Báo Gia Lai: Chú trọng tuyên truyền mối liên kết giữa các vùng kinh tế động lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với 6 kỳ báo/tuần, báo ảnh bằng 3 ngôn ngữ Kinh-Jrai-Bahnar và Gia Lai Điện tử, Báo Gia Lai luôn dành một trang kinh tế với nhiệm vụ bao quát toàn bộ diện mạo kinh tế của tỉnh từ các ngành, lĩnh vực đến  các địa phương. Dĩ nhiên, vùng kinh tế động lực luôn là ưu tiên số một.

Tin, bài, hình ảnh tuyên truyền trên báo hướng trọng tâm vào việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Theo đó, trong phát triển không gian đô thị, TP. Pleiku trở thành đô thị trung tâm của tỉnh, đồng thời là trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên; phát triển mạng lưới đô thị vệ tinh gồm thị trấn Chư Sê là đô thị loại IV, trung tâm vùng phía Tây Nam với các đô thị hỗ trợ bao gồm các trung tâm huyện, xã của các huyện Chư Pah, Đak Đoa, Chư Sê; đô thị Đông Tây gồm thị xã An Khê (đô thị loại III), Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) và thị trấn Chư Ty; phát triển các thị trấn, trung tâm các xã thuộc các huyện Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, Mang Yang, An Khê, Kông Chro, Kbang; đô thị Đông Nam gắn với trung tâm thị xã Ayun Pa.

 

Một góc TP. Pleiku. Ảnh: N.G
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: N.G

Báo cũng thông tin nhanh nhạy, kịp thời quy hoạch vùng kinh tế và việc triển khai trên thực tế. Nhiều tin, bài góp phần để vùng Đông Trường Sơn phát huy lợi thế đất phù sa mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Vùng Tây Trường Sơn tập trung phần lớn diện tích đất bazan cho phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, chè, gắn với công nghiệp chế biến hàng hóa nông sản xuất khẩu và phát triển công nghiệp.

Đặc biệt, nội dung tuyên truyền các vùng kinh tế động lực của tỉnh không chỉ là tiềm năng, thế mạnh mà còn là kết quả đầu tư xây dựng và phát triển thành vùng chuyên canh, gắn với việc quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến, việc chuyển đổi cơ cấu cây-con giống, đào tạo nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng, sơ chế biến, bảo quản và tìm đầu ra cho sản phẩm thành một quy trình khép kín cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị vững bền của vùng kinh tế động lực. Hàng trăm tin, bài, hình ảnh xuất hiện trên báo Gia Lai đã khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương quy hoạch xác định vùng kinh tế từng khu vực, vùng kinh tế động lực của tỉnh có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đối với các vùng, các địa phương khác của tỉnh.

Sự đổi thay tích cực trong đời sống và sản xuất của nhân dân vùng kinh tế động lực và vệ tinh của vùng đó là sự minh chứng cho tầm nhìn xác thực và chiến lược của cấp ủy, chính quyền các cấp và nỗ lực của nhân dân. Phát triển vùng nguyên liệu giấy, vùng nguyên liệu mía đường vùng kinh tế động lực phía Đông và Đông Nam tỉnh gắn với các cơ sở chế biến đã phát huy tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp hàng ngàn hộ dân 2 khu vực này đổi đời, khắc phục tình trạng phá rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội một cách căn bản.  

Cùng với những mô hình hay, kết quả tích cực thu được từ vùng kinh tế động lực, trong quá trình nghiên cứu, thâm nhập thực tế, Báo Gia Lai cũng đã phản ánh chân thực, khách quan, có định hướng đối với những hạn chế, vướng mắc ở các vùng kinh tế động lực. Cụ thể là Báo Gia Lai đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý, khai thác của Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Đó có thể là sự đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu mở rộng, hiện đại. Đó là  tình trạng xuống cấp một số hạng mục tại cửa khẩu. Đó có thể là địa phương còn thiếu chính sách đủ sức kích thích các thành phần kinh tế đến đầu tư khai thác cửa khẩu để kinh doanh, xuất khẩu. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Báo Gia Lai phản ánh tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu (mủ cao su, hạt cà phê, mía nguyên liệu) khi thị trường có những biến động lớn vốn đã xảy ra từ nhiều năm nay mà các nhà máy, các cơ sở chế biến ở Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum…

Không bó hẹp trong phạm vi địa phương, nhiều năm qua, Báo Gia Lai cũng đã tích cực khai thác và chuyển tải thông tin về các định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vùng kinh tế động lực trong cả nước. Những chủ trương mới, kinh nghiệm hay, bài học quý, mô hình hiệu quả, đều được thông tin kịp thời trên mục “Tây Nguyên trên đường phát triển”, “Kinh nghiệm tỉnh bạn”… Ví như những sáng tạo để níu chân du khách trong cách làm du lịch ở Hội An, Huế. Rồi chính sách khai thác và huy động nguồn lực để phát triển kinh tế ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Thành công và những kinh nghiệm ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, Nhơn Hội… Những kết quả và kinh nghiệm giúp ích rất nhiều cho Gia Lai trong phát triển và hội nhập.

Thất Sơn

Cần có sự liên kết trong tuyên truyền

L.T.S: Hôm nay (14-11), tại TP. Kon Tum, Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ III (vòng IV) chính thức khai mạc trong niềm hân hoan của những người làm báo. Bên lề hội thảo, P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với một số nhà báo xung quanh vấn đề này.

* Nhà báo ĐINH KHẮC AN-Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên-Huế:


 

“Tuyên truyền liên kết phát triển giữa các vùng kinh tế” là một chủ đề hay, đậm tính thời sự được Báo Kon Tum lựa chọn để các báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên tập trung bàn luận trong Hội thảo báo Đảng lần này.

Ở Báo Thừa Thiên-Huế, việc tuyên truyền liên kết giữa các vùng kinh tế cũng luôn được Ban Biên tập quan tâm, dành một phần dung lượng lớn phản ánh, tuyên truyền việc này trên báo, từ vấn đề liên kết các vùng trong nội thị, các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến việc liên kết với các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Quảng Bình.

Thực tế cho thấy, tuyên truyền liên kết phát triển giữa các vùng kinh tế động lực đã đem lại những hiệu quả lớn. Tôi cho rằng, để làm tốt nội dung này thì công tác phối hợp để tạo sự gắn kết giữa các báo nói riêng, giữa các tỉnh trong khu vực nói chung là một việc làm hết sức cần thiết và cần được tăng cường hơn nữa. Theo đó, cần có được sự ràng buộc giữa các tỉnh bằng cách tạo sự liên kết giữa các báo với các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp ở các địa phương; đồng thời tạo sự gắn kết giữa các báo qua đầu mối là các phóng viên.

* Nhà báo LÊ ĐỨC VƯƠNG-Phó Tổng biên tập Báo Quảng Ngãi:

 

 

Tham gia hội thảo báo Đảng lần này, Báo Quảng Ngãi hy vọng sẽ có thêm nhiều hơn kinh nghiệm quý giá trong công tác tuyên truyền về liên kết phát triển giữa các vùng kinh tế của các báo bạn; đặc biệt là việc trao đổi thông tin, hỗ trợ tác nghiệp giữa các báo với nhau trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Để làm tốt công tác này, Tổng Biên tập của các báo cần ngồi lại và có sự bàn thảo kỹ lưỡng. Theo tôi, các cơ quan báo nên mở các văn phòng đại diện tại các tỉnh trong khu vực, qua đó vừa tuyên truyền vừa kết hợp phát hành báo.

Qua tìm hiểu thực tế tôi cho rằng, việc Báo Gia Lai xây dựng một hệ thống cộng tác viên ở các báo trong khu vực, đã phát hành báo Gia Lai tại Kon Tum và trong thời gian tới sẽ mở rộng tới các tỉnh khác là một việc làm rất hiệu quả, có tác dụng tích cực trong công tác tuyên truyền về liên kết phát triển giữa các vùng kinh tế.

Đặc biệt, Gia Lai điện tử đã dành một phần diện tích không nhỏ phản ánh tin thức thời sự, sự kiện diễn ra tại các tỉnh trong khu vực nói riêng, các tỉnh thành trong cả nước nói chung cũng như các vấn đề quốc tế đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, nhất là đối với những người ở tỉnh ngoài đến công tác và làm việc trên đất Gia Lai. Cũng chính nhờ làm tốt điều này nên Báo Gia Lai đã có sự phát triển vượt trội cả về hình thức lẫn nội dung.

* Nhà báo MINH HẢI-phóng viên Báo Quảng Nam:

 

 

Mỗi lần đến Gia Lai là mỗi lần trong tôi lại ngân lên những xúc cảm mới mẻ, thôi thúc tôi khám phá, tìm hiểu về đất và người nơi đây, khi trò chuyện với các đồng nghiệp đang công tác tại Báo Gia Lai cũng như một số người dân tôi gặp gỡ trên đường, tôi càng hiểu rằng, các bạn phóng viên của Báo Gia Lai thực sự đang được sống, gắn bó và tác nghiệp ở một vùng đất giàu tiềm năng, có sự hài hòa về sinh thái và ấm áp tình người.

Đem soi những gì tôi nắm bắt được về Gia Lai, tôi cho rằng, sự khai phá về tiềm năng du lịch của Gia Lai đang còn bỏ ngỏ, dịch vụ du lịch chưa được chú trọng và đây là một trong những nguyên nhân khiến sự liên kết phát triển giữa các vùng kinh tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa cao.

Ở Hội An, chỉ với hình ảnh một con trâu cày ruộng, hình ảnh một người nông dân đang làm cỏ cũng có thể là đối tượng cho khách du lịch khám phá. Tôi thấy hơi tiếc khi những hình ảnh rất đẹp trong lao động sản xuất của những công nhân hái chè, công nhân cạo mủ cao su và rất nhiều vấn đề khác nữa chưa được Gia Lai biến thành thế mạnh trong việc phát triển nền công nghiệp không khói của tỉnh…

Thái Bình (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm