Bài cuối: Trường Sa-xa mà gần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trường Sa xa, rất xa nhưng cũng quá đỗi gần gũi, thân thương. Nơi ấy chúng tôi đã đến và cảm nhận hết sự thiêng liêng của Tổ quốc, về những hy sinh máu xương và công sức của biết bao người để bảo vệ chủ quyền dân tộc nơi biển đảo xa xôi. Nếu có dịp đến nơi này, bạn sẽ thấy những ký ức đó sẽ không bao giờ phai mờ…

…Đêm trước ngày đến khu vực đảo Cô lin-Gạc ma-Len đao-nơi 64 chiến sĩ ta đã hy sinh dưới làn đạn hèn hạ của kẻ thù vào ngày 14-3-1988, nhiều người đã thao thức. Từ rất sớm, chúng tôi đã tập trung trên boong tàu đợi cử hành lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Sáng nay, trời bỗng tạnh mưa nhưng nước mắt của những người còn sống đã rơi thật nhiều khi nghe Đại tá Đặng Minh Hải-Trưởng đoàn công tác nghẹn ngào tâm sự với những người đã hy sinh: “Mặc dù Quân chủng Hải quân đã làm hết sức mình, nhưng do hoàn cảnh bất lợi, đến nay còn nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại với biển khơi, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố.

 
Thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở khu vực Cô lin-Gạc ma-Len đao. Ảnh: Bích Nga
Thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở khu vực Cô lin-Gạc ma-Len đao. Ảnh: Bích Nga

Các anh ra đi vì chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc là một nhẽ, nhưng đã để lại nỗi đau tột cùng, bao nỗi nhớ thương, bao niềm hy vọng hư vô của những người mẹ, người cha, người vợ hàng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa mong đón các anh về; để lại biết bao nỗi buồn hằn sâu trên gương mặt, trong đôi mắt của những cháu nhỏ mồ côi. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn cứ song hành suốt cuộc đời của biết bao người cha, người mẹ, người vợ, người con ở khắp các làng quê”. Giữa mênh mông trời, biển, mùi khói nhang tỏa bay, những bông cúc vàng và vòng hoa tưởng niệm được thả xuống biển xanh, nơi các anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ vĩnh hằng…

…Sáng sớm ngày thứ 8, chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn-Trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Từ biển khơi nhìn vào, Trường Sa hiện ra như một tấm thảm xanh giữa đại dương. Thật ngỡ ngàng khi bước chân lên đảo, ở đây có rất nhiều công trình được xây dựng như: Tượng đài liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà khách Thủ đô, Chùa Trường Sa lớn, khu dân cư, trường học, trạm xá… Hệ thống điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu điện của đảo. Trạm thu phát sóng vệ tinh Vinasat của Đài Truyền hình Việt Nam hàng ngày cung cấp thông tin trong nước và thế giới, mạng điện thoại di dộng Viettel đã đưa đảo gần hơn với đất liền… Mọi thứ đã không còn là khoảng cách giữa hải đảo và đất liền mà trên tất cả là tình quân dân, nghĩa đồng bào nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Lễ tưởng niệm tại bãi Huyền Trân. Ảnh: Bích Nga
Lễ tưởng niệm tại bãi Huyền Trân. Ảnh: Bích Nga

Một buổi với Trường Sa lớn trôi qua thật nhanh. Những giây phút gặp mặt đất liền-đảo xa thật ấm áp nghĩa tình, biết bao điều muốn tâm tình, sẻ chia mà chưa nói được thành lời. Tàu nhổ neo, rời đảo đã xa mà những bài hát tiễn đưa vẫn còn vang vọng, những cánh tay vẫn còn vẫy mãi. Những lời gửi gắm đất liền của những người lính đảo vẫn mãi vang vọng trong tâm trí chúng tôi: “Xin đất liền luôn vững tin ở chúng tôi. Dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chúng tôi vẫn chắc tay súng, ngày đêm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Những ngày cuối của hải trình trời cứ liên tục đổ mưa, biển động dữ dội. Lúc này tôi mới cảm nhận hết những gì mà đồng nghiệp cảnh báo, biển không còn êm như tôi tưởng và tôi đã bị sóng quật cho tơi bời tưởng chừng không thể chịu đựng thêm được nữa…

…Chúng tôi đến khánh thành “Công trình nhà lâu bền” ở đảo Đá Tây trong tiết trời giông gió. Tuy nhiên, ai cũng hồ hởi, vui tươi bởi vào mùa mưa tới, lính đảo Đá Tây không còn lo sóng phủ, mưa dầm vì ngôi nhà 4 tầng rộng rãi hơn, kiên cố hơn vừa được khánh thành. Ở đảo này, có khu dịch vụ hậu cần nghề cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, đây cũng là nơi cung cấp nước ngọt, dầu máy, sửa chữa tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân ta bám biển dài ngày, góp phần tăng hiệu quả nghề cá. Dự kiến nơi đây sẽ được phát triển thành khu nuôi trồng và xuất khẩu hải sản. Hải sản được đánh bắt và nuôi trồng ở đây sẽ được xuất khẩu trực tiếp mà không phải qua đất liền. Các điểm đảo ở đây đang trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân ta đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Chúng tôi tiếp tục đến với nhà giàn DK-bãi Huyền Trân trong giông tố. Sóng quá mạnh, mưa to và gió lớn nên chỉ huy buộc phải quyết định lựa chọn những người đủ sức khỏe nhất mới được lên thăm nhà giàn. Đứng ở boong tàu, nhìn chiếc xuồng dập dềnh vượt sóng dữ đến với nhà giàn, nơi những chiến sĩ hải quân của chúng ta đang mong đợi hơi ấm của đất liền, tất cả chúng tôi đã khóc…

Rời nhà giàn, hướng về đất liền, tôi chợt nhìn chiếc vòng gỗ đang đeo ở cổ tay-chiếc vòng do các sư trụ trì chùa Trường Sa lớn tặng, với ý nghĩa mang lại bình an may mắn, tôi cũng mong sao các anh, các chị, những quân-dân trên huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK cũng luôn được bình yên…

Chuyến hành trình 10 ngày trên vùng biển đảo Trường Sa của đoàn công tác đã thành công tốt đẹp. Đó là 10 ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi, với rất nhiều cái đầu tiên, đi biển dài ngày, đi tàu thủy, thử sức mình với sóng gió đại dương và đến với Trường Sa. Trong 10 ngày ấy, tôi đã trải qua hơn 1.000 hải lý, đã đến, đã thấy và chứng kiến nhiều điều, nhiều tự hào, nhiều niềm vui và nỗi nhớ trên các đảo của Tổ quốc. Chúng tôi đã dự 2 lễ tưởng niệm đầy xúc động, 1 trên khu vực Cô lin-Gạc ma-Len đao, 1 trên thềm lục địa phía Nam-bãi Huyền Trân. 10 ngày miệt mài trên biển và dày đặc lịch làm việc, biết bao cảm xúc, nhưng những dòng nhật ký viết vội này dường như chỉ nói được rất ít những điều tôi muốn nói.

Bích Nga
 

Có thể bạn quan tâm