Phóng sự - Ký sự

Bào mòn... sức lao động - Kỳ 4: Cơ sở để nâng lương tối thiểu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nỗi lo xuyên suốt, bao trùm các ngành, các cấp trước đòi hỏi tăng lương tối thiểu là liệu sự đội giá do tăng lương có làm giảm lợi nhuận sản xuất đến mức đầu tư nước ngoài sẽ rẽ qua các nước có chi phí lao động thấp hơn hay không. Chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này.



Những con số xác thực

Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ những điều vẫn khuất lấp trong điều kiện bình thường. Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, thực hiện ba tại chỗ, hai điểm đến, một cung đường. Chi phí sản xuất tăng cao. Một doanh nghiệp ngành dệt may cho biết: giá bông từ 1,5 USD/kg tăng lên 2,7-3 USD/kg; than chạy nồi hơi 2.000-3.000 đồng/kg, hóa chất thuốc nhuộm tăng 50-100%; tóm lại chi phí sản xuất tăng trung bình 70%, có doanh nghiệp tăng tới 100%. Ấy vậy mà hầu hết các doanh nghiệp vẫn có lãi. Những doanh nghiệp nhỏ, dưới 500 công nhân lãi chừng 5-6%. Những doanh nghiệp hơn 1.000 công nhân trở lên có thể lãi 15-16%. Có nghĩa là trong trạng thái hoạt động bình thường, mức lãi của doanh nghiệp có thể lên tới 70-100% giá thành sản phẩm.

 Nâng lương tối thiểu tạo tiền đề cải thiện chất lượng nhà đầu tư.
Nâng lương tối thiểu tạo tiền đề cải thiện chất lượng nhà đầu tư.


Chúng tôi hiểu rằng, việc trích dẫn những con số cụ thể từ một nguồn tin khuyết danh sẽ kém thuyết phục. Chính vì vậy, chúng tôi đã cố sưu tầm ba bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp dệt may, da giày trong đó mức lãi dự kiến đều từ 12% trở lên. Có thể khẳng định rằng dệt may, da giày là ngành lao động vất vả nhất, thu nhập vào loại thấp nhất và là một trong những ngành mang lại lãi “khủng” nhất. Theo Forbes, hơn 90% dòng tiền FDI vào Việt Nam chỉ tập trung trong các ngành giản đơn như may mặc, da giày, chế biến lương thực-thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử. Đây là những ngành có xu hướng sử dụng lao động tay nghề thấp, thậm chí chưa cần qua trường lớp đào tạo. Như vậy, nhân công giá rẻ chính là bí quyết thu lợi nhuận khủng của những ngành sản xuất giản đơn này. Việc yêu cầu người sử dụng lao động san sẻ một phần lợi nhuận khủng của mình để nâng lương tối thiểu cho người lao động là một đề nghị hợp lý, hợp tình.

Lợi cả đôi bên

Trong các cuộc đàm phán gay gắt của Hội đồng Tiền lương quốc gia luôn tồn tại những quan niệm chưa thỏa đáng như: năng suất lao động của ta thấp chỉ đáng hưởng lương thấp; nâng lương tối thiểu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, làm mất sức thu hút đầu tư nước ngoài… Như chúng tôi đã chỉ rõ ở trên. Một trong các quan niệm của đại diện người sử dụng lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia là đồng tiền tăng lương cho người lao động là đồng tiền mất đi từ người sử dụng lao động. Trên thực tế mối quan hệ lành mạnh nhất giữa người sử dụng lao động và người lao động là đồng hành, cùng san sẻ lợi ích. Tại nhà máy sản xuất găng tay y tế xuất khẩu ở Khu công nghiệp Sóng Thần 3 (Bình Dương), chủ doanh nghiệp Huỳnh Uy Dũng cho biết: Một công nhân học việc hưởng lương 7,5 triệu đồng/tháng, được nhận chính thức sẽ là 10,5 triệu đồng/tháng. Bữa ăn ca là 25 nghìn đồng, ông thêm 5 nghìn đồng mỗi suất cho bữa ăn bảo đảm chất lượng cho người lao động. Bù lại sản phẩm găng tay y tế của ông vượt chất lượng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.

Theo một nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động của Đại học Harvard: Về lợi nhuận, việc tăng lương thêm 1 đô-la sẽ làm tăng năng suất lên hơn 1 đô-la, tạo động lực cho công ty trả nhiều hơn, ngay cả khi họ có thể trả mức lương thấp hơn.

Có thể khẳng định rằng, việc tăng thu nhập cho người lao động thu nhập thấp sẽ đem lại sự tăng năng suất lao động đáng kể làm lợi cho người sử dụng lao động. Ngay cả khi sự tăng năng suất lao động ấy không được khả quan như những nghiên cứu khách quan và độc lập ở trên đã chỉ ra, thì cũng có thể chắc chắn rằng sự tăng năng suất lao động ấy cho phép phân phối hợp lý giữa quyền lợi của người lao động và lợi nhuận của người sử dụng lao động. Đây là cơ sở khoa học, khách quan cho việc tăng lương tối thiểu mà không cần xem xét đến những lo lắng của những người vẫn tự nhận là đại diện cho người sử dụng lao động.

Thay lời kết

Khi làm việc với nhóm phóng viên báo Thời Nay, Phó Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Trần Văn Tỵ cho biết: Trong thời gian ba tại chỗ, có những nữ công nhân may làm việc đạt thu nhập 21 triệu đồng/tháng. Với mức lương ban đầu chỉ gần 7 triệu đồng, để có mức thu nhập trên, nữ công nhân đã phải làm việc 18-19 giờ/ngày. Và đáng buồn, đây hoàn toàn không phải tình trạng cá biệt. Một chủ doanh nghiệp giải thích: khi thực hiện ba tại chỗ, người công nhân không làm việc cũng chẳng biết làm gì nên chỉ ăn, ngủ và làm. Dù giải thích thế nào thì tình trạng vắt kiệt sức lao động của công nhân đã diễn ra phổ biến suốt thời kỳ đại dịch.

Điều cuối cùng muốn trao đổi là mốc làm việc 8 giờ một ngày. Đây là một thành tựu vĩ đại của những người lao động trên toàn thế giới, đến mức số đông coi nó là bất di bất dịch. Thực chất giờ làm việc của người lao động từ hầu như cả ngày trừ thời gian ăn, ngủ được rút dần xuống còn 8 giờ/ngày. Đây là khoảng thời gian mà một người lao động vừa sản xuất ra lợi nhuận cho người chủ và mức tiền công bảo đảm cuộc sống cho mình. Lịch sử chứng minh rằng khoa học, công nghệ càng phát triển, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất càng tăng lên, khoảng thời gian sản xuất cần thiết để bảo đảm nuôi sống mình và lợi nhuận cho người chủ càng rút ngắn xuống. Có nghĩa là với mốc làm việc 8 giờ được thiết lập từ 80 năm trước, giờ đây ngày chỉ 8 giờ làm việc mỗi ngày cũng đã bắt đầu tạo ra lợi nhuận siêu ngạch cho người sử dụng lao động.

Vì tất cả lẽ đó, một mốc tiền lương, thu nhập mới cân bằng hơn quyền lợi của người lao động và lợi nhuận của người sử dụng lao động vào thời điểm này là hợp lý và cần thiết.

https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/bao-mon-suc-lao-dong-ky-4--680431/

Theo Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm