Bài cuối: Trách nhiệm của cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Rơ Châm Tắp, làng Nú, xã Ia Kênh (TP. Pleiku, Gia Lai) được cứu sống sau một lần thắt cổ. Anh ân hận kể: “Vợ mình chết, mình thương nó nên vay mượn để lo đám tang cho nó thật đàng hoàng. Sau đó thua lỗ trong chuyện làm ăn nữa nên nhà mình lâm vào kiệt quệ. Mình thấy bế tắc quá, thế là tìm đến cái chết. Nghĩ lại chuyện dại dột ấy, mình vẫn còn sợ. Mình mà chết, bốn đứa con không ai nuôi, bơ vơ, côi cút tội nghiệp. Năm nay chăm lo làm ăn, mình trả gần hết nợ rồi...”.

Sau lần chết hụt, chàng trai Rah Lan Jem càng thấm thía giá trị của cuộc sống. Jem uống thuốc sâu tự tử vì đòi cưới vợ mà cha mẹ không đồng ý vì còn ít tuổi. May được cứu sống, giờ Jem đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc với đứa con mới sinh. Bế con trên tay, Jem ăn năn: “Lúc đó nghĩ chết đi để cha mẹ không làm khổ mình được nữa, nhưng thật là sai lầm. Thương mình, nghĩ cho mình nên bố mẹ mới làm thế, còn mình thì không hiểu. Mình mong mọi người hãy suy nghĩ kỹ trước khi tìm đến cái chết. Nghĩ lại thấy mình quá nông nổi, thiếu suy nghĩ”.

Ảnh: Hoàng Ngọc
Gánh nặng đè lên vai ông bà Ksor Ken sau cái chết của con gái. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ở một số địa phương, khi chúng tôi đến tìm hiểu về tình trạng này, nhiều cán bộ lúng túng vì không hề nắm được thông tin; hoặc có người gây khó vì không muốn địa phương “có tên” trong vấn nạn đang gây nhức nhối này.  Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người ta dễ dàng tìm đến cái chết hơn khi không được giáo dục, quan tâm? Ông Hà Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh (TP. Pleiku) thừa nhận: “Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Hội, đoàn thể trong việc quan tâm những đối tượng này”.


Bí thư Đoàn xã Gào- Puih Lêr cho rằng, nhiều thanh niên do có những mâu thuẫn nhỏ, nhưng không chia sẻ với ai mà âm thầm tìm đến cái chết. Ngay cả người bạn thân của anh là một chiến sĩ Công an cũng thắt cổ chết tại nhà rẫy sau một cuộc rượu vui vẻ, khiến Lêr bàng hoàng không biết nguyên nhân vì sao. “Nhiều người tìm đến cái chết một cách bộc phát, thiếu suy nghĩ và không hề có biểu hiện gì nên chúng tôi rất khó nắm bắt tâm tư của họ để có thể chia sẻ”- anh nói.

Trước tình trạng tự tử ngày một nhiều, nhất là trong thanh niên, Puih Lêr bộc bạch: “Đoàn Thanh niên cũng có một phần trách nhiệm trước tình trạng này. Các bạn trẻ khi gặp khó khăn trong cuộc sống đừng âm thầm chịu đựng, hãy tìm đến bạn bè để chia sẻ, tìm hướng giải quyết. Trong các cuộc họp Đoàn, mình đã nhiều lần nhắc nhở thanh niên có ý thức quý trọng bản thân, lấy dẫn chứng những vụ tự tử ở địa phương để đoàn viên thanh niên ý thức  được rằng, tự tử không thể giải quyết được bế tắc trong cuộc sống mà còn gây hậu quả nặng nề cho người thân sau cái chết của họ. Mình nghĩ, cần thiết phải đưa nội dung này vào các cuộc họp, sinh hoạt tại các chi đoàn”.

Bác sĩ Kiều Văn Bước- Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước Tết luôn là thời điểm số vụ tự tử tăng đột biến, đa số là những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, các Hội, đoàn thể địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng này, hạn chế để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Sự chết sẽ là quy luật tất yếu của tự nhiên nếu con người tuân theo quy luật sinh-tử. Nhưng những cái chết trái quy luật, gây ra hiện tượng xấu cho xã hội và diễn ra phổ biến ở các địa phương từ nhiều năm nay, đã đến lúc cộng đồng không thể làm ngơ.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm