Bảo đảm quyền lợi của giám định viên tư pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với những người làm công tác giám định tư pháp, thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng mực đối với những đóng góp tích cực của đội ngũ giám định viên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự. Theo Quyết  định 74/2009/QĐ-TTg, mức bồi dưỡng giám định thấp nhất là 80.000 đồng/lần giám định trên người sống, cao nhất là 3 triệu đồng/trường hợp giám định trên người chết quá 7 ngày và phải khai quật…

Ban chỉ đạo cải cách tư pháp kiểm tra tình hình cải cách tư pháp tại huyện Đak Đoa. Ảnh: Sơn Ca
Ban chỉ đạo cải cách tư pháp kiểm tra tình hình cải cách tư pháp tại huyện Đak Đoa. Ảnh: Sơn Ca
Mặc dù chưa thành lập Trung tâm Giám định Pháp y (GĐPY) hoặc đơn vị pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng các bác sĩ- giám định viên pháp y tại đây đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) của tỉnh. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện 120 vụ giám định pháp y trên người sống, 116 vụ giám định pháp y tử thi. Bên cạnh hoạt động chuyên môn tại Bệnh viện, các bác sĩ- giám định viên (nhất là GĐVPY tử thi) luôn trong trạng thái sẵn sàng trực chiến, kịp thời có mặt tại hiện trường phối hợp cùng cơ quan điều tra giải quyết vụ án. Nghĩa vụ, trách nhiệm thì nhiều nhưng quyền lợi của đội ngũ giám định viên tư pháp- nhất là giám định viên pháp y tử thi chưa tương xứng. Bác sĩ Bạch Anh Hùng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đề nghị: “Chúng tôi rất mong sớm thành lập Trung tâm GĐPY độc lập, để hoạt động GĐPY và quyền lợi của giám định viên pháp y được đảm bảo. Đơn cử như trường hợp giám định viên thực hiện việc mổ tử thi tại hiện trường ở các huyện xa cũng chỉ được thanh toán 25.000 đồng/ngày công tác phí. Trong khi nhân sự thuộc quản lý của bệnh viện, được yêu cầu thực hiện phối hợp giải quyết vụ án với cơ quan điều tra nhưng chi trả công tác phí lại thuộc trách nhiệm của Bệnh viện!”.

Không thành lập được một đơn vị GĐPY độc lập nên từ trụ sở, trang- thiết bị, kinh phí và đặc biệt là vấn đề nhân sự-hầu hết chưa được đào tạo chuyên sâu để phát huy hiệu quả tối đa trong công tác giám định cũng như chưa khích lệ được sự tham gia cống hiến hết mình của đội ngũ giám định viên. Mặc dù trong hệ thống trung tâm y tế từ tỉnh đến huyện đều có các giám định viên pháp y nhưng đối với các trường hợp giám định nguyên nhân tử vong thì chỉ có bác sĩ Dương Thành Hổ và bác sĩ Nguyễn Kim Đức (thuộc Khoa Giải phẫu bệnh- Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là hai giám định viên chuyên thực hiện giải phẫu tử thi và mô tả đại thể. Là những người trực tiếp gắn bó với nghiệp giải phẫu pháp y tử thi- một công việc lặng thầm mà cực kỳ vất vả, những thành công hay vinh danh trong nghề cũng chưa được nhìn nhận cụ thể, trong khi đó phải thường xuyên đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao khi phải giải phẫu tử thi phải khai quật, tử thi nhiễm bệnh nguy hiểm…

Trước những thay đổi trong chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp của Quyết định 74/2009/QĐ-TTg, bác sĩ- giám định viên pháp y Nguyễn Kim Đức nhìn nhận: “Mặc dù đến thời điểm này mức bồi dưỡng theo Quyết định 74 chưa được triển khai thực hiện, nhưng với chúng tôi- những người gắn bó với công tác giám định tư pháp rất phấn khởi. Đây là sự ghi nhận tương xứng  công sức, trí tuệ của giám định viên tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án”. 
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm