Có lần tôi và anh Dũng ngồi tâm sự với nhau trong ngôi nhà sàn của đồng bào Tày ở làng Pinh, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang), nơi được mệnh danh là "thủ đô" của lính Vị Xuyên.
LTS: Sau chiến tranh, những người lính ở chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) trở về quê hương, mang trên mình những vết thương cả về thể xác lẫn tâm hồn. Họ lại dùng chính sức lao động của mình để tự hàn gắn vết thương thể xác và lấp đầy những khoảng trống trải của tâm hồn. Những bánh xe lăn vẫn bền bỉ, tự tin quay một cách thầm lặng trên những chặng đường đời...
Thương binh Nguyễn Công Dũng (sinh năm 1964 tại Thanh Trì. TP.Hà Nội) bị đạn của kẻ địch tiện mất chân phải lúc mới 20 tuổi ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Anh đã từng bị khủng hoảng tâm lý đến mức muốn kết thúc cuộc đời mình. Được gia đình động viên, anh đã tự tin để làm chủ cuộc sống của mình và bắt đầu lại từ chiếc xe chở hàng 3 bánh. Cứ có khách gọi chở hàng là anh lại lắp chân giả vào, lên đường mưu sinh.
Ngày bỏ chân lại chiến trường
Có lần tôi và anh Dũng ngồi tâm sự với nhau trong ngôi nhà sàn của đồng bào Tày ở làng Pinh, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang), nơi được mệnh danh là "thủ đô" của lính Vị Xuyên, anh kể: "Đã 37 năm rồi, mình vẫn chưa thể nào quên được buổi chiều hôm đó. Khoảng 3 giờ ngày 23/12/1984, lính Trung Quốc dùng H12 - một loại pháo phản lực, bắn cấp tập vào trận địa của ta. Khi chiến trường yên ắng trở lại, tôi và một số đồng đội ra thu dọn trận địa, khôi phục lại công sự thì nghe tiếng xẹt ở gần mình, tôi ngất lịm đi. Tỉnh dậy, thấy đồng đội đang cõng mình, chân phải bị tiện đứt chỉ còn ít da và gân dính lủng lẳng. Về đến trạm phẫu làng Pinh, biết chân tôi không thể cứu được, anh em tự dùng tay dứt bỏ. Tôi đau đớn vô cùng, không hiểu chuyện gì xảy ra với mình".
"Mình chỉ cần trời thương mà cho sức khỏe, lái được xe, ngoài kiếm cơm nuôi gia đình, thì mỗi khi bạn bè đồng đội năm xưa ốm đau, hiếu hỉ... mình đều tham gia đầy đủ. Mình cũng có ý thức phải tự phấn đấu, rèn luyện bản thân để đóng góp nhiều công sức hơn nữa cho gia đình và xã hội".
Thương binh Nguyễn Công Dũng
|
Anh Dũng dừng lại một chút rồi kể tiếp: "Những ngày sau khi bị thương mới là những ngày khủng khiếp nhất đối với tôi. 20 tuổi, tôi không thể hình dung mình bị cụt một chân thì cuộc sống sẽ thế nào? Tôi mặc cảm, bất mãn. Và đôi khi, tôi không thiết sống nữa".
Giữa những tháng ngày khủng hoảng đó, được sự chăm sóc tận tình, động viên của đồng chí, đồng đội, nhất là khi mẹ anh lặn lội lên tận khu điều dưỡng thương binh ở Vĩnh Phúc chăm sóc anh, khát khao được sống bình thường lại trở về trong anh. Quay trở lại tập luyện để phục hồi sức khỏe, anh Dũng được lắp chân giả, rồi tập đi, tập chống đẩy...
Sau những năm tháng được điều trị ở trại điều dưỡng thương binh, anh Dũng trở về quê ở Thanh Trì, TP.Hà Nội, với thương tật vĩnh viễn 57% và mắc một số bệnh kinh niên di chứng của chiến tranh.
Anh Dũng cười chia sẻ: "Khi đó, vừa là thương binh, vừa là bệnh binh, tôi chính thức tái hòa nhập cộng đồng. Do tính tôi vui vẻ, hòa đồng từ hồi đi học nên bạn bè quý mến, thường xuyên qua thăm hỏi, động viên. Rồi tôi gặp bà xã Nguyễn Thị Phương, chúng tôi làm bạn đời của nhau đến năm 1989 thì tôi có cậu con trai đầu lòng".
Chỉ có điều vết thương ở chân phải của anh Dũng, mỗi khi thay đổi thời tiết lại đau nhức, nhất là những hôm trời trở rét. Cảm giác buốt đến tận đỉnh đầu cứ xâm chiếm mọi cảm giác của anh. Những lúc đó, anh không thể làm việc gì được, chỉ nằm ôm chân...
Trong những ngày tháng 7 này, tôi và anh Dũng thường xuyên trò chuyện thăm hỏi nhau. Anh khoe: "Mình mấy năm nay may mắn lắm bạn ạ! Sau 35 năm, mình đã tìm được anh Tuân - Trung đội trưởng cũ, ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), người đã cõng mình từ nơi bị thương về trạm phẫu, thông qua ban liên lạc của Sư đoàn 356. Gặp được đồng đội, lại là ân nhân của mình là mình mừng lắm rồi, không còn day dứt điều gì trong cuộc đời quân ngũ nữa".
Ước mơ của người lính
Cũng như nhiều thương binh khác trở về cuộc sống đời thường, vợ chồng anh Dũng gặp vô vàn khó khăn.
"Mình lớn lên chưa kịp học hành bằng cấp gì đã gác sách vở ôm súng đi bảo vệ biên giới nên khi là thương binh về địa phương, mình cũng chỉ đi làm được bảo vệ thôi. Cuộc sống khó khăn quá nên cách đây gần chục năm, được bạn bè nhường cho chiếc xe ba gác, mình quay sang làm nghề vận tải, ai thuê chở gì thì chở đó. Mình dễ tính, tuy đi chân giả và phải chống nạng, nhưng thấy khuân được cái gì cũng không nề hà, lấy tiền cước cũng vừa phải nên bà con, bạn hàng cứ người này, giới thiệu cho người khác nên việc đều".
"Phụ cấp thương binh của mình mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng. Con cái đi học thì được miễn giảm học phí, cuộc sống của gia đình đã dễ chịu hơn rất nhiều"- anh Dũng phấn khởi nói thêm.
Chỉ vào chiếc xe, anh Dũng cho biết, chiếc xe này gắn bó với anh từ lâu và có rất nhiều kỷ niệm. Có lần anh chở đồng đội đi từ Hà Nội lên tận chiến khu cách mạng Tân Trào (Tuyên Quang). Anh vẫn dự định ngày nào đó sẽ lái chính chiếc xe kiếm cơm của mình thăm lại chiến trường xưa...
Cuộc nói chuyện của chúng tôi và anh Dũng bị cắt ngang bởi điện thoại khách cần chở hàng đi Yên Viên (Gia Lâm).
Chia tay tôi anh bảo: "Dịch Covid - 19 thế này, người ta tìm xe tải hiếm lắm, mà giá lại đắt, mình sẵn sàng chở cho họ với giá cả vừa phải. Cũng là cách hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua dịch bệnh. Có như thế nào thì bánh xe cuộc đời vẫn phải quay không dừng lại được...".
Theo Gia Tưởng (Dân Việt)