Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Những chuyển biến tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 7-6-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020, tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng lên; quyền lợi của người tham gia được đảm bảo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng nguồn quỹ BHYT từng bước được chú trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến người dân. Ảnh: Như Nguyện
Bảo hiểm Xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đến người dân. Ảnh: Như Nguyện
Cụ thể hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 55-CTr/TU để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về công tác BHXH, BHYT, phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Các ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện; đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị.
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm. Nhờ đó, tỷ lệ lao động tham gia BHXH, BHTN, người dân tham gia BHYT tăng lên qua các năm.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh có 78.667 người tham gia BHXH, chiếm 9,95% lực lượng lao động. Đến năm 2020, số người tham gia BHXH đã tăng lên 89.016 người, chiếm 11%. Năm 2012 có 62.097 người tham gia BHTN, chiếm 7,85% lực lượng lao động, đến năm 2020 tăng lên 69.730 người, chiếm 8,62%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 71,27% năm 2012 lên 90,1% vào năm 2020, vượt 0,1% so với mục tiêu Chương trình số 55-CTr/TU và vượt 10,1% so với chỉ tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT được đẩy mạnh, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT cho các đối tượng thụ hưởng được đảm bảo; mở rộng việc ký hợp đồng với các cơ sở khám-chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Ông Nguyễn Tiến Trường-Giám đốc BHXH huyện Chư Păh-cho biết: Toàn huyện có 74.390/78.297 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 95,01%; trên 5.000 lao động tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 12,11% so với lực lượng lao động và có 3.658 lao động tham gia BHTN, chiếm tỷ lệ 8,81%. Đặc biệt, nhận thấy quyền lợi thiết thực trong việc tham gia BHXH tự nguyện nên nhiều người dân đã tự nguyện tham gia. Toàn huyện có 540 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 68 người là dân tộc thiểu số.
Bảo hiểm Xã hội Gia Lai phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT đến người dân. Ảnh: Như Nguyện
Bảo hiểm Xã hội Gia Lai phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đến người dân. Ảnh: Như Nguyện
Đak Đoa cũng là địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT, BHTN. Bà Phùng Thị Châu-Giám đốc BHXH huyện Đak Đoa-thông tin: Toàn huyện có 3.395 người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 5,17% so với lực lượng lao động toàn huyện, tăng 35,64% so với năm 2012; có 105.017 người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số, tăng 29,65% so với năm 2012. Để làm tốt công tác phát triển đối tượng BHXH, huyện chú trọng duy trì và mở rộng mạng lưới đại lý thu. Toàn huyện có 53 đại lý thu BHXH, BHYT thông qua UBND các xã, thị trấn, Hội Liên hiệp Phụ nữ và qua hệ thống Bưu điện huyện. 
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt chỉ tiêu 15% như Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình số 55-CTr/TU đề ra; tỷ lệ bao phủ BHYT tuy vượt chỉ tiêu nhưng thiếu tính bền vững. Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh-chia sẻ: Nhằm tăng tỷ lệ dân số tham gia BHXH, BHYT theo chỉ tiêu Nghị quyết số 21, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục tăng cường rà soát phân nhóm đối tượng tiềm năng để triển khai công tác tuyên truyền, vận động người tham gia cho phù hợp. Giao chỉ tiêu cho từng công chức, viên chức trong ngành cũng như chỉ tiêu cụ thể cho các đại lý để thực hiện phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tổ chức phát động cuộc thi nước rút để thực hiện các chỉ tiêu.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, tiến tới nâng cao tỷ lệ người lao động tham gia BHXH, đồng thời hướng tới BHYT toàn dân mà Luật BHYT đã quy định. Bên cạnh đó, giải quyết kịp thời các chế độ cho người tham gia BHXH cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT theo chế độ quy định.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm