(GLO)- Với cường độ mạnh và diện ảnh hưởng rộng, cơn bão số 4 (Noru) đã gây ra nhiều thiệt hại cho khúc ruột miền Trung thân yêu. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai, bão số 4 đã khiến 57 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị sập, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, hàng chục ngàn héc ta hoa màu bị hư hại… Tuy nhiên, theo đánh giá thì thiệt hại do cơn bão này gây ra thấp hơn nhiều so với dự báo.
Tại cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên vào sáng 28-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ 6 bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với cơn bão số 4 gồm: cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm; nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng-chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm “4 tại chỗ”; công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp; phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh.
Thực tế đã chứng minh công tác chỉ đạo cũng như việc triển khai các giải pháp ứng phó từ trung ương đến địa phương là chủ động, nhất quán, sâu sát và hiệu quả. Trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành-Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng Ban Chỉ đạo tiền phương đã có mặt tại “rốn bão” Đà Nẵng và trực tiếp đến các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Đặc biệt, các địa phương trong vùng bão ảnh hưởng đã quán triệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4: “Công tác phòng-chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống cao hơn 1 cấp”, “Không được chủ quan, lơ là và cũng không nên hoang mang, mất bình tĩnh”, “Đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết”.
Một số ngôi nhà ở xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) bị tốc mái. Ảnh người dân cung cấp |
Gia Lai được xác định nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có công văn yêu cầu các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng bộ trực thuộc; các sở, ban, ngành; MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng-chống bão số 4 tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tương tự, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đề nghị các sở, ngành và địa phương tích cực đôn đốc nhắc nhở công tác phòng-chống bão, khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sự vào cuộc của các ban ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí cùng ý thức chủ động phòng ngừa của người dân nên mức độ thiệt hại do bão số 4 gây ra trên địa bàn tỉnh được kéo giảm ở mức thấp nhất. Theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa bão đã làm hư hỏng một số công trình và thiệt hại một phần diện tích hoa màu của người dân. Tuy nhiên, tính đến nay, toàn tỉnh chưa có thiệt hại về người do mưa bão.
Đề cập đến kinh nghiệm rút ra từ công tác ứng phó với cơn bão số 4 trên địa bàn tỉnh, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh-cho rằng: 6 bài học mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra là vô cùng đúng đắn và rất đáng quý. Đối với tỉnh có địa bàn rộng và địa hình phức tạp như Gia Lai, để ứng phó hiệu quả với thiên tai, cấp ủy và chính quyền các địa phương cần huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị với phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa để chủ động ứng phó với thiên tai.
Mưa bão đi qua, tình người ở lại. Những ngày qua, người dân cả nước hướng về đồng bào miền Trung với tình cảm yêu thương, san sẻ. Có lẽ đây cũng là bài học quý giá về tinh thần tương thân tương ái, về tình đồng chí, nghĩa đồng bào được hun đúc, lan tỏa qua bao thế hệ trên mảnh đất hình chữ S vốn giàu có nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thiên tai này!
D.L