Bảo hiểm y tế toàn dân: Chung tay vì sức khỏe cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chủ đề của Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam (1-7) năm nay xoay quanh trọng tâm “BHYT toàn dân-Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”. Xung quanh chủ đề này, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Gia Lai đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông phong phú, đa dạng nhằm đưa các chính sách BHXH, BHYT đến với người dân trên địa bàn.

Bảo hiểm Y tế, BHXH là 2 chính sách quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, người dân ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham gia BHYT và giá trị thiết thực của tấm thẻ BHYT, đặc biệt là những khi ốm đau, bệnh trọng.

Lao đao vì không có BHYT

Bệnh tật thường không chừa một ai và khi đã lâm trọng bệnh thì người nghèo càng thêm nghèo, nhiều người giàu cũng lao đao, sạt nghiệp vì không có BHYT. Nhất là trong tình hình hiện nay, nguy cơ bệnh tật ngày càng gia tăng trong khi giá các dịch vụ y tế cũng đã được điều chỉnh tăng thêm kể từ ngày 1-6 vừa qua thì tham gia BHYT là một trong những việc cần làm ngay nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và được chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám-chữa bệnh nếu chẳng may ốm đau…

 

Các cơ sở y tế đã nỗ lực nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: N.N
Các cơ sở y tế đã nỗ lực nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: N.N

Tính bình quân mỗi người bệnh khi nằm điều trị nội trú tại Trạm Y tế xã thì có sự tham gia đóng BHYT của 2 người/năm; nằm điều trị tại bệnh viện tuyến huyện phải có sự tham gia của 4-6 người/năm; nằm điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh thì có sự tham gia của 8-10 người/năm và điều trị tại bệnh viện tuyến Trung ương thì phải có khoảng 15 người đóng BHYT/năm. Như vậy, tham gia BHYT là một cách để chia sẻ rủi ro cùng cộng đồng, tham gia khi lành là để dành khi ốm…

Vốn đã thoát nghèo vài năm nay do công việc phụ hồ cũng mang lại thu nhập ổn định, tuy nhiên, việc bị tai nạn lao động giữa năm 2015 trong lúc đi làm đã khiến gia đình anh Đỗ Xuân Tiến (SN 1972, tổ 14, phường Hội Thương, TP. Pleiku) gần như quay về vạch xuất phát. Nguyên nhân cũng bởi anh Tiến không có BHYT. Số tiền hơn 110 triệu đồng nhiều năm anh dành dụm, tích cóp đã phải vét hết để dồn cho việc chữa bệnh. “Nếu có thẻ BHYT chắc cũng đỡ phần nào. Chỉ tiếc là khi ấy tôi không tham gia BHYT nên tiền khám-chữa bệnh gia đình phải tự chi trả. Đối với người giàu, trăm triệu có là bao nhưng với những gia đình khó khăn như tôi thì ngần ấy là cả gia tài”-anh Tiến bùi ngùi chia sẻ.

Là hộ kinh doanh có điều kiện kinh tế khá giả nên gia đình bà Trần Thị Thanh (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) không nghĩ đến chuyện mua BHYT. Thế nhưng, đầu năm 2014, chồng bà Thanh phát bệnh. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện An Sinh TP. Hồ Chí Minh cho thấy chồng bà bị ung thư đại trực tràng giai đoạn III buộc phải phẫu thuật và xạ trị. Chỉ riêng đợt điều trị đầu, gia đình bà Thanh đã phải tiêu tốn gần 200 triệu đồng. Bà Thanh cho biết: “Lúc này nghĩ đến chuyện mua BHYT cũng đã muộn nhưng có còn hơn không. Tôi mua BHYT cho chồng và những người trong gia đình. Trong lúc chờ thẻ BHYT có hiệu lực sử dụng, gia đình tôi phải chi thêm hơn 100 triệu đồng nữa và sau này chi phí khám-chữa bệnh đã được giảm bớt nhờ có thẻ BHYT”.  

Nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT

Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH Gia Lai, chia sẻ: Hoạt động tuyên truyền về BHXH, BHYT trên địa bàn thời gian qua được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị nên đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua tuyên truyền, người dân hiểu được những ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, những điểm mới, quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH, BHYT từ đó tích cực tham gia.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế-Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám-chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, số người tham gia BHYT tại Gia Lai ngày càng tăng; số lượt người bệnh có thẻ BHYT đi khám-chữa bệnh cũng gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.193.215 người tham gia BHYT, chiếm 82,87% dân số. Ước tính 6 tháng năm đầu năm nay, có khoảng 643.044 lượt người khám-chữa bệnh BHYT, tương ứng với số tiền khoảng 360 tỷ đồng chi phí khám-chữa bệnh BHYT, ước tăng 54% so với cùng kỳ năm 2016.

Những quyền lợi của người tham gia BHYT không ngừng được tăng lên, đồng thời các cơ sở khám-chữa bệnh cũng đã và đang tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Đến nay, BHXH Gia Lai đã ký hợp đồng khám-chữa bệnh BHYT với 33 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (trong đó: cơ sở y tế ký hợp đồng theo phí dịch vụ là 28, cơ sở y tế ký hợp đồng theo định suất là 5). Từ cuối tháng 6-2016, BHXH Gia Lai đã phối hợp với Viettel Gia Lai và Sở Y tế lắp đặt đường truyền internet, máy vi tính tại từng cơ sở y tế theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam; triển khai thực hiện tin học hóa trong khám-chữa bệnh và thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT…

“Để việc thực hiện chế độ, chính sách BHYT năm 2017 đạt kết quả tốt, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, thời gian tới, BHXH Gia Lai tiếp tục chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; tham mưu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương mở rộng và tăng tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra phòng-chống các biểu hiện và hành vi lạm dụng, trục lợi từ quỹ khám-chữa bệnh BHYT sẽ được thực hiện thường xuyên. Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ qua giao dịch điện tử; phối hợp cùng các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến với người dân, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT hộ gia đình trong thời gian đến…”-ông Lê Quốc Khánh cho biết.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm