Bàn về kỳ nghỉ hè của học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lại một năm học nữa sắp kết thúc. Đa số học sinh mừng vui khi được tận hưởng kỳ nghỉ với 3 tháng hè đầy thú vị. Nhiều em được gia đình sắp xếp tổ chức một kỳ nghỉ với những chuyến hành trình khám phá các vùng đất mới hấp dẫn. Đó là với những gia đình có điều kiện và họ ý thức được rằng những chuyến đi ấy sẽ góp phần trang bị các tri thức thực tế và kỹ năng sống cần thiết. Tuy nhiên, đa phần học sinh hiện nay, dù ở nông thôn hay đô thị, đều bị “hút” vào những lớp học hè.

Nhiều chuyên gia giáo dục qua khảo sát đã nhận xét rằng, nếu so sánh năng lực học tập của học sinh Việt Nam với các em cùng lứa tuổi ở các nước phát triển khác thì chúng ta không thua kém là bao; thậm chí ở một số kiến thức bộ môn, học sinh của ta còn vượt trội. Tuy nhiên, kỹ năng sống, ý thức cộng đồng, tính tự lực của học sinh Việt Nam còn cách một khoảng khá xa so với học sinh các nước tiên tiến. Có lẽ sự chênh lệch này căn bản nằm ở triết lý giáo dục. Bởi các nước tiên tiến không đơn thuần xem giáo dục là trang bị kiến thức mà quan niệm giáo dục là sự khai phóng với mục tiêu “học để biết, học để làm, học để tồn tại và học để chung sống”.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Ngày nay, nhờ các phương tiện thông tin hiện đại với mạng kết nối toàn cầu, một bộ phận người Việt đã tiếp cận với các nền giáo dục hiện đại nên họ cởi mở hơn trong việc giáo dục, như không can thiệp quá sâu vào sự chọn lựa sở thích học tập của con em; không ép con học quá mức mà thường cân đối thời gian hợp lý giữa chơi và học; giữa rèn luyện phát triển thể chất và trí tuệ; giữa sinh hoạt cá nhân và cộng đồng… Đồng thời, những năm qua, về vĩ mô, chúng ta đã nhiều lần xem xét cải cách giáo dục với mục tiêu đào tạo học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới-thời đại của những công dân toàn cầu. Với cơ cấu chương trình giáo dục mới sẽ được đưa vào giảng dạy trong vài năm tới, các nhà nghiên cứu giáo dục đã lược bớt những kiến thức hàn lâm mà đưa vào chương trình phổ thông những giá trị nội dung cơ bản, thiết thực với cuộc sống hiện tại và tương lai.

Từ những thay đổi có tính đột phá này, nhiều nhà giáo dục đề nghị nên chia kỳ nghỉ hè 3 tháng của năm học ra nhiều đợt, có thể là 2 kỳ nghỉ trong một năm học. Theo đó, các em sẽ không bị gián đoạn việc học quá lâu, làm kiến thức rơi vãi. Trong thời gian nghỉ ngắn vào các mùa khác nhau, các gia đình sẽ có điều kiện sắp xếp để con em tham gia vào những hoạt động xã hội hoặc đi du lịch, trải nghiệm thực tế trong những môi trường các em yêu thích… Bên cạnh đó, lại có ý kiến nên rút ngắn thời gian nghỉ hè của các em xuống còn 2 tháng. Điều này không hợp lý vì như vậy có nghĩa là tăng thời lượng học tập của các em từ 9 tháng lên 10 tháng, trái với cơ cấu chương trình giáo dục và tâm sinh lý lứa tuổi.

Về mặt khoa học giáo dục, kỳ nghỉ hè của học sinh được xem như là “học kỳ III” của một năm học hoàn chỉnh. Bởi vậy, vấn đề nghiên cứu chương trình cho một “học kỳ ngoài nhà trường” là đề tài cần được quan tâm để có thể ứng dụng vào thực tế đang còn bỏ ngỏ hiện nay.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm