Thời sự - Bình luận

Bản sắc và lợi ích song hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong xu thế phát triển chung của TPHCM, một yêu cầu mang tính tất yếu là đẩy mạnh việc xây dựng đô thị, nâng các huyện ngoại thành trở thành quận, hoặc thành phố vệ tinh của TPHCM.

Vì thế, việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa - xã hội tại các huyện không chỉ tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa mà còn là bước đà trong định hướng phát triển đường dài, đặc biệt là xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch mang bản sắc địa phương, mở đường cho phát triển kinh tế.

TPHCM với lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, là một trong những thành phố trẻ nhưng chúng ta không thiếu di sản để phát triển xứng tầm với 185 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích và gần 300 ngôi đình Nam bộ xưa. Khởi nguồn từ văn hóa nông nghiệp, tuy nhiên di sản nông nghiệp trong tiến trình phát triển đô thị hiện nay vẫn loay hoay về vị trí và bản sắc riêng, vẫn là bài toán chưa có lời giải cụ thể.

Ngắm TPHCM từ trên cao bằng xe buýt 2 tầng. Ảnh: THI HỒNG

Ngắm TPHCM từ trên cao bằng xe buýt 2 tầng. Ảnh: THI HỒNG

Trong một tọa đàm về xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030 tuần qua, một ví dụ được đưa ra về việc tìm biểu trưng cho từng huyện đã thu hút ý kiến nhiều đại biểu. Đơn cử như huyện Củ Chi, có người đặt câu hỏi, bên cạnh biểu tượng địa đạo oanh liệt từ thời kháng chiến chống Mỹ, nên chọn biểu trưng là củ khoai mì đất thép gắn bó bao lớp người sống và chiến đấu nơi đây, hay bò tơ, dưa lưới của thời phát triển công nghiệp - công nghệ cao? Cũng có ý kiến cho rằng, nói đến huyện Bình Chánh, hình ảnh ghe bầu có còn phù hợp mang tính chất biểu trưng; câu chuyện tương tự ở huyện Nhà Bè là con rái cá và huyện Cần Giờ là con cá heo?

Câu chuyện đặt ra ở đây là có phải người ta khó tìm ra một biểu trưng phù hợp và xây dựng sản phẩm du lịch với từng huyện, hay trong câu chuyện đường dài phát triển, đã bỏ quên những bản sắc ban đầu, nên việc tìm lại vẫn chưa ra dấu tích?

Văn hóa là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển đô thị. Đặc biệt là tại TPHCM, các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè đang có nhiều tiềm năng để xây dựng và phát triển văn hóa địa phương. Nhưng trước hết, cần giữ được bản sắc ban đầu, hình thành sản phẩm, dịch vụ đặc trưng để phát huy thế mạnh du lịch địa phương trong xu hướng local tour (được hiểu là du lịch tại địa phương), khẳng định bản sắc chính mình trong tổng thể bản sắc đô thị TPHCM.

Sự phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, thương mại và công nghiệp, quá trình đô thị hóa có thể mang lại nhiều cơ hội cho những huyện ngoại thành tại TPHCM, nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa cộng đồng. Bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa truyền thống trên địa bàn không thể không tích hợp vào trong phát triển du lịch địa phương. Các di tích cần được xem là một điểm đến trong các chương trình du lịch đến địa phương.

Và một trong những vấn đề đặt ra mối lo lắng hiện nay, chính là nếp sống cộng đồng hình thành từ văn hóa nông nghiệp phai nhạt dần trong lối sống đô thị. Trong bài viết “Nỗi lo toàn cầu hóa - Đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á: Bỏ rơi không gian công cộng”, nhà quy hoạch đô thị Mike Douglass (Đại học California, Mỹ) nêu nỗi lo về hiện tượng xây dựng những khu đô thị tư nhân hiện đại nhưng biệt lập ở vùng ven của các thành phố lớn. Những khu đô thị này đem đến đặc quyền cho cư dân giàu có của nó được sống cách biệt khỏi các nhóm dân cư còn lại.

Những khu đô thị biệt lập này có tồn tại ở vùng ven TPHCM, tuy hiện đại và nhiều tiện ích nhưng cách thức xây dựng có thể phá vỡ cấu trúc, không gian văn hóa cộng đồng truyền thống ở các huyện ngoại thành thành phố, phai nhạt dần những nét đặc trưng của các huyện ngoại thành. Do đó, việc xây dựng các khu đô thị mới để thúc đẩy sự đô thị hóa của các huyện ngoại thành cần tính đến yếu tố cộng đồng, không “kín cổng cao tường”, có sự hòa nhập với môi trường tự nhiên - văn hóa - xã hội của từng địa phương, đảm bảo lợi ích song hành giữa phát triển đô thị và bảo tồn văn hóa địa phương.

Phải khẳng định rằng, bảo tồn di tích, di sản văn hóa chính là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa đô thị, nhưng không làm mất đi bản sắc địa phương.

Có thể bạn quan tâm