Kinh tế

Nông nghiệp

Bạn đồng hành với nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) tổ chức, nhiều nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trở thành người bạn đồng hành với nông dân.
Tại cánh đồng làng Keo (xã Ayun), bà con nông dân đang tất bật làm đất để chuẩn bị gieo trồng vụ lúa nước thứ 2 trong năm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Hóa phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, người dân trong xã chỉ trồng lúa 1 vụ. Nguyên do là không đủ nước tưới vào mùa khô. Năm 2021, nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo và sự hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chúng tôi gieo trồng thêm 1 vụ lúa. Hiện tại, dân làng không còn cảnh thiếu đói giáp hạt. Riêng nhà mình còn có tiền mua sắm thêm đồ đạc phục vụ sinh hoạt hàng ngày”.
Tương tự, tại cánh đồng làng A Mo (xã Bờ Ngoong), hàng chục nông dân cũng đang hăng say làm việc. Tiếng máy cày đất hòa lẫn với tiếng trò chuyện tạo nên không khí lao động đầy hứng khởi. Vụ năm nay, người dân làng A Mo tiếp tục trồng bắp sinh khối thay trồng lúa với diện tích 16,6 ha. Anh Puih Dêm hồ hởi: “Năm ngoái, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn trồng bắp sinh khối thay thế cho cây lúa, chúng tôi mạnh dạn làm theo. Với 1,3 sào bắp sinh khối, gia đình tôi tích lũy được 5,3 triệu đồng. Thấy lợi nhuận hơn trồng lúa nhiều lần và không để đất bị bỏ hoang, vụ mùa năm nay, tôi tiếp tục trồng bắp. Mấy hộ khác cũng vậy”. 
Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong Lê Duy Khương thông tin: “Cứ đến mùa khô là cánh đồng A Mo bị hạn. Để giúp người dân có thêm thu nhập, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở lớp tập huấn trồng bắp sinh khối cho các hộ làng A Mo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, vụ mùa năm nay, dân làng A Mo đã tăng diện tích bắp lên 16,6 ha. Chúng tôi rất phấn khởi khi người dân biết tiếp thu những gì được cơ quan chức năng hướng dẫn để áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập”.
Nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo, người dân làng Keo (xã Ayun) không còn lo cảnh thiếu đói giáp hạt sau khi trồng lúa 2 vụ/năm. Ảnh: Thiên Di
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 15 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để phổ biến các chính sách nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Cùng với đó, Trung tâm cử cán bộ xuống đồng chỉ dẫn 2.500 lượt nông dân phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây trồng. Trung tâm cũng triển khai tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử của huyện về các mô hình sản xuất hiệu quả, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới để người dân nắm rõ.
Bà Lê Thị Loan-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-cho hay: “Thông qua các lớp tập huấn, chúng tôi giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp thu những chính sách nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết cách phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi với phương thức mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.
Để tiếp tục phát huy vai trò của khuyến nông trong phát triển nông nghiệp địa phương, thời gian tới, Trung tâm chú trọng tuyên truyền mô hình có hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong năm 2022, Trung tâm sẽ tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, khảo nghiệm về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, có hiệu quả cao để người dân tham quan, học hỏi và áp dụng vào sản xuất.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm