Bao giờ mới được kiểm soát ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều năm nay, sông Ayun đoạn chảy qua địa phận 2 xã Đak Jơ Ta và Ayun (huyện Mang Yang) luôn nằm trong tình trạng sạt lở bởi tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, làm nhiều hoa màu bị nước cuốn trôi, không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đồng thời, xe chở cát quá tải lưu thông ngày đêm trên tuyến đường 573 cũng đang trở thành nỗi lo của người dân nơi đây.

Nhức nhối nạn “cát tặc”

Sông Ayun đoạn chảy qua 2 xã Đak Jơ Ta và Ayun từ lâu đã trở thành nguồn cung cấp cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Mang Yang và các vùng lân cận. Mặc dù không được cấp giấy phép nhưng một số đối tượng vẫn lén lút khai thác cát để hưởng lợi. Tình trạng này càng phức tạp hơn khi bước vào mùa mưa ở một số khu vực, người dân tự ý làm các kè gỗ chặn cát lại, sau đó hút lên bờ để bán, hoặc sử dụng lưới chắn cát phục vụ cho việc khai thác cát trái phép của mình. Một số hộ gắn máy bơm vào cộ bò để vừa tiện khai thác cát vừa dễ tẩu thoát nếu có lực lượng chức năng kiểm tra.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo chân một người dẫn đường vào bãi khai thác cát ở thôn 5, chúng tôi thấy một máy bơm cùng nhiều đoạn ống hút cát từ dưới lòng sông lên trên bờ, bên cạnh, một chiếc máy múc lớn nằm chờ sẵn. Tìm hiểu, chúng tôi biết hiện tại chỉ có Công ty TNHH một thành viên Trang Đức (TP. Pleiku) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, nhưng số lén lút khai thác vào ban đêm bắt đầu tầm từ 23 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau thì rất nhiều.
 

Bà Phan Thị Ngọc Phượng-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang cho hay: Nạn khai thác cát đa số diễn ra vào ban đêm. Đoàn kiểm tra của huyện, xã đã tổ chức truy quét nhiều lần nhưng cũng không ăn thua. Khoảng 2 năm trở lại đây, “cát tặc” sử dụng lực lượng “cảnh giới” từ ngã ba Plei Bông đến dọc sông nên rất khó cho lực lượng chức năng khi kiểm tra. Mới đây, UBND huyện Mang Yang đã ban hành 2 văn bản về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện và tăng cường công tác tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp quá tải trọng trên tuyến đường từ xã Ayun ra ngã ba Plei Bông.

Chủ tịch UBND xã Ayun Nguyễn Văn Lộc cho hay: “Thường vào đầu năm, UBND xã yêu cầu các chủ hộ có phương tiện khai thác cát không được phép khai thác khi chưa có giấy phép. Tuy nhiên, vì có Công ty TNHH một thành viên Trang Đức hoạt động nên các chủ xe lợi dụng việc này trà trộn vận chuyển cát trái phép, lực lượng chức năng của xã rất khó phát hiện. Khó khăn lớn nhất hiện nay là xã không có quyền chặn xe ô tô để kiểm tra, nên việc kiểm soát, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền nên quy hoạch các điểm khai thác cát phù hợp, tổ chức đấu giá để người dân địa phương tham gia khai thác tạo cho họ việc làm ổn định, vì người dân ở đây (chủ yếu thôn 3 và thôn 5) không có đất sản xuất”.

Tiềm ẩn những nỗi lo

Tuyến đường 573 từ ngã ba Plei Bông đi vào 2 xã Ayun và Đak Jơ Ta vừa được đầu tư xây dựng cách đây chưa lâu, nhưng đã bị xe chở cát, sỏi quá tải hoạt động ngày đêm làm hư hại, gây bức xúc cho người dân. Đặc biệt, nguy cơ tai nạn giao thông từ các xe chở cát gây ra trên tuyến đường này là rất lớn.

Sinh sống ở đây đã lâu, ông Đặng Đức Trọng (thôn 2, xã Ayun) bức xúc: “Những năm trước đây, một số hộ dân khai thác cát thủ công, nhưng thời gian gần đây chuyển sang máy đào. Tuyến đường 573 đang mất an toàn bởi những xe chở cát quá tải hoạt động cả ngày lẫn đêm. Một số đoạn đường đã hư hỏng”. Cũng theo ông Đặng, trước đây sông Ayun hiền hòa và cạn, nhưng hiện nay đã biến đổi, lòng sông sâu, hai bên bờ sạt lở làm mất nhiều đất sản xuất của dân.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm