Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ban chỉ đạo 515 và 24: Quan tâm giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Day dứt nhất của chúng ta là hiện vẫn còn hơn 2.500 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, 2.066 trường hợp đã lập hồ sơ nhưng còn thiếu giấy tờ chưa giải quyết chế độ. Giải quyết tồn đọng sau chiến tranh không chỉ bằng trách nhiệm mà cả tình cảm của mình với thế hệ cha anh đi trước vì nền độc lập của dân tộc”-bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 515 và 24 tỉnh-nhấn mạnh.
Khó xác định thông tin
Theo thống kê của Ban chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tỉnh (Ban chỉ đạo 515), tỉnh ta còn hơn 2.500 hài cốt liệt sĩ đã quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được tên tuổi, quê quán. Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo 515 tỉnh-cho biết: Khi hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang, tức là hành trình trở về với gia đình của liệt sĩ mới đi được một nửa, một nửa chặng đường còn lại là kết nối thông tin liệt sĩ với gia đình. Tuy nhiên, nửa chặng đường còn lại vô cùng khó khăn, thậm chí việc kết nối với gia đình là không thể vì thời gian đã xóa đi nhiều dẫn cứ, manh mối, nhân chứng sống ngày một ít, việc điều tra, thẩm định sẽ ngày càng khó khăn.
Lễ truy điệu và an táng 61 hài cốt liệt sĩ tại thị xã An Khê ngày 26-7-2019. Ảnh: Đ.T
Cũng theo Đại tá Hùng, dù khó khăn nhưng Ban chỉ đạo 515 tỉnh vẫn cố gắng xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ thực hiện trên cơ sở hồ sơ, danh sách liệt sĩ các đơn vị quản lý; lấy mẫu sinh phẩm hài cốt và thân nhân liệt sĩ gửi Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phục vụ công tác giám định gen, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cụ thể, năm 2019, Ban chỉ đạo 515 tỉnh phối hợp với các ngành chức năng lấy mẫu sinh phẩm được 40 trường hợp, xét nghiệm ADN 12 trường hợp nhưng không có trường hợp nào cùng huyết thống với thân nhân liệt sĩ.
Còn về giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với những người có công với nước, Ban chỉ đạo triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước; đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (Ban chỉ đạo 24) thành lập từ năm 2016 đến nay đã làm tốt vai trò tham mưu triển khai thẩm định, xét duyệt hồ sơ, bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn chế độ, dân chủ, công khai. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 19.442 đối tượng được chi trả chế độ trợ cấp một lần với tổng số tiền hơn 55,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện còn 2.066 đối tượng (chủ yếu là dân công hỏa tuyến) đã lập hồ sơ nhưng chưa giải quyết chế độ. Nguyên nhân là đa phần các đối tượng đã cao tuổi, không nhớ rõ quá trình tham gia chiến đấu, thất lạc giấy tờ. Thân nhân của đối tượng chưa thực sự hiểu về chế độ, chính sách nên kê khai chưa đầy đủ yêu cầu theo mẫu. Biên bản họp của Hội đồng chính sách thì người dự họp không ký, người không dự họp lại ký. Đối tượng không biết chữ hoặc người lớn tuổi cho phép viết giúp nhưng người viết giúp không ký, ghi rõ họ tên, chức vụ, cũng không điểm chỉ...
Thực hiện bằng cả tấm lòng, trách nhiệm
Thời gian qua, thị xã An Khê đã làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ và giải quyết chế độ còn tồn đọng sau chiến tranh. Thượng tá Nguyễn Thanh Nam-Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự thị xã An Khê-cho hay: Ban Chỉ huy Quân sự thị xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khai thác thông tin từ những người tham gia chiến tranh trước đây. Đây là nguồn thông tin có hiệu quả, độ chính xác cao. Nhờ đó, năm 2018, thị xã An Khê đã tìm thấy 2 mộ tập thể ở khu vực đồn Tú Thủy, quy tập được 140 hài cốt liệt sĩ và 91 mộ lẻ. Còn ông Lý Văn Mười-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã An Khê-thông tin: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hội viên cựu chiến binh trên địa bàn thị xã đã rất tích cực cung cấp thông tin cho Ban chỉ đạo 515. Từ những nguồn thông tin này, Ban chỉ đạo 515 cùng Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tổ chức cất bốc, quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ. Sau đó, thị xã đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban chỉ đạo 515 chuẩn bị các điều kiện vật chất để đưa liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê.
 Đại tá Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm: Ban Chỉ huy Quân sự các địa phương nghiên cứu, kết luận địa bàn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ dựa trên 5 khu vực: khu vực đã tìm kiếm quy tập, khu vực chưa tìm kiếm quy tập, khu vực đã tìm kiếm nhưng chưa có kết quả, cần tiếp tục tìm kiếm, khu vực không có thông tin và khu vực chưa xác định rõ có hay không có thông tin. Sau khi xác định từng khu vực, các đơn vị sẽ tiến hành lập bản đồ làm cơ sở tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về lâu dài.
Theo ông Nguyễn Thành Huế-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Chính quyền và Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp nhịp nhàng, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ giải quyết chi trả cho 70-80% đối tượng (tương đương 1.500 hồ sơ) còn tồn đọng. Phấn đấu đến quý I-2021 cơ bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà chỉ đạo: Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung quyết định, thông tư hướng dẫn nhằm hạn chế sai sót trong quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ. Trong quy trình xét duyệt, tiếp nhận hồ sơ tồn đọng cần phân nhóm đối tượng để giải quyết, đảm bảo công khai, dân chủ, có sự giám sát của các tổ chức và nhân dân. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, những trường hợp không đủ điều kiện giải quyết, cần giải thích thấu tình đạt lý, trả lại hồ sơ ngay từ cơ sở. Về quy tập mộ liệt sĩ, cần lấy mô hình hiệu quả của thị xã An Khê để triển khai. Đồng thời tiếp tục rà soát, kết luận địa bàn, khu vực có hay không có hài cốt liệt sĩ, giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm