Bàn giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 2-10, tại TP. Pleiku, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tăng cường giải pháp bảo đảm ATGT cho thanh-thiếu niên và đồng bào dân tộc thiểu số đi mô tô, xe gắn máy khu vực Tây Nguyên. Ông Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia và ông Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban ATGT các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Lâm Đồng, Đak Nông, Bình Phước.
Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Năm 2019 và 9 tháng năm 2020, tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước xảy ra 1.403 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến mô tô, xe gắn máy, chiếm 65,68% số vụ TNGT xảy ra. Trong số này có 648 vụ liên quan quan đến người dân tộc thiểu số, 883 vụ liên quan đến thanh-thiếu niên. 
Tại Gia Lai, 9 tháng năm 2020 đã xảy ra 212 vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy, làm chết 138 người, bị thương 186 người. Trong đó, có 104 vụ liên quan người dân tộc thiểu số (làm chết 78 người, bị thương 82 người); có 109 vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe máy mà người trực tiếp gây tai nạn là thanh thiếu niên, làm chết 78 người, bị thương 105 người.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ nguyên nhân, thực trạng và đề cập giải pháp nhằm bảo đảm ATGT cho thanh-thiếu niên và người dân tộc thiểu số đi mô tô, xe gắn máy. Nhiều đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong bảo đảm ATGT; nêu những khó khăn của việc thực hiện kéo giảm TNGT trong thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số liên quan đến mô tô, xe gắn máy.
Hội nghị tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho thanh thiếu niên và đồng bào dân tộc đi mô tô, xe máy khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Lê Hòa
Ông Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hòa
Phát biểu tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng đề nghị mỗi địa phương hãy làm tốt khâu đảm bảo hạ tầng giao thông; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho người dân tộc thiểu số, nhất là thanh-thiếu niên, người dân vùng sâu, vùng xa. “Lực lượng chức năng phải đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, việc tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến ATGT phải có nội dung và hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Việc xử lý vi phạm phải kiên quyết, triệt để và không có “vùng cấm”-Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông cũng cho rằng: “Việc tổ chức hội nghị tăng cường giải pháp bảo đảm ATGT cho thanh-thiếu niên và đồng bào dân tộc thiểu số đi mô tô, xe gắn máy khu vực Tây Nguyên là hoạt động thiết thực. Qua hội nghị, nhiều giải pháp bảo đảm ATGT, kéo giảm TNGT nói chung và giảm TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên, người dân tộc thiểu số đi mô tô, xe gắn máy được đề cập sẽ giúp các địa phương có thêm kinh nghiệm quý báu để áp dụng trong thực tiễn địa phương mình”.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm