(GLO)- Được đưa về từ đảo xa nắng gió, những cây bàng vuông vẫn kiêu hãnh bám rễ, vươn cành, bung tỏa từng đóa hoa mang vẻ đẹp thật đặc biệt trên cao nguyên Gia Lai. Trong những ngày đầu xuân này, cùng bao loài cây khác, chúng vẫn khẳng định được sức sống mãnh liệt, góp cho đời một dáng xanh mang biểu tượng vùng đất thiêng liêng của Tổ Quốc: Trường Sa.
Cây bàng vuông kiêu hãnh vươn cành tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Duyên |
1. Năm 2010, cùng với 21 tảng đá chủ quyền, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam còn trao tặng tỉnh Gia Lai 10 cây bàng vuông. Sau hơn 10 năm, có 7 cây đã bám rễ và sinh trưởng tốt.
Kỹ sư lâm nghiệp Trần Thị Hiên-người chuyên chăm sóc cây xanh ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) cho biết: Hiện có 3 cây ở phía đường D1, những cây còn lại ở đường Anh Hùng Núp. Đây là 2 con đường xinh đẹp nằm bên hông Quảng trường. Cùng với hàng trăm loài cây xanh tốt nơi đây, bàng vuông mang dáng vẻ khó trộn lẫn: cành vươn thẳng, lá to bản với những đường gân nổi rõ. Không chỉ tạo mảng xanh, tận dụng đặc điểm này, nơi đảo xa, cán bộ, chiến sĩ đã rất sáng tạo khi dùng lá bàng vuông để gói bánh chưng ngày Tết.
Theo chị Hiên, có 2 cây bàng vuông tại Quảng trường đã ra hoa. “Lần đầu tiên tôi thấy hoa của chúng. Không ngờ là hoa kiểu đó, nhìn lạ và đẹp lắm, rất khác với những loài hoa còn lại”- chị Hiên hào hứng cho hay.
Quả thật, hoa bàng vuông đẹp lạ: Khi hoa nở, nhụy đồng loạt bung ra, có màu trắng phớt hồng, mỗi dấu chấm 1 nhụy vàng, nhìn như chùm pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời. Cũng như hoa quỳnh, bàng vuông chỉ nở về đêm, hương thơm thanh khiết.
Chị Hiên chia sẻ: “Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, mình vui lắm. Vui vì công chăm sóc, tưới nước, tỉa cành… của mình và tất cả anh chị em đã cho kết quả”.
2. Ngoài những cây bàng vuông nói trên, nhiều nơi khác cũng thấp thoáng bóng dáng loài cây này, xuất phát từ tình yêu biển, đảo của những người từng được đặt chân đến vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Nhắc đến cây bàng vuông đang vươn cành trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Khuất Đình Viện nhớ lại: Đó là cây bàng vuông ông được Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân tặng nhân chuyến thăm quần đảo Trường Sa năm 2011.
“Hồi đó, tôi mang một số thứ ở Trường Sa về, trong đó có một ít cát và 1 cây bàng vuông. Tất cả đều rất thiêng liêng. Tôi định trồng cây bàng vuông này trong khuôn viên Báo Gia Lai, nhưng thủ trưởng cơ quan đề nghị nên tặng Tỉnh ủy. Lúc mang về, tôi không chắc nó sẽ sống được trên đất liền, nhưng không ngờ đến nay cây cao khoảng 3 m rồi. Thấy cây sinh trưởng tốt, tôi cũng vui lây”-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai bồi hồi.
Hoa bàng vuông bung tỏa giữa vùng "chảo lửa" Krông Pa. Ảnh: Phương Duyên |
Trong khuôn viên trụ sở Huyện ủy Krông Pa cũng có 1 cây bàng vuông được ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-mang về từ chuyến thăm Trường Sa năm 2015. Khi đó, ông Mạo đang là phóng viên Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện.
“Tác nghiệp một mình, vừa mang máy quay, vừa vác chân máy rất cồng kềnh nhưng tôi tâm niệm bằng mọi giá phải mang 1 cây bàng vuông hoặc cây phong ba về trồng. Tôi đến mỗi đảo, cán bộ, chiến sĩ lại tặng 1 cây, tổng cộng là 4 cây. Mỗi khi lên xuống cầu cảng, ba lô, máy móc… vướng víu đủ kiểu nhưng tôi vẫn cố gắng mang về hết”-ông Mạo kể.
Tuy nhiên, trong 4 cây bàng vuông ông Mạo mang về trồng, chỉ có 1 cây ở khuôn viên Huyện ủy là sống được đến giờ. Năm 2019, cây bắt đầu ra hoa sau thời gian làm quen với thời tiết vùng “chảo lửa”. Năm nay, “nữ hoàng của đảo” lại tiếp tục khoe sắc.
Ông Mạo cho hay: “Tôi rất mừng, thường xuyên chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây. Lần nào họp ở Hội trường Huyện ủy, tôi cũng đều ghé qua thăm nó. Cảm giác của tôi là vui và tự hào. Gần đây, có 1 cây nữa cũng được trồng thêm”.
Mùa này, bàng vuông đang độ ra hoa. Càng cảm nhận sức sống chảy trong từng thân cành, càng hiểu vì sao chúng được chọn là loài cây của đảo, bạn của lính. Mạnh mẽ vươn cao giữa phố thị, chúng như chỗ dựa tinh thần to lớn, để lòng người luôn vẹn một niềm tin rằng, Tổ quốc nơi đầu sóng luôn kiêu hãnh và vững chãi…
PHƯƠNG DUYÊN