Báo Gia Lai là tờ báo được ra đời rất sớm ở Tây Nguyên và khu vực, chỉ sau 2 năm thành lập nước (2-9-1945). Ngày 16-3-1947, Tỉnh ủy lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh cho xuất bản tờ báo lấy tên “Sáng” làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Kể từ ngày ra đời đến nay, để phù hợp với tình hình cách mạng của mỗi giai đoạn trong 2 cuộc kháng chiến và trong xây dựng hòa bình, phù hợp với địa giới hành chính, báo đã nhiều lần đổi tên, Tờ báo có tên là “Sáng”, năm 1947, “Vững Tiến” năm 1955, “Thống Nhất” năm 1963, “Quyết Thắng” năm 1964, “Giải phóng” năm 1966. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, báo mang tên Gia Lai-Kon Tum.
Ảnh: Đức Thụy |
Báo Gia Lai những năm tháng đầu mới ra đời và trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, các thế hệ làm báo không quản khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh để xuất bản, phát hành tờ báo đến với nhân dân. Việc biên tập, ấn loát tờ báo được khắc trên đá, phát hành phải cất giấu, ngụy trang trong dụng cụ của đồng bào dân tộc thiểu số, số lượng phát hành hạn chế, nhưng tờ báo là nguồn khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, căm thù giặc sâu sắc của đồng bào các dân tộc để họ tin tưởng đi theo Đảng, Bác Hồ, đi theo Cách mạng đứng lên đánh giặc cứu nước, giải phóng quê hương.
Thời kỳ 1975-1987, báo xuất bản mỗi tuần 1 kỳ, số lượng phát hành từ 2.800 tờ đến 3.500 tờ/kỳ, in Ti-pô, chất lượng còn nhiều mặt hạn chế. Từ năm 1993 đến 1996, chuyển từ in Ti-pô sang in Offset để đảm bảo chất lượng, tăng kỳ xuất bản lên 2 kỳ/tuần và một kỳ Nguyệt san. Đến năm 1999, Báo Gia Lai tăng kỳ xuất bản lên 3 kỳ/tuần. Năm 2002, phát hành tờ báo Ảnh Gia Lai 3 thứ tiếng: Kinh, Bahnar, Jrai.
Ảnh: Đức Thụy |
Những năm gần đây, báo Gia Lai thường xuyên được cải tiến, phong phú về nội dung, đẹp và hấp dẫn hơn về hình thức, phản ánh nhanh nhạy nhiều mặt của cuộc sống, cung cấp cho độc giả và khán giả (trên trang điện tử) thông tin về nhiều mặt và nhiều chiều, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền và cổ vũ các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Nhiều nhà báo đã có công phát hiện, kiên trì, dũng cảm đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội và các tệ nạn xã hội nhức nhối khác.
Những người làm báo của Báo Gia Lai không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình mà còn tham gia vào các chương trình hoạt động từ thiện, xã hội từ những đồng lương của chính mình, như: Giải Việt dã truyền thống của tỉnh mang tên Báo Gia Lai, vận động các nhà hảo tâm tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội như Công ty Bia Huế, Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam, Bảo Việt Gia Lai, các Công ty Cao su, Báo Sài Gòn Giải Phóng... các nhà hảo tâm, quyên góp tiền, hàng hóa... ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi, người già cô đơn, nạn nhân trong các vụ thiên tai trong và ngoài tỉnh, tặng học bổng, tặng quà học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vượt khó học giỏi; xây nhà tình nghĩa, tình thương; phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Blinh tại xã vùng sâu Chư Krei (huyện Kông Chro)... trị giá hàng tỷ đồng.
Ghi nhận thành tích các thế hệ làm báo Gia Lai qua các thời kỳ, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Giải phóng hạng ba (năm 1963-1964); Huân chương Lao động hạng nhất, lần thứ nhất (năm 1997); Huân chương Lao động hạng nhất, lần thứ hai (năm 2002); Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2007); 6 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, cá nhân và nhiều bằng khen, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh tặng cá nhân và tập thể cán bộ phóng viên Báo Gia Lai.
Khuất Đình Viện