Không xem đi làm ngày Tết là sự đánh đổi, hy sinh giây phút đoàn viên… nhiều gen Z tin rằng đó là một cơ hội trải nghiệm thú vị.
Rèn tính tự lập
Tết năm nay là lần đầu tiên Huỳnh Minh Đạt (24 tuổi, quê Bình Định) không về thăm nhà mà ở lại TP HCM. Có nhiều lý do đưa đến quyết định trên: chi phí đi lại ngày Tết quá cao trong khi Đạt đang muốn tích lũy tài chính để sau Tết học thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới. Công việc thường ngày là MC song từ 26 tháng chạp đến hết mùng 6 Tết, Đạt sẽ đi phụ việc ở một tiệm phở. Ban đầu, gia đình Đạt phản đối, song sau khi nghe con trai lý giải hợp lý, cả nhà bớt lo lắng và động viên anh.
Làm việc ở tiệm phở, mức lương ngày Tết cao gấp nhiều lần so với ngày thường, lại được bao ăn uống, nên Đạt rất hài lòng với sự lựa chọn của mình. Anh hy vọng tích lũy một khoản kha khá để gửi về nhà phụ giúp cha mẹ, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch cá nhân sau Tết. Tết cận kề khiến Đạt chạnh lòng bởi anh thèm cái không khí sum vầy bên gia đình, người thân. Tuy nhiên, Đạt lại nhận ra đây là khoảng thời gian quý báu để học cách tự lập, khẳng định sự thích nghi của bản thân.
"Qua công việc phục vụ thực khách trong những ngày Tết, chắc chắn tôi sẽ mở rộng thế giới quan, thấu hiểu sự vất vả và càng trân trọng thành quả lao động" - Đạt quả quyết. Anh đã tìm hiểu kỹ về nhà tuyển dụng để tránh rủi ro và tự dặn lòng không quá tham công tiếc việc làm ảnh hưởng sức khỏe.
Làm giàu vốn sống
Với Lê Nghi Thuận, sinh viên Trường Đại học Greenwich (Việt Nam), đi làm dịp Tết không chỉ vì mức thu nhập hấp dẫn mà còn để trau dồi kỹ năng sống. Hiện đang theo học ngành Quản trị sự kiện, Thuận đã tham gia đóng một vài phim ngắn và làm cộng tác viên cho các cuộc thi, các lễ hội. Bên cạnh đó, Thuận duy trì công việc tại một quán cà phê ở quận Bình Tân. Cô đảm nhận công việc pha chế, nhận đơn và dọn dẹp vệ sinh. Mỗi tuần, cô làm khoảng 4-5 ca, mỗi ca 4-6 giờ. Không có kế hoạch du xuân nên Thuận đăng ký làm việc xuyên Tết. "Với mức lương nhận được gấp 3 lần ngày thường, tôi hy vọng có khoản tiền kha khá chi trả cho chuyện cá nhân, còn lại để tiết kiệm" - Thuận chia sẻ.
Tuy vậy, Thuận vẫn dành hẳn mùng 2 Tết để sum họp cùng đại gia đình. Với cô, như vậy là Tết cũng đủ đầy. Đây là năm đầu tiên Thuận đi làm xuyên Tết, nhân viên của quán làm việc những ngày này đa số đều là sinh viên. Vì vậy, Thuận và các bạn trẻ dễ dàng kết nối, quan tâm và hỗ trợ nhau. Nhờ đi làm thêm mà Thuận cải thiện được khả năng giao tiếp, làm chủ cảm xúc, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Với cô, đó là một cách học hỏi hiệu quả từ thực tế cuộc sống bên cạnh việc học tập.
TS ngành quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang, người sáng lập Tổ chức Hướng nghiệp và Kỹ năng QEdu, phân tích: "Bạn trẻ tranh thủ đi làm trong các ngày lễ mà không về nhà sum họp gia đình cần nhận thức đó không phải là điều tiêu cực. Hãy tận dụng công nghệ để duy trì liên lạc với người thân". Những cuộc gọi video, tin nhắn đều đặn sẽ giúp mọi người cảm thấy gần gũi dù khoảng cách địa lý xa xôi. Mặt khác, đừng quên tìm kiếm và tạo ra những khoảnh khắc ý nghĩa ngay tại nơi làm việc. Những giây phút chia sẻ, ăn uống cùng đồng nghiệp giúp tạo dựng mối quan hệ và đem lại sự hứng khởi.
Theo TS Quang, bạn trẻ cần chú ý chăm sóc bản thân. Dù công việc có bận rộn vẫn phải ăn uống, nghỉ ngơi và vận động hợp lý. Đi làm dịp Tết giúp rèn luyện tinh thần kỷ luật, trách nhiệm và khả năng tự lập, tích lũy kinh nghiệm, tài chính và xây dựng nền tảng cho tương lai. "Mọi nỗ lực hôm nay sẽ đem lại trái ngọt ngày mai. Một mùa Tết xa nhà không phải là mất mát, mà là cơ hội để bạn trẻ trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Hãy duy trì tinh thần lạc quan và sẵn sàng đón nhận thử thách" - TS Nguyễn Vinh Quang nhắn nhủ.
Theo Thùy Liên - Trúc Thủy (TPO)