Phóng sự - Ký sự

Bản Lùng - 4 năm bừng tỉnh sau thảm họa lũ lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ “vùng đất chết”, thôn bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đã và đang vươn mình xuyên qua mọi khó khăn, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới.
 

Bản Lùng hồi sinh sau lũ
Bản Lùng hồi sinh sau lũ.


Quá khứ đau thương

Bản Lùng, tròn 4 năm sau trận lũ kinh hoàng đêm 20.7.2018. Đêm ấy, khi bà con đang chìm trong giấc ngủ thì đất trời như rung chuyển trong cơn mưa lớn sầm sập; dòng lũ dữ xuất hiện trong phút chốc đã cuốn phăng mọi thứ.

Trời mưa xối xả như thác đổ, gió giật mạnh, liên hồi, trời tối đen như mực, nặng trịch như sắp sập xuống. Tiếng cây cối nghiêng ngả, lảo đảo rồi ngã gục trước những dòng lũ chảy xiết. Cuốn bay mọi cây cối, hoa màu, của cải vật chất của người dân.

Cơn lũ lịch sử đã để lại tổn thất nặng nề, khi ấy thôn bản Lùng có 58 hộ, thì trận lũ quét hôm ấy đã làm nhà ở của 16 hộ bị sập trôi hoàn toàn, nhà của 7 hộ khác hư hỏng nặng. Rất may không có thiệt hại về người.

Đứng trước những đợt lũ liên tục không có dấu hiệu dừng lại, những hộ dân còn lại đã được chính quyền địa phương cho di dời khẩn cấp, mọi của cải vật chất bị cuốn trôi hoàn toàn. Chỉ sau một đêm, nhiều hộ dân đã lâm vào cảnh trắng tay.


 

Cảnh bản Lùng hoang tàn sau trận lũ lịch sử.
Cảnh bản Lùng hoang tàn sau trận lũ lịch sử.


Chia sẻ về quá khứ đau thương, anh La Tiến Sâm kể: “Đêm định mệnh đó, tôi bất ngờ nghe tiếng rầm rầm, trời tối đen vì mất điện, chỉ có chớp mới nhìn thấy nhau, ngoài trời mưa xối xả nước lũ cuốn mạnh, bao nhiêu của cải, nhà cửa của gia đình tôi bị nước cuốn hết. Nhờ nhanh trí, mấy bố con tôi đã di chuyển lên đồi, nên mới may mắn sống sót”.

Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Trở lại bản Lùng những ngày đầu tháng 7.2022, chúng tôi thấy bất ngờ trước sự thay đổi vượt bậc của cảnh quan và con người nơi đây. Đường bêtông thẳng tắp nối thẳng đến tận cuối bản, những khóm hoa ven đường nở rộ đang thi nhau khoe sắc khiến mọi người thích thú.


 

Cổng bản Lùng
Cổng bản Lùng


Nhắc lại trận lũ 4 năm trước, người dân vẫn mang trong mình cảm giác nơm nớp xen cùng sợ hãi, với những thứ đã từng diễn ra, chỉ một tích tắc mọi sự nỗ lực làm lụng, tích cóp của cải, tiền bạc bao năm đã bị dòng lũ cuốn phăng.

Khó khăn là thế, nhưng với sự chung sức, chung lòng của nhân dân, cùng với đó là sự quan tâm đặc biệt của các cấp từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ bà con khắc phục những mất mát nặng nề mà trận lũ lịch sử để lại.

Từ việc hỗ trợ của các cấp, đã tạo ra cú huých về tình thần giúp người dân bản Lùng dịu đi nổi đau mất của dần ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, thôn bản Lùng hiện đã có trên 10 mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò và một số mô hình khác như nuôi dê, nuôi cá, trồng quế,… cho thu nhập khá.

 

Cảnh trẻ nô đùa làm náo nhiệt cả vùng.
Cảnh trẻ nô đùa làm náo nhiệt cả vùng.


Dưới đồi núi trập trùng là những ngôi nhà kiên cố, mọc san sát nhau được xây dựng, nhìn người dân hăng say làm việc việc, tiếng cười, nói vui tươi, nét mặt ai nấy cũng hiện lên sự rạng rỡ. Những đứa trẻ thì đang ra sức cười nói, nô đùa đã khiến cho bản Lùng nhộn nhịp vô cùng.

Chị Hoàng Thị Mến – Trưởng thôn bản Lùng cho biết: “Trước đây, tất cả đều là ruộng, sau trận lũ sỏi, đá, đất đã san phẳng mọi thứ, nhưng nhờ sự quan tâm của nhà nước nên người dân đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và cải tạo để để phát triển nông, lâm nghiệp. Đường giao thông được bêtông hoá tạo điều kiện tốt cho chúng tôi giao thương được dễ dàng, từ đó tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế địa phương”.

Hiện nay, thôn bản Lùng trải dài có hơn 1km đường được đổ bêtông, từ cổng làng đến hết bản, cùng với đó, thôn đã có 18 gia đình xây dựng nhà cửa bằng ximăng kiên cố, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, điểm sáng của thôn bản sau 4 năm bản Lùng “bị xoá sổ”.

Không những thế, bản Lùng đã trở thành thôn thứ 2 của xã Phong Dụ Thượng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Những con đường bêtông sạch sẽ trải dài tới cuối bản, những ngôi nhà được xây lên mọc san sát nhau,… cho thấy cuộc sống của người dân ở bản Lùng đã hồi sinh vượt bậc.

 

Những căn nhà kiên cố được xây dựng trên khu đất tái định cư mới.
Những căn nhà kiên cố được xây dựng trên khu đất tái định cư mới.


Trao đổi với PV, ông Lương Văn Thu, Chủ tịch UBND Xã Phong Dụ Thượng cho biết:  “Giờ đây, nhân dân đã yên tâm sinh sống ở những ngôi nhà đủ 3 cứng (cứng mái, cứng nền, cứng tường), con đường vào Bản cũng thuận tiện hơn, giúp người dân đi lại, giao thương dễ dàng, từ đó đời sống đang từng bước được nâng cao”.

“Hiện nay, đã có nhiều du khách đến tham quan không gian văn hoá của bản Lùng nên xã Phong Dụ Thượng đang lên phương án để triển khai phát triển du lịch trải nghiệm, văn hoá nhà sàn và thác Khe Ba. Sau khi phương án được xây dựng xong và đi vào triển khai, hi vọng đây sẽ là điểm sáng trong phát triển du lịch địa phương”, ông Thu thông tin thêm.

Thực tế cho thấy, người dân bản Lùng đang từng ngày thích nghi thay đổi phương thức sản xuất, phát triển mới để từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng thôn bản giàu đẹp. Là một địa phương từng bị “xoá sổ”, thế nhưng bằng ý chí, sự nỗ lực vượt lên trên khó khăn của bà con thôn bản Lùng nói riêng và xã Phong Dụ Thượng nói chung được xem như là điểm sáng trong việc xây dựng nông thôn mới.


https://laodong.vn/xa-hoi/ban-lung-4-nam-bung-tinh-sau-tham-hoa-lu-lich-su-1070567.ldo

Theo Kiên Nguyễn - An Trịnh (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm