Bài cuối: Vui buồn mang cả lên rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cũng quan trọng như nếp nhà sàn truyền thống, nương rẫy với đồng bào Bahnar là nơi linh thiêng bởi với họ, cái rẫy cũng có linh hồn. Thật không có gì đáng ngạc nhiên khi những người đã già lắm, ngày ngày vẫn lên rẫy đều đặn chỉ để… chơi.

Lên rẫy mới có cái vui!

Sau những tâm tư của già làng H’Mưnh trong đêm khuya, tôi đã được ru vào giấc ngủ bởi tiếng đàn goong buồn và điệu dân ca buồn của vợ chồng ông tự bao giờ. Sáng sớm, rất sớm tôi được đánh thức bằng những tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ, tiếng các bà các mẹ các chị í ới gọi nhau từ những góc bếp.

 

Ảnh: Nguyễn Giang
Ảnh: Nguyễn Giang

Tôi trở dậy, ông bà H’Mưnh đã thức dậy từ lúc nào và đi đâu hết cả. Tôi bước ra cửa, nhìn một lượt vào các nếp nhà mà từ nhà già làng có thể nhìn thấy, điểm chung nằm ở góc bếp nhà sàn một ngọn lửa nhỏ nhưng cháy đượm đều bắc một ấm nước. Lúc này, có thể nhìn rõ mồn một từng đốm lửa vì bóng tối vẫn chưa được ánh sáng của ngày xua tan hẳn.

Bà Yerh từ sau nhà đi vào, trên tay cầm hai con cá khô, bà nói: “Nướng mang lên rẫy”. Ra là, ông bà dậy từ sớm để chuẩn bị lên rẫy. Tôi hỏi bà nay lên rẫy làm gì, đang vụ mùa gì, với lại “Hai ông bà đã già vậy, còn lên rẫy làm gì cho khổ”. Bà gạt phăng đi câu lo lắng của tôi: “Phải lên rẫy, già rồi cũng đi, lên rẫy mới có cái vui mà”. Khi bà nướng xong hai con cá thì ông H’Mưnh đi đâu đã kịp về. Ông bà nói gì đó với nhau rồi ông quay sang nói chuyện với tôi. Ông nói ông vừa đi đến nhà mấy già khác trong làng, nhắc các già chiều nay tập trung ở nhà rông để cúng ma xin tỉa cây lúa. Nay mưa đều lắm rồi.

Đồng bào Bahnar ở đây nay cũng biết trồng cây mía, bắp lai để có nhiều tiền hơn nhưng cây lúa rẫy thì vẫn không thể bỏ. Trồng những cây khác, đến lúc trời mưa, người Kinh trồng, đồng bào cũng trồng theo nhưng riêng tỉa lúa thì phải cúng. Đầu tiên cúng ma, sau đó cúng Yàng rồi già làng chọn được ngày, cả làng mới được tỉa. Nay cả làng đã trồng lúa nước, nhà già làng cũng trồng lúa nước nhưng ông bà vẫn tỉa một vài gùi lúa rẫy để giữ truyền thống dù biết thu về cũng chỉ dăm bảy gùi.

Buồn gì mang lên rẫy nhét vào cây rừng

Không khí sáng sớm của làng thật dễ chịu, những thanh âm vừa phải của từng tốp già trẻ đủ giúp cả làng khởi động một ngày vui vẻ. Sau cơn mưa dông đêm qua, bầu trời sáng nay thật trong trẻo. Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn núi thấp nhất, như hẹn từ trước lũ làng đồng loạt ra khỏi nhà. Người lớn thì mang gùi, trẻ con mang cặp sách đi từng đoàn kín cả đường làng chật hẹp. Họ hỏi thăm nhau nay làm ở rẫy nhà mình hay đổi công cho nhà ai? Cắt cỏ sắp xong chưa? Bao giờ phun xong thuốc…

Mùa này, cả làng Mơ H’Ra kéo nhau đi chăm cho những rẫy mía xanh ngút ngàn. Cũng nhờ có cây mía nên mấy năm nay, cuộc sống của làng khá lên nhiều.

Cả làng biết ơn cây mía lắm nên mùa nào mùa nấy chăm chút cho nó rất kỹ càng. Mà hay lắm, rẫy mía của người Bahnar cũng rộng, cũng bằng phẳng nhưng thế nào cũng phải còn một vài cây rừng cổ thụ lấy bóng mát chứ không sạch trơn cây rừng như rẫy người Kinh. Mới đầu, tôi nghĩ đơn giản vì nhà xa rẫy, họ để lại cây lấy bóng mát để nghỉ trưa ăn cơm, uống nước nhưng giờ tôi mới biết nó còn một ý nghĩa lớn hơn thế. Đó là nơi cho lũ gái trai mới lớn, cho những bà những mẹ nhét nỗi buồn vào cho lòng lấy lại cái vui. Chị Nang địu đứa con nhỏ bên hông, vai vác cái cuốc chỉ về phía cái cây to mát ở cuối rẫy khoe: “Cái buồn của mình có khi đầy nửa cái cây ấy rồi”. Hay thật, lên rẫy, nhét buồn vào gốc cây, thế là vui lại!

Từng tốp người dần dần chia tay nhau vào từng rẫy mía xanh ngắt. Một nhóm khác rẽ vào vườn bắp nếp thăm xem bao giờ chúng trổ cờ hay ghé vườn chuối thử có buồng nào chín không… Vợ chồng già làng H’Mưnh lên rẫy xem lại đất để chuẩn bị tỉa lúa, bà còn tranh thủ đi kiếm mớ măng rừng đầu mùa về nấu với cá mắm ăn đỡ mặn.

Hai ngày, một đêm tôi rong ruổi qua vài ngôi làng để nhìn thấy cuộc sống quá đỗi bình dị ở đây. Những đôi chân trần lấm lem bùn đất, những làn da còn non nhưng đã kịp già bởi nắng gió, bởi những lo toan cho những bữa cơm nghèo nàn… Tôi ngồi nán lại một chút ở làng trước khi ra về để ngắm một cô bé với đôi chân không lành lặn đang chơi vũng nước đọng đầu làng. Nhìn lại mình, lành lặn tuyệt đối là thế mà đã bao lần cằn nhằn vì mẹ đã để tay con nhăn nheo xấu xí, da con đen bóng không thể cải thiện, mũi con tẹt lét để suốt ngày bị chê… Chừng ấy thôi, đã quá đủ để tôi phải nhìn lại mình!

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm