Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bâng khuâng một thuở học trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đời người như một dòng sông. Mỗi khúc sông dù êm đềm hay gập ghềnh, trắc trở đều lưu lại những dấu ấn khó quên làm nên vẻ đẹp riêng có. Và trong những khúc sông cuộc đời, mấy ai dễ quên đi một thời đèn sách, một thuở học trò với bao kỷ niệm trường lớp.
Từ cái ngày bước chân vào lớp 1, dù đã xa tít tắp mà vẫn đáng yêu đáng nhớ vô cùng! Nhớ buổi đầu tiên đi học, mẹ dắt ta bước trên con đường làng ngập nắng vàng. Hai bên đường, những bông xuyến chi trắng tinh khôi rung rinh trong gió như vẫy gọi. Mẹ bảo ở trường có nhiều thầy cô, bạn bè, lại được học nhiều điều hay, sẽ vui lắm! Vậy mà khi thấy dáng mẹ khuất ngoài cánh cổng trường đang từ từ khép lại, nước mắt ta bỗng cứ thế nhạt nhòa!
 Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Yêu sao cái tuổi ăn tuổi học còn hồn nhiên, vô tư biết mấy! Dù biết cảnh nhà còn khó khăn, ba mẹ còn phải cực nhọc nhưng cũng chưa bao giờ để cho ta phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Ta dường như được “bao cấp” để chuyên tâm chuyện học hành. Và trong tiếng trống trường vang vang có cả tiếng cười của tuổi học trò vô tư, tinh nghịch. Nắng sân trường cũng trở nên tươi vui hơn bởi tiếng nói cười trong trẻo, rộn rã của lũ học trò như bầy ong vỡ tổ túa ra mỗi khi tan lớp. Cái tuổi chia từng cái kẹo, viên phấn, viết chung một mẩu bút chì đã ngắn cũn, nghĩ lại thấy ngộ nghĩnh, đáng yêu vô cùng.
Thuở học trò, ta như con thuyền chở đầy mộng mơ, như cánh diều vươn theo những ước mơ bất tận. Bắt đầu là những giấc mơ như trong truyện cổ tích. Ta thấy mình là dũng sĩ, ông tiên… phiêu du trong những khu rừng kỳ diệu. Lớn lên một chút, nếu cảm phục trước một tấm gương nào đó, ta đã không ngần ngại nghĩ ngay, nói ngay hình ảnh của mình trong tương lai. Nào là mình sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư, ca sĩ, doanh nhân… Bao nhiêu chông gai phía trước hay những mảng khuất lấp sau ánh hào quang, ta nào đã nghĩ tới.
Thuở học trò, hằn sâu trong nỗi nhớ là tình yêu đầu đời. Ai lớn lên trong đời lại chẳng một lần yêu. Nhưng “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ). Nhớ một tà áo trắng thoáng bay giữa sân trường. Nhớ hàng tóc mai, điệu cười, ánh mắt trong ngần bên hàng phượng vĩ... Chỉ mới là thích thôi mà ta cứ mãi lẽo đẽo theo sau một bóng hình ai đó. Chỉ là cái chạm tay nhau thôi mà thương nhớ cả đời.
Thuở học trò, ý nghĩa nhất vẫn là tình thầy cô, bạn bè, những kỷ niệm trường lớp. Thầy cô dù có nghiêm khắc thế nào vẫn ăm ắp tình yêu thương với ta và luôn mong ta trưởng thành. Bạn bè trong lớp dù có lúc hờn giận đến chẳng thèm nhìn mặt nhau, vậy mà chỉ mấy ngày không gặp thôi đã buồn nhớ diết da. Những ngày rủ nhau tới nhà bạn chơi, những buổi liên hoan cuối năm, những lần chia tay cuối cấp… nhìn đâu đâu cũng thấy những kỷ niệm yêu thương khắc sâu vào miền nhớ.
Từ những nét chữ ê a ban đầu, ta biết đọc biết viết, biết đến chân trời tri thức rộng mở. Thương ba mẹ, nghĩ về tương lai, đã bao đêm ta làm bạn với đèn sách. Nhớ nhất là những lần thi cuối kỳ, cuối cấp, ta học quên cả ăn. Có khi ngủ thiếp luôn trên bàn học lúc nào chẳng biết. Và rồi đổi lấy là những nấc thang tri thức, học vị ta đã lần lượt chinh phục; đổi lấy tương lai rộng mở cùng với niềm tự hào của bản thân, gia đình, thầy cô.
Mỗi khi nghĩ về tuổi học trò, về Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (9-1), ta lại nhớ đến lời dạy, cũng là lời mong mỏi của Bác: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Có một thuở học trò đẹp và ý nghĩa như thế! Một thuở để nhớ, để yêu…
XANH NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm