Bảo hiểm xã hội: Trụ cột đảm bảo an sinh xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội nhằm góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Những năm qua, tuy đối diện với nhiều khó khăn, thách thức song Gia Lai đã có nhiều giải pháp để mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.

Những kết quả ấn tượng

Việc thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các ngành, đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Chương trình số 68-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải cách chính sách BHXH theo hướng từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Một số chỉ tiêu về BHXH, bảo hiểm y tế đã được đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của tỉnh và các địa phương để triển khai thực hiện.

Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai đồng bộ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có hiệu quả nhằm phổ biến rộng rãi chính sách, pháp luật về BHXH để người dân hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngành BHXH đã tổ chức đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; tuyên truyền những điểm mới về chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế đến các hội, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

 Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người dân các thủ tục liên quan chính sách BHXH. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người dân các thủ tục liên quan chính sách BHXH. Ảnh: Như Nguyện


Hàng năm, tỉnh đều chỉ đạo xây dựng kế hoạch về công tác phát triển BHXH và ban hành nghị quyết giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương thực hiện nhằm bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó, công tác phát triển số người tham gia BHXH có sự chuyển biến qua từng năm. Năm 2018, toàn tỉnh có 82.211 người tham gia BHXH, năm 2020 tăng lên 90.941 người, đến cuối năm 2021 có 92.965 người. Việc phát triển số lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH được chú trọng. Trong 10 năm (2008-2018) thực hiện chính sách BHXH tự nguyện chỉ có 1.780 người tham gia, chiếm 8,1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong khi đó, từ tháng 9-2018 đến tháng 10-2021, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên 14.208 người, chiếm 9,26% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Công tác thu, chi BHXH được thực hiện theo đúng quy định của Luật BHXH. Số thu BHXH tăng đều qua các năm. Từ năm 2018 đến hết tháng 10-2021, tổng số thu BHXH là 4.133 tỷ đồng. Nợ BHXH hàng năm có xu hướng giảm. Chi BHXH trong năm 2021 trên 1.939,9 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2020. Từ năm 2018 đến tháng 10-2021, toàn tỉnh đã giải quyết trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe 16.496 hồ sơ với số tiền 540,84 tỷ đồng; xét duyệt và tổ chức chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định cho 48.200 lượt người với số tiền trên 366 tỷ đồng. Giải quyết các chế độ BHXH hàng tháng như: hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tử tuất... kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Do điều kiện, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn trung bình cả nước dẫn đến chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền về BHXH, coi đây là nhiệm vụ của cơ quan BHXH. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhận thức còn hạn chế nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách về BHXH chưa đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện, nhất là trong tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được tham gia BHXH chiếm tỷ lệ còn cao.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách BHXH trong thời gian đến, thiết nghĩ, chúng ta cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu rộng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH đến các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện.

Các cơ quan quản lý nhà nước và ngành BHXH cần thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động… để các chính sách trên thực sự là trụ cột trong an sinh xã hội. Từng bước mở rộng diện bao phủ BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh tại địa phương.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức; đổi mới tác phong, lề lối làm việc. Tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục huy động các nguồn lực của xã hội, các cơ sở y tế, các tổ chức xã hội tham gia vào hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng như thực thi các chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế... để người dân được thụ hưởng tốt hơn và mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân.

Trong triển khai thực hiện chính sách BHXH cần linh hoạt, đa dạng, hiện đại theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Trong đó, trọng tâm là phát triển đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Cần chăm lo thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với người tham gia và thụ hưởng BHXH, bảo hiểm y tế. Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Phục vụ chi trả chế độ chính xác, thuận tiện và kịp thời, đặc biệt đối với các đối tượng là trẻ em, người nghèo, hưu trí, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

TỐNG THỚI MỐC
 

Có thể bạn quan tâm