói, việc tổ chức ký cam kết chở hàng hóa đúng tải trọng đối với 69 đơn vị là đầu mối bốc xếp và giao nhận hàng hóa trên địa bàn tỉnh với Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa qua được xem là một động thái tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phổ biến pháp luật về kiểm soát vận tải. Các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối bốc xếp lớn, như: Công ty cổ phần Hoàng Anh, Tổng Công ty 15-Binh đoàn 15, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, Nhà máy Đường An Khê, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai... đều đồng ý với chủ trương và cam kết chấp hành nghiêm việc không xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép.
Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thì đây được đánh giá là giải pháp ngăn chặn ngay từ gốc tình trạng chở quá tải, quá khổ gây nhức nhối trong dư luận thời gian qua. Việc ký cam kết này đã đưa ra sợi dây ràng buộc các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa phải thực hiện nghiêm các quy định đúng trọng tải cho phép theo cam kết trên; nếu trong trường hợp tái vi phạm nhiều lần, doanh nghiệp đầu mối có thể bị tước giấy phép kinh doanh. Song song đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về kiểm soát trọng tải cũng được Ban An toàn Giao thông tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải tỉnh chú trọng. Đây là vấn đề được lựa chọn làm chủ đề Năm An toàn giao thông, đó là: “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát trọng tải phương tiện”.
Không chỉ vậy, Sở Giao thông-Vận tải còn phối hợp với Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền, hướng dẫn kiểm soát tải trọng phương tiện, lồng ghép nội dung vào tập “nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe”, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, khu dân cư... Đồng thời, tổ chức nhiều phong trào thi đua xây dựng “doanh nghiệp vận tải an toàn”, “lái xe an toàn”…
Đến xử lý nghiêm
Ảnh: Nguyễn Giác |
Ông Nguyễn Trung Tâm-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh cho biết: Việc triển khai kiểm soát xe quá tải trọng đã được tỉnh thực hiện từ cuối năm 2012; đặc biệt từ khi trạm cân lưu động số 55 được thành lập và đưa vào hoạt động từ 1-4-2014 thì tỉnh càng làm quyết liệt hơn và được đánh giá là một trong 10 tỉnh làm tốt công tác này. Cụ thể, kết quả tuần tra kiểm soát xử lý xe quá khổ, quá tải của các lực lượng chức năng toàn tỉnh (gồm các tổ công tác liên ngành, Trạm cân lưu động liên ngành, Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông) trong thời gian qua: kiểm tra tổng số 11.793 phương tiện, xử lý 5.148 vụ vi phạm với tổng số tiền trên 3,829 tỷ đồng, buộc hạ tải 7.382 tấn và tước giấy phép lái xe 1.174 cái.
Với mục tiêu góp phần giải quyết tình trạng quá tải, quá khổ một cách quyết liệt, đến cùng và minh bạch, ông Nguyễn Xuân Cường-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhấn mạnh một số giải pháp như: Xử lý nghiêm các trung tâm đăng kiểm vi phạm; siết chặt quản lý các doanh nghiệp vận tải, tránh cơi nới thùng chở quá tải; kiểm soát lại các mặt hàng chuyên chở, trong đó cơ chế xử lý chủ hàng sẽ tăng nặng; xem xét kỹ vấn đề nhập khẩu xe tải, nhất là những loại xe siêu trường, siêu trọng. Đồng thời, rà soát sửa đổi lại các văn bản theo hướng sao cho kiểm soát chặt xe tải, có phù hiệu và tăng mức xử phạt hành chính. |
Trong đó, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động Gia Lai đã thực hiện kiểm tra 5.738 xe, xử lý 358 trường hợp, phạt tiền hơn 646 triệu đồng, buộc hạ tải trên 363 tấn hàng hóa… Hay tại các cửa khẩu việc kiểm soát tải trọng xe chở nông sản cũng được tăng cường nghiêm ngặt. Cụ thể, tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) lực lượng chức năng đã xử lý 60 xe chở mì, đình chỉ lưu hành 33 xe, lập biên bản xử phạt hành chính 28 trường hợp; yêu cầu chủ hàng, lái xe tự hạ tải khoảng 1.200 tấn hàng hóa…
Đáng nói là việc ban hành Nghị định 107/2014/NĐ-CP (ngày 17-11-2014) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP (ngày 13-11-2013) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được coi là một giải pháp mạnh. Theo Nghị định mới, đối tượng bị xử phạt sẽ “rộng” hơn. Cụ thể nếu theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP chỉ xử phạt mỗi lái xe vi phạm thì nay theo Nghị định 107/2014 NQ-CP không chỉ lái xe mà ngay cả chủ phương tiện, chủ hàng (đầu mối bốc xếp) cũng bị phạt. Mức phạt cũng tăng nặng hơn (cao nhất là 8 triệu đồng đối với người điều khiển, 2 triệu đồng đối với nơi bốc xếp và 36 triệu đồng đối với chủ xe là tổ chức… trong trường hợp tái phạm, ngoài phạt tiền còn bị phạt bổ sung như tước giấy phép kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Lê Lan